Chuyện lạ địa giới hành chính: Nhập nhằng địa giới, di tích bị bỏ rơi

13/11/2015 05:59 GMT+7

Đó là tình cảnh bi hài đang diễn ra tại di tích Hải Vân Quan. Do chồng lấn ranh giới , không có đơn vị đứng ra chăm nom, đến nay di tích bị xuống cấp trầm trọng.

Đó là tình cảnh bi hài đang diễn ra tại di tích Hải Vân Quan. Do chồng lấn ranh giới, không có đơn vị đứng ra chăm nom, đến nay di tích bị xuống cấp trầm trọng.

Di tích Hải Vân Quan xuống cấp nghiêm trọng vì không được tôn tạo, tu bổ do chồng lấn địa giới - Ảnh: Hoàng VinhDi tích Hải Vân Quan xuống cấp nghiêm trọng vì không được tôn tạo, tu bổ do chồng lấn địa giới - Ảnh: Hoàng Vinh
Cụm di tích tại đây bao gồm di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn, các công sự thời chiến của Pháp, Mỹ xây dựng. Với ngành du lịch, đây là điểm dừng chân hấp dẫn, được khai thác quanh năm nên du khách biết và đến đây ngày càng nhiều, đặc biệt là khách quốc tế. “Các đoàn khách nước ngoài đều lựa chọn đây làm điểm dừng để ngắm cảnh, chụp hình lý tưởng”, anh Trần Thanh Nam, một hướng dẫn viên tại Đà Nẵng cho biết.
Tạm quản lý vì... gần
Tại di tích này, tình trạng chèo kéo, bu bám du khách phản cảm, gây mất trật tự, mỹ quan, làm ảnh hưởng môi trường du lịch đã diễn ra trong suốt thời gian dài. Chưa hết, con đường dốc ngoằn ngoèo bằng các bậc tam cấp dẫn lên di tích đang bị bao vây bởi rác và cỏ dại. Một số hạng mục sau nhiều năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” ngày càng mục vỡ, xuống cấp nghiêm trọng. Do vị trí này nằm sát TP.Đà Nẵng nên áp lực dư luận đều quy trách nhiệm về phía TP.Đà Nẵng. Đến năm 2013, Đà Nẵng chính thức công nhận đây là một trong các điểm du lịch thuộc TP để có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ.
Trả lời về vấn đề địa giới hành chính, cụm di tích này thuộc Huế hay Đà Nẵng, đại diện Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho rằng: Cả cụm di tích nằm ngay tại khu vực đường ranh giới phân định, ngay mốc địa phận nên không thể nói rõ là thuộc bên nào. Tuy nhiên, do di tích nằm sát với Đà Nẵng, cụ thể là địa phận Q.Liên Chiểu nên từ trước đến nay, đơn vị này có trách nhiệm xử lý trật tự môi trường. Thêm vào đó, gần 80% các hộ kinh doanh mua bán sản phẩm phục vụ khách du lịch trên đỉnh đèo Hải Vân là dân của P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu) nên các đội quy tắc đô thị, công an của quận và bộ đội biên phòng địa phương vẫn có trách nhiệm đảm bảo an ninh và môi trường du lịch tại đây.
“Chúng tôi chỉ quản lý về trật tự, môi trường du lịch tuyến đầu vào của Đà Nẵng và cũng đành nhìn di tích xuống cấp mà không làm gì được”, ông Phạm Văn Trường, Trưởng phòng VH-TT Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) nói.
Giữ nguyên ranh giới lịch sử
Ông Bạch Chơn Đông, Phó giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên-Huế, cho biết ngày 28.7.2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã có báo cáo hiện trạng địa giới hành chính giữa Thừa Thiên-Huế và TP.Đà Nẵng gửi Bộ Nội vụ.
Theo đó, đường địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP.Đà Nẵng đã có lịch sử tồn tại và ổn định lâu đời. Từ trước đến nay, tuy cách thể hiện khác nhau nhưng trong các văn bản, báo cáo điều hành của Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư đều nhất trí thừa nhận rằng về mặt ranh giới lịch sử thì khu vực từ điểm cao 724 m theo đường hợp thủy qua cống Ba Cửa trên đường sắt bắc - nam tới mép bờ biển, ra đến mũi Khẻm và đảo Sơn Chà là thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tỉnh Thừa Thiên-Huế không hề có tranh chấp địa giới với TP.Đà Nẵng, từ ngày giải phóng năm 1975 cho đến khi triển khai đo vẽ bản đồ theo Chỉ thị 364-CT ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính và lập bộ bản đồ hiện trạng về địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã.
Cụ thể, trong quá trình triển khai lập hồ sơ thì phía tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đơn phương đề nghị không đi theo đường địa giới lịch sử. Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thì tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và tỉnh Quảng Nam đã thống nhất; riêng tuyến giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP.Đà Nẵng đoạn từ đỉnh cao 724 m theo đường hợp thủy qua cống Ba Cửa vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị giữ nguyên 2 km đoạn ranh giới lịch sử như đã nói ở trên và giữ nguyên hiện trạng quản lý. Nếu theo ranh giới này thì Hải Vân Quan có một phần lớn thuộc về Thừa Thiên-Huế.
Di tích bị bỏ rơi
Do tình trạng chồng lấn ranh giới nên đến nay, di tích Hải Vân Quan vẫn chưa được công nhận di tích quốc gia.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn đề nghị giao cụm di tích này cho Đà Nẵng quản lý để có phương án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy hiệu quả của di tích. Nhưng nếu không được, chúng tôi cũng đề xuất Bộ VH-TT-DL lập hồ sơ công nhận là điểm di tích quốc gia thuộc Bộ, có ban quản lý riêng để quản lý, vì quan trọng nhất vẫn là có một đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm đối với di tích, ngăn chặn tình trạng xuống cấp thảm hại như suốt thời gian qua”.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết di tích Hải Vân Quan là pháo đài phòng thủ phía nam của kinh đô Huế. Đây là cụm kiến trúc trong quần thể di tích cố đô Huế nhưng tiếc thay do vướng địa giới hành chính chưa được giải quyết nên vẫn chưa được công nhận. “Ở góc độ là đơn vị chuyên môn quản lý hệ thống quần thể di sản cố đô Huế, nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát và nhếch nhác như vậy chúng tôi rất đau lòng. Di tích này nên được sớm công nhận di tích và giao cho một cơ quan chuyên môn để quản lý. Có như vậy, mới có cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị”, ông Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.