Đáng nói là những vấn đề này diễn ra không phải lần đầu nhưng lại chưa được giải quyết triệt để, dù đây là mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đời sống người dân, hệ thống sản xuất, chỉ số lạm phát và an ninh năng lượng quốc gia.
Chuyện lạ đời thứ nhất là chúng ta bỏ hàng chục tỉ USD xây dựng nhà máy lọc dầu, nhưng khi các nhà máy này đi vào hoạt động thì giá xăng dầu trong nước vẫn không giảm. Chẳng là trước khi có nhà máy lọc dầu, VN vẫn xuất khẩu dầu thô và nhập xăng dầu thành phẩm nên phải điều chỉnh theo giá thế giới, thế giới lên thì trong nước tăng và ngược lại. Vì vậy, khi nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn đi vào hoạt động, hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước cứ khấp khởi sẽ được mua xăng dầu với giá rẻ hơn nhưng không, chúng ta vẫn điều chỉnh giá xăng dầu định kỳ 10 ngày/lần theo giá thế giới như cũ.
Lạ đời hơn là bán xăng dầu theo giá thị trường nhưng cứ kinh doanh gặp khó thì họ lại cầu cứu hoặc gây áp lực để được hỗ trợ. Đơn cử năm 2021 do dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, tồn kho ở Dung Quất, Nghi Sơn tăng cao, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đã kiến nghị dừng nhập khẩu xăng dầu, chỉ sử dụng nguồn cung trong nước để cứu các nhà máy này. Vài tháng sau, thời điểm cuối năm “ông lớn” Nghi Sơn cắt giảm công suất vì “thiếu tài chính nhập dầu thô để lọc” khiến thị trường náo loạn với nỗi lo thiếu hụt nguồn cung. Sự việc này khởi động cho tình trạng khan hiếm nguồn cung (không biết thật hay giả tạo) dẫn đến nhiều cửa hàng xăng ở một số tỉnh, thành trên cả nước đóng cửa nghỉ bán hiện nay. Cũng có nghĩa là dù đã lọc được dầu nhưng chúng ta vẫn bị động trong cung ứng. Đúng là chuyện lạ... có thật.
Chuyện lạ này “đẻ” ra chuyện lạ khác. Xăng dầu là ngành hiếm hoi vẫn đang được hưởng lợi nhuận định mức. Nghĩa là bất kể giá lên giá xuống, cứ bán một lít xăng thì doanh nghiệp đầu mối được hưởng một khoản lợi nhuận cố định 300 đồng/lít. Thế nhưng ở nhiều thời điểm, họ vẫn kêu trời vì khó, vì lỗ. Nếu giá xuống, cung trên thị trường bỗng dưng nhỏ giọt, xuất hiện tình trạng găm hàng chờ giá lên mới bán. Mỗi lần như vậy, thị trường lại nháo nhào, lại họp, lại tuyên bố này nọ nhưng các vấn đề cốt lõi của tình trạng này không được giải quyết. Nên đến hẹn lại lên, cứ lâu lâu thị trường xăng dầu trong nước lại xảy ra những chuyện lạ đời như vừa nói trên.
Tình trạng hiện nay làm người ta nhớ đến cuộc tranh luận gây chấn động thị trường xăng dầu thời điểm tháng 9.2011, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đương nhiệm - khi đó đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính đã bác đề nghị tăng giá xăng dầu của Bộ Công thương cũng như các doanh nghiệp đầu mối với lý do thua lỗ. Lúc bấy giờ, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo Petrolimex giải thích rõ tại sao kêu lỗ, nhưng lúc IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - PV) lại nói lãi. Khi lãnh đạo Bộ công thương nói không thể tách lỗ lãi từng mặt hàng, ông Vương Đình Huệ hỏi “vậy các anh làm thế nào để biết lỗ” và yêu cầu báo cáo cụ thể từng mặt hàng một chứ không có chuyện không biết lỗ lãi từng mặt hàng. Tuyên bố của ông Vương Đình Huệ “hơn 10 năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy, quan điểm điều hành của Bộ Tài chính không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân” khi đó làm nức lòng người dân cả nước.
Và tuyên bố đó vẫn còn nguyên giá trị của nó. Vì vài nhà máy lọc dầu, vài chục doanh nghiệp đầu mối hay vì 100 triệu người dân, chúng ta hãy cứ nhìn cách điều hành, quản lý của các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết tình trạng rối ren của thị trường xăng dầu hiện nay sẽ rõ.
Bình luận (0)