Chuyện làng phạt vạ - Kỳ 3: Sinh đôi phải bỏ một đứa

09/02/2016 08:20 GMT+7

Người Tà Rẻ ở vùng huyện Đăk Glei (Kon Tum) xưa tồn tại hủ tục rất đáng sợ: ấy là ai sinh đôi thì làng phạt gia đình ấy phải bỏ đi một đứa con.

Người Tà Rẻ ở vùng huyện Đăk Glei (Kon Tum) xưa tồn tại hủ tục rất đáng sợ: ấy là ai sinh đôi thì làng phạt gia đình ấy phải bỏ đi một đứa con.

Trẻ em Tà RẻTrẻ em Tà Rẻ
Trả con cho Yang
Nghe hỏi chuyện về tục lệ sinh đôi hai đứa thì phải bỏ đi một đứa, anh A Đối-Phó chủ tịch UBND xã Xốp, huyện Đăk Glei xác nhận: "Ở đây từng có hủ tục này".
Theo quan niệm của người Tà Rẻ, trong hai đứa con sinh đôi thì có một đứa là con của Yang rừng, nên làng phải trả đứa trẻ này cho Yang sau khi sinh ra. “Ngày trước bà con muốn sống trong làng thì bất kể ai cũng vậy, khi sinh đôi phải giết 1 đứa. Ai sinh đôi thì buộc phải chọn một để nuôi, đứa còn lại thì phải đưa vào rừng, sống chết do Yang", anh Đối kể.
Chuyện làng phạt vạ - Kỳ 3: Vạ làng 'sinh hai giết một' 1Anh A Bên với con trai A Thương
Nói rồi A Đối đưa chúng tôi đến nhà A Bắc (50 tuổi) ở làng Xốp Nghét. Đêm bên bếp lửa bập bùng, cái lạnh của núi rừng ùa về và câu chuyện tàn nhẫn lạnh lùng mà A Bắc kể làm chúng tôi nghe lưng lạnh cả sống lưng. 
Đó là năm 1983, nhà A Bắc ở làng Xốp Nghét sinh đôi hai bé trai. Nhìn chăm chăm hai đứa con, A Bắc thấy dễ thương chứ "Yang rừng nào ở đây đâu". Thế nhưng nghĩ và tục lệ làng thì đành chịu. Chỉ ngày hôm sau thôi, làng kéo đến bảo: phải phạt nhà mày thôi A Bắc, bởi sinh hai đứa con.
Sau đó, làng buộc A Bắc giữ lại một đứa, một đứa phải ra đi. “Đau cái bụng lắm, nhưng ở với làng thì phải chịu vạ thôi, nếu không thì không sống được với làng đâu. Làng có chuyện gì, cả nhà mình không gánh nỗi đâu". A Bắc ngậm ngùi, ánh mắt xa xăm nhìn về phía rừng tăm tối. Trong ấy có đứa con ông ngày xưa…
Chuyện làng phạt vạ - Kỳ 3: Vạ làng 'sinh hai giết một' 2Nhà rông ở người Tà Rẻ ở xã Xốp
Đó là chưa kể, sau khi để đứa trẻ ra đi, hai vợ chồng A Bắc phải làm lễ chịu vạ làng, cúng làng rồi mới được nuôi đứa con còn lại tên là A Bông. Giờ A Bông đã trưởng thành, có gia đình riêng, còn anh em sinh đôi với nó, đang ở phương nào ai biết! Chúng tôi đưa máy lên chụp hình, A Bắc bảo, chuyện buồn, xin đừng chụp đưa hình.
Nhà bà Y Gốc ở thôn Kon Liêm cũng chịu cảnh tương tự như nhà A Bắc. Cách đây 10 năm Y Gốc sinh đôi 2 đứa con trai. Thế rồi bà cũng đành bỏ đi một đứa, và còn nộp phạt vạ heo, gà và rượu cần để cúng làng. “Mình không làm thì bị đuổi đi khỏi làng", Y Gốc nói buồn.
Với đồng bào Tà Rẻ, bị đuổi khỏi làng là nỗi nhục lớn nhất của đời người.
Chuyện làng phạt vạ - Kỳ 3: Vạ làng 'sinh hai giết một' 3Một góc làng Xốp Nghét ở xã Xốp
Làm lễ trình Yang cúng làng rồi nuôi con
Đêm, trò chuyện với ông A Be (60 tuổi) ở làng Tân Đum, chúng tôi lạnh người nghe ông bảo rằng, người Tà Rẻ sinh đôi thì bỏ cả 2 chứ không phải bỏ 1 đâu. Điều đáng buồn là, sau khi sinh đôi, cả ba mẹ của hai đứa trẻ sơ sinh phải trốn lên rừng, bởi làng cho đó là có ma, sẽ báo hại cho cả dân làng.
Tục lệ làng xưa nay là thế nên nhiều cặp vợ chồng sinh đôi đành phải đem bỏ hẳn 2 đứa con trên rừng, đến vài tháng sau mới dám về làng. Sau đó còn phải cúng heo, gà, rượu cần cúng đuổi con ma đi trước sự chứng kiến của dân làng, từ đó mới sống cuộc sống bình yên. "Nếu không cúng đuổi con ma, làng có chuyện gì xấu thì cả làng sẽ đổ lỗi cho gia đình có con sinh đôi ấy”, ông A Be nói.
Chuyện làng phạt vạ - Kỳ 3: Vạ làng 'sinh hai giết một' 4Nhà rông người Xê Đăng ở làng Kon Pring, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông
A Đối khẳng định, đó là chuyện hủ tục tồn tại hơn 10 năm trước. Bây giờ làng có phạt vạ, nhưng vẫn được nuôi hai đứa con. Tuy nhiên, muốn nuôi thì phải phạt vạ: đó là làm lễ cúng làng, cúng Yang rồi mới nuôi con. A Đối giới thiệu chúng tôi xuống gặp gia đình A Thía, Y Nép ở làng Kon Liêm.
Tìm đến nhà A Thía ở làng Kon Liêm, không có ai ở nhà, nhưng người làng cho hay, A Thía có hai đứa con sinh đôi khoảng 10 tuổi. Ngày sinh con, vợ chồng A Thía giết gà để thưa với làng, tạ lễ với Yang rồi nuôi con bình thường và mãi đến giờ dân làng đối đãi bình thường, không bị kỳ thị gì.
Tìm đến những gia đình có sinh đôi ở làng Tân Đum, chúng tôi gặp được A Bên (30 tuổi). Theo lời A Bên thì năm 2008, vợ sinh đôi 2 đứa con trai nhưng lúc này làng không còn hủ tục nặng nề nữa nên nuôi con bình thường, nhưng hiển nhiên là gia đình phải báo làng và làng gà, heo để cúng Yàng trước sự chứng kiến, tham gia của toàn dân làng.
Chuyện làng phạt vạ - Kỳ 3: Vạ làng 'sinh hai giết một' 5Thuyền độc mộc trên dòng sông Đăk Bla chảy qua thành phố Kon Tum
Chỉ bé trai đang chạy chơi với bạn, A Bên bảo đó là A Thương, còn người anh em song sinh bị bệnh chết cách đây vài năm.
Trạm trưởng Trạm y tế xã Xốp, chị Nguyễn Thị Oanh bảo, từng nghe hủ tục "sinh 2 bỏ 1" này, nhưng 7 năm nay kể từ khi công tác tại trạm y tế này, chứng kiến nhiều cặp sinh đôi, nhưng chưa có trường hợp nào phải bỏ đi một người con như trước nữa.
“Dù hủ tục không còn, nhưng cán bộ y tế bọn tôi vẫn tuyên truyền thường xuyên để bà con nhận thức rõ hơn về việc này”– chị Oanh nói.
Không chỉ đến tận nhà tuyên truyền, cán bộ y tế, dân số cũng như cán bộ văn hóa xã còn nhờ những người có uy tín trong làng nói để bà con nghe theo. “Với việc tuyên truyền liên tục cùng với những minh chứng rõ ràng, bà con dần hiểu ra và đến bây giờ thì đã bỏ được hủ tục lạc hậu đó”- A Đối cho hay.
Những ngôi làng hẻo lánh với hủ tục lạc hậu ngày nào giờ đã thay đổi, chỉ giữ lại những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc của người Tà Rẻ. Thế nhưng, chuyện buồn hủ tục một thời thì vẫn ám ánh khôn nguôi, nhất là với những gia đình từng mất con mình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.