Chuyện người Mỹ ở Thái và người Thái ở Mỹ

01/12/2008 00:01 GMT+7

Hai câu chuyện thú vị về 2 người mang 2 quốc tịch khác nhau có thể làm người ta hiểu rõ hơn việc người biểu tình Thái Lan chiếm giữ sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok.

Bị kẹt lại nên cùng biểu tình

Tại một góc sân bay Suvarnabhumi những ngày qua, người ta có thể hơi ngạc nhiên khi thấy một người phương Tây mặc áo vàng ngồi lẫn với những người biểu tình của Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD). Trước mặt ông là một tấm biển ghi: "Tôi không thể quay về nên tôi trở thành phát ngôn viên của PAD". Đó là ông Joe Gibney, sống ở thành phố Boston của Mỹ. Trái ngược với hành động phản ứng tức giận của một vị khách phương Tây vài hôm trước đó vì bị kẹt lại Bangkok, ông Gibney nói sẽ ở lại cùng PAD đến khi nào sân bay mở cửa trở lại chứ nhất quyết không đi ra sân bay U-ta Pao để về nhà.

Ông Gibney cưới một phụ nữ Trung Quốc và ở cùng bà này tại thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Ông đến Bangkok đã được 3 tuần để chữa bệnh phổi và đáng lẽ đã đáp chuyến bay về Trung Quốc từ mấy ngày trước. Tuy nhiên, sau khi bị kẹt và biết về cuộc biểu tình của PAD, ông quyết định ở lại "đấu tranh" cùng họ cho đến khi nào sân bay mở cửa trở lại. "Tôi ủng hộ những gì họ đang làm", ông bày tỏ. Nhưng có lẽ ông Gibney không biết rằng Bộ Ngoại giao Mỹ hôm trước đó đã ra tuyên bố phản đối hành động chiếm sân bay của PAD, gọi đây là cách biểu tình không phù hợp.

Ông Gibney, 59 tuổi, cũng là cựu binh Mỹ từng ở Việt Nam. Ông nói tiếp: "Nghe có vẻ kỳ cục. Tôi là một người nước ngoài mà lại đi ủng hộ lực lượng biểu tình của một nước khác. Tôi sẽ không nói gì về Chính phủ Thái Lan bởi tôi không muốn họ cấm tôi quay trở lại đất nước này". Tại cuộc biểu tình của PAD, ngoài thời gian ngủ tại khách sạn sang trọng Sofitel ngay trong khu liên hợp sân bay, ông Gibney làm cố vấn cho PAD về mọi thứ như chiến lược, cách tổ chức... "Tôi chưa thấy một cuộc biểu tình nào được tổ chức quy củ và chuyên nghiệp đến thế này. Họ có đủ mọi thứ, từ bếp nấu ăn cho đến khu vực y tế", ông Gibney nói. Trước khi chia tay, ông không quên dặn: "Ngày mai tôi lên sân khấu phát biểu đấy, nhớ đến xem nhé!".

"Tôi từng làm việc cho Sonthi"

Trong khi đó, một người Thái đang làm việc tại Mỹ lại có suy nghĩ khác. Anh Patiwat Panurach, người mang 1/4  dòng máu Việt Nam, nói chưa bao giờ ủng hộ PAD cả. "Họ luôn chống lại chính sách dân túy của ông Thaksin Shinawatra" - anh Patiwat nói - "Việc họ kêu gọi thay đổi hệ thống chính trị mới như hiện nay không có gì mới mẻ. Ngay cả hồi năm 2006, lãnh đạo PAD Sonthi Limthongkul cũng đã từng tìm cách hạn chế quyền bầu cử của những người nghèo và ít được học hành ở đông bắc Thái Lan". Người đã từng làm việc cho ông Sonthi trong những năm đầu thập niên 1990 này nói: "Ông Sonthi luôn khinh miệt người khác".

Cũng theo anh, chính sách dân túy của ông Thaksin có thể chưa hoàn hảo nhưng rõ ràng là vị cựu thủ tướng này đã làm nên những thay đổi cho nước Thái. Anh cũng mạnh bạo gọi việc đòi thay đổi hệ thống chính trị mới của PAD là "ngu ngốc". "Chính phủ cầm quyền hiện nay mới lãnh đạo được 1 năm. Vậy mà PAD quả quyết rằng họ là chính phủ hủy hoại đất nước nhiều nhất trong lịch sử" - anh phân tích - "Trong thực tế chính trị hiện nay, anh không thể chiếm lòng tin của người dân bằng cách nói anh phản đối chuyện này, chuyện kia. Hãy nói rằng anh làm việc này là vì ai. Anh phải có một mục tiêu rằng anh sẽ đạt được thành quả gì, chứ không phải mục tiêu để phá hoại một thứ gì đó".

Việt Phương
(Văn phòng Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.