Chuyện những tên đường ở TP.HCM: Hàng trăm con đường trùng tên, vì sao?

Chuyện những tên đường ở TP.HCM: Hàng trăm con đường trùng tên, vì sao?

06/11/2022 13:31 GMT+7

TP.HCM có đường Lê Lợi ở Q.1, Q.Gò Vấp, đường Ký Con ở Q.1 và Q.Phú Nhuận hay như có đường Đề Thám ở Q.1 mà vẫn có đường Hoàng Hoa Thám ở Q.Bình Thạnh, đường Nguyễn Huệ ở Q.1 và đường Quang Trung ở Q.Gò Vấp,…

Nhiều tên đường ở TP.HCM trùng nhau khiến những người vừa đến TP.HCM như bị “loạn” trong ma trận tên đường. Do vậy, khi tìm tên đường ở TP.HCM, người ta thường phải ghi thêm phường, quận phía sau để tránh đi lạc.

Những tên đường nào trùng nhau?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư – tác giả cuốn Đường phố nội thành TP.HCM cho biết TP.HCM có nhiều đường trùng tên nhau như đường Nguyễn Trường Tộ ở Q.4, Q.Phú Nhuận và Q.Tân Phú, đường Ký Con ở Q.1 và Q.Phú Nhuận, đường Lê Lợi ở Q.1, Q.Gò Vấp và Q.Tân Bình hoặc tên và tước hiệu của một người, như đường Đề Thám ở Q.1, đường Hoàng Hoa Thám ở Q.Bình Thạnh và Q.Tân Bình, đường Hai Bà Trưng ở Q.1 và đường Trưng Nữ Vương ở Q.Gò Vấp, đường Quang Trung ở Q.Gò Vấp và đường Nguyễn Huệ ở Q.1.

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – chủ nhiệm nhóm nghiên cứu về tên đường ở TP.HCM cho hay, TP.HCM có 49 con đường mang tên khác nhau của 16 nhân vật. Các tên của một nhân vật có thể đặt cho những con đường ở các quận/huyện khác nhau.

Poll TNO
Bùi Viện là tên một con đường ở Q.1, TP.HCM. Vậy Bùi Viện là ai?

Ví dụ như Nguyễn Huệ là tên con đường ở Q.1 và Quang Trung được dùng làm tên đường ở TP.Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn. Cũng có trường hợp hai tên khác nhau của một nhân vật được sử dụng trong cùng một quận/huyện như ở Bình Thạnh có đường Nguyễn Khuyến và đường Yên Đổ.

Có đường Nguyễn Huệ ở Q.1 nhưng vẫn có đường Quang Trung ở Q.Gò Vấp

nhật thịnh

Ngoài ra, theo thống kê của nhóm nghiên cứu, có tất cả 311 con đường nằm trong trường hợp có tên bị trùng lặp (với 132 tên được dùng để đặt cho số đường trên). Các con đường có tên trùng nhau có thể nằm trên hai hay nhiều quận/huyện khác nhau.

Poll TNO
Bà Hạt là tên một đường ở Q.10 dài khoảng 1,4km. Vậy bà Hạt là ai?

Ví dụ như đường An Dương Vương có ở Q.5, Q.6 và Q.8. Alexander de Rhodes ở Q.1 và Thủ Đức.

Quận Bình Thạnh và Q.1 có đến 40 đường trùng tên, Q.5 có 24 đường trùng tên. Thậm chí, có nhiều con đường trong cùng một quận huyện lại có tên trùng nhau như: Q.Bình Tân 2 đường Ấp Chiến Lược (một đường từ Mã Lò kéo dài đến Tân Kỳ Tân Quý, một đường từ Tân Hòa Đông đến Đất Mới), 3 đường Bùi Hữu Diên (một đường kéo dài từ Phạm Bành đến cuối đường, một đường từ Nguyễn Thúc Tự đến cuối đường và một đường từ Nguyễn Thúc Tự đến Tạ Mỹ Duật), 2 đường Kênh Nước Đen (một đường kéo dài từ Bình Long đến Kênh 19/5, một đường từ Kinh Dương Vương đến Tên Lửa), 2 đường Hồ Văn Long, Q.5 có 2 đường Phan Văn Trị,…

TP.HCM có đến 4 đường cùng mang tên Lê Lợi ở Q.1, Gò Vấp, TP.Thủ Đức, H.Hóc Môn

nhật thịnh

Theo bà Quỳnh Trân, các tên đường bị trùng nhiều nhất là Chu Văn An (5 đường ở các quận 6, Tân Phú, Thủ Đức (2 đường), Bình Thạnh), Nguyễn Trường Tộ (5 đường ở các quận Phú Nhuận, Tân Phú, Q.4, TP.Thủ Đức 2 đường), Lê Lai, Ngô Quyền, Nguyễn Công Trứ, Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Nguyễn Thái học, Trần Hưng Đạo (cùng có 4 đường trùng nhau).

Vì sao TP.HCM có nhiều tên đường trùng nhau?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, TP.HCM có nhiều tên đường trùng nhau là do đơn vị hành chính TP.HCM được thành lập từ sau ngày 30.4.1975 do kết hợp ba đơn vị hành chính lớn riêng biệt có từ thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa là TP.Sài Gòn, TP.Chợ Lớn và tỉnh Gia Định.

Trên địa bàn mỗi đơn vị hành chính này từ trước đã tồn tại những đường phố có tên do chính quyền của các đơn vị ấy tự ý và có quyền đặt, mà không cần phải tham khảo đơn vị bạn. Thời Pháp thuộc, hầu hết tên đường phố là tên người Pháp hoặc địa danh Pháp. Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa có chủ trương đổi tất cả các tên đường bằng tiếng Pháp sang tên Việt Nam.

Tên đường Nguyễn Du vừa có ở Q.1, Q.Gò Vấp và TP.Thủ Đức

nhật thịnh

Để thực hiện, tên các đường ở tỉnh Gia Định thì do đại biểu Chính phủ ở Nam Việt đổi theo đề nghị của Tỉnh trưởng sở tại. Còn các tên đường tại Chợ Lớn và Sài Gòn gọi chung là Đô thành Sài Gòn thì do Đô trưởng Sài Gòn đổi. Do đó mà có tình trạng trùng tên đường giữa ba đơn vị này.

Lại thêm trên địa bàn tỉnh Gia Định, sau Hiệp định Genève, đồng bào Thiên Chúa giáo từ miền Bắc theo các linh mục di cư vào, quy tụ theo từng họ đạo tại các trại định cư dưới quyền điều khiển của vị linh mục chủ quản. Các ban phụ trách trại định cư tự ý trổ đường, phân lô, làm nhà, đặt tên đường, ghi số nhà, do đó mà có sự trùng tên đường giữa các khu định cư.

TP.HCM có nhiều tên đường trùng nhau là do đơn vị hành chính TP.HCM được thành lập từ sau ngày 30.4.1975 do kết hợp ba đơn vị hành chính lớn riêng biệt có từ thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa là TP Sài Gòn, TP Chợ Lớn và tỉnh Gia Định

nhật thịnh

Lại thêm nữa, sau ngày 30.4.1975, thẩm quyền đặt tên đường chưa được chính quyền TP quy định cụ thể, nên các quận đã tự ý đặt tên đường vì nhu cầu quản lý hành chính. Do đó lại có sự trùng tên đường giữa các quận, huyện.

Năm 1995, sau khi Hội đồng Đổi, đặt tên đường bắt tay vào công việc thì được chỉ đạo của TP là trên địa bàn TP chỉ dùng tên đường một người đặt cho tên một đường duy nhất, đối với một nhân vật lịch sử, đã dùng tên thì không còn dùng tước hiệu hay ngược lại. Nếu có nhiều đường trùng tên thì duy trì tên cho đường lớn nhất, các đường khác đều đổi tên hết.

Poll TNO
Bạn thấy cách đặt tên đường ở TP.HCM thế nào?

Tuy nhiên, khi dự thảo trình UBND TP, TP gửi xuống các quận tham khảo ý kiến, các quận đều đề đạt nguyện vọng là không nên đổi tên quá nhiều, sẽ gây xáo trộn, trở ngại cho dân chúng trong việc quản lý hành chính, vì tên đường đã gắn liền với giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, CMND, bằng cấp, hộ khẩu, văn tự mua bán, giấy chủ quyền nhà đất, xe cộ.

Vì vậy, sau đó chỉ đổi tên đường trùng nhau trên địa bàn một quận, huyện, cho phép bảo lưu trường hợp đã lỡ trùng tên đường giữa các quận, huyện. Đặt tên mới không được trùng tên đường cũ và việc đặt tên đường thuộc thẩm quyền UBND TP.

Sau nhiều lần họp, TP.HCM cho phép bảo lưu các tên đường trùng nhau giữa các quận, huyện; nhưng tên đường đặt mới thì tuyệt đối không được trùng tên cũ

nhật thịnh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho rằng việc bảo lưu tên đường trước kia đã lỡ trùng giữa các quận, huyện để tránh xáo trộn và phiền hà cho người dân cũng hợp lý, không gây khó khăn gì cho việc tìm đường vì ngoài tên đường còn có tên phường, tên xã, quận, huyện để phân biệt.

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân cũng cho rằng, để tránh gây xáo trộn, có thể đổi các tên đường trùng nhau nếu có cơ hội thuận tiện chẳng hạn như khi mở mang đường sá, con đường mang tên trùng được mở rộng, kéo dài hoặc được nối với một đường khác, khi đó có thể đặt tên mới để xứng tầm quan trọng theo quy mô mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.