Chuyện ở Nhật: được vinh danh vì giúp hươu tránh tai nạn đường sắt

08/12/2017 19:30 GMT+7

Trước đó, các biện pháp giăng dây, lắp đèn chớp và rải phân sư tử cũng không xua được đàn hươu khỏi đường sắt.

Tờ The Asahi Shimbun ngày 8.12 đưa tin ông Yuji Hikita (48 tuổi), công nhân điện thuộc công ty đường sắt Kintetsu (Nhật) vừa được trao giải thưởng thiết kế quốc gia nhờ phát minh giúp hươu băng qua đường sắt an toàn.
Tại Nhật, số lượng các vụ tàu bị dừng hoặc hoãn hơn 30 phút do va chạm với động vật hoang dã, phổ biến là hươu, lên đến con số 613 vụ trong năm qua, tăng 185 vụ so với năm trước.
Các vụ tàu của công ty Kintetsu va chạm hươu tăng lên 288 vụ trong năm 2015 so với con số 57 vụ trong năm 2014. Chính sau một vụ tai nạn như vậy, ông Hikita đã nghĩ cách băng qua đường sắt an toàn cho chúng.
Vụ tai nạn được camera an ninh ghi lại trên tuyến Osaka khi đàn hươu băng qua đường sắt và 3 con sau cùng bị tàu tông chết. Hình ảnh trên camera cho thấy một con hươu đứng đó nhìn chằm chằm vào con hươu đã chết suốt 40 phút.
Xúc động bởi hình ảnh này, Hikita quyết tâm nghiên cứu về thói quen của hươu. Ông nhận thấy chúng thường đi dọc theo đường sắt và liếm đường ray để hấp thu sắt.
Sau thời gian nghiên cứu, Hikita dựng lên các hàng rào cao 2m và chừa khoảng trống 20-50m. Tại đây, ông lắp các thiết bị phát ra sóng siêu âm xua đuổi hươu.
Thiết bị này hoạt động vào thời điểm nguy hiểm nhất vào sáng sớm và về đêm, khi đàn hươu thường xuất hiện và cũng là lúc có nhiều đoàn tàu đi ngang. Thiết bị được tắt trong thời gian từ khuya đến sáng sớm khi tàu ngưng hoạt động, cũng là thời điểm hươu hay đi ăn đêm.
Có 3 điểm băng qua đường được dựng lên ở chặng gần trạm Higashi-Aoyama trên tuyến Osaka, tại vùng đồi núi thuộc tỉnh Mie.
Tại đây có 17 vụ tàu tông phải hươu vào năm 2015 và số tai nạn giảm xuống chỉ còn 1 vụ trong hơn 1 năm kể từ khi thiết kế của ông Hikita được sử dụng. Công ty cũng xây dựng nhiều điểm băng qua đường sắt tương tự cho các tuyến khác. Nhiều công ty đường sắt khác cũng tỏ ra rất quan tâm đến sáng kiến này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.