Chuyện phát triển các siêu đô thị ở Trung Quốc

29/06/2023 16:29 GMT+7

Trung Quốc đã chứng kiến quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những thập niên gần đây, kéo theo sự hình thành của các "cụm đô thị" có diện tích, dân số và quy mô kinh tế siêu lớn.

Cuộc sống của Đặng Siêu, một doanh nhân tuổi 30 ở Trung Quốc, là điển hình của những người sống ở khu vực bao gồm thủ đô Bắc Kinh và các địa phương lân cận. Sinh ra ở thành phố Thương Châu thuộc tỉnh Hà Bắc, anh lấy bằng cử nhân tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh trước khi bắt đầu kinh doanh riêng ở Thiên Tân, một thành phố trực thuộc trung ương.

Giờ đây, anh đi lại giữa Bắc Kinh và Thiên Tân ít nhất ba lần một tuần, cũng như trở về quê nhà ở Hà Bắc vào các ngày lễ và dịp cuối tuần. "Đối với tôi, ba nơi như một", anh nói với Thiên Tân Nhật báo.

Cảm giác "ba nơi như một" này một phần xuất phát từ mạng lưới giao thông tại khu vực. Chuyến tàu cao tốc từ Bắc Kinh đến Thương Châu mất chưa đầy một giờ, từ Bắc Kinh đến Thiên Tân mất nửa giờ và hành trình 100 km từ Thương Châu đến Thiên Tân chỉ mất 20 phút.

Sự kết nối đó cũng là một trong những cách để hình dung về các "siêu đô thị" ở Trung Quốc, nơi chúng được gọi bằng khái niệm "thành thị quần" (tức quần thể/cụm đô thị). Doanh nhân họ Đặng chính là cư dân của siêu đô thị "Kinh-Tân-Ký", trong đó "Kinh" là Bắc Kinh, "Tân" là Thiên Tân còn "Ký" là giản xưng của tỉnh Hà Bắc.

Với quy mô dân số đô thị có thể đạt 1 tỉ người vào năm 2030, Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng 19 siêu đô thị nhằm quản lý bền vững quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Theo thiết kế, các thành phố trong một cụm sẽ hợp tác về kinh tế, sinh thái và chính trị, từ đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh của từng khu vực.

Đô thị hóa và quá trình phát triển các siêu đô thị ở Trung Quốc  - Ảnh 1.

Hùng An Tân khu thuộc tỉnh Hà Bắc, nằm trong cụm đô thị "Kinh-Tân-Ký"

TÂN HOA XÃ

Lịch sử phát triển siêu đô thị

Trung Quốc đã đô thị hóa với tốc độ chưa từng thấy. Theo một bài viết đăng trên trang MIT Technology Review (thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) vào năm 2021, chỉ có 30% dân số Trung Quốc sống ở các thành phố vào khoảng 20 năm trước; ngày nay tỷ lệ đó là 60%. Điều đó có nghĩa là khoảng 400 triệu người - nhiều hơn toàn bộ dân số Mỹ - đã chuyển đến các thành phố của Trung Quốc trong hai thập niên qua (quá trình chuyển đổi tỷ lệ tương tự mất 90 năm ở châu Âu và 60 năm ở Mỹ). Và cuộc di cư này chưa kết thúc: đến năm 2035, dự kiến 70% dân số Trung Quốc sống ở khu vực đô thị.

Để thích ứng với dòng người này, chính sách phát triển đô thị quốc gia của Trung Quốc đã chuyển từ việc mở rộng các thành phố riêng lẻ sang xây dựng một cách có hệ thống các cụm thành phố lớn, mỗi cụm sẽ là nơi sinh sống của cả trăm triệu người. Trong cuốn sách "China’s City Cluster Development in the Race to Carbon Neutrality" (xuất bản năm 2022) - ấn phẩm được quảng cáo là cuốn sách đầu tiên về các "cụm đô thị" ở Trung Quốc - hai tác giả Ali Cheshmehzangi và Tian Tang cho biết vào năm 2000, số khu vực dự kiến trở thành siêu đô thị ở Trung Quốc mới chỉ là 3, xoay quanh Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông). Song đến năm 2012, con số này đã tăng lên thành 13.

Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi phát triển Bắc Kinh trở thành hạt nhân của toàn vùng "Kinh-Tân-Ký", khu vực có diện tích gấp hai lần diện tích Hàn Quốc và dân số hiện đã lên đến 110 triệu người (số liệu 2020). Lập trường của ông Tập thúc đẩy sự quan tâm to lớn đối với quản trị vùng và “thành thị quần” đã trở thành thuật ngữ chính thức trong các văn bản của chính phủ, theo MIT Technology Review.

Đến năm 2017, Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc (NDRC) thông qua kế hoạch phát triển cụm đô thị toàn quốc, bao gồm 19 khu vực. Trong số này, Bắc Kinh ưu tiên phát triển 3 cụm trở thành các siêu đô thị đẳng cấp thế giới, bao gồm cụm "Kinh-Tân-Ký", cụm "Đồng bằng Trường Giang" (gồm Thượng Hải và các thành phố xung quanh) và cụm "Đại vịnh" (bao gồm Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao). Ba cụm đô thị này sẽ là những siêu đô thị đổi mới sáng tạo mạnh nhất, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao nhất trong tất cả, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, theo chuyên trang China Briefing.

Đô thị hóa và quá trình phát triển các siêu đô thị ở Trung Quốc  - Ảnh 2.

19 cụm đô thị trong quy hoạch ở Trung Quốc

THE ECONOMIST

Cụ thể, cụm "Kinh-Tân-Ký" có thủ đô Bắc Kinh là trung tâm chính trị, giáo dục, văn hóa và nghiên cứu - phát triển (R&D); Thiên Tân là trung tâm hậu cần phía bắc Trung Quốc với một trong những cảng bận rộn nhất trên thế giới; và tỉnh Hà Bắc được biết đến với các ngành công nghiệp nặng, trong đó có sản xuất thép. Cụm "Đồng bằng Trường Giang" có Thượng Hải là trung tâm tài chính thế giới; là khu vực chuyên về sản xuất, công nghệ và đổi mới với lợi thế là cửa ngõ vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Cụm "Đại vịnh" được mệnh danh là "công xưởng của thế giới"; bao gồm trung tâm tài chính thế giới Hồng Kông; Thâm Quyến - nơi được gọi là “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc; Quảng Châu - nơi được biết đến với ngành công nghiệp sản xuất và là trung tâm hậu cần; cùng Ma Cao và Chu Hải được biết đến về giải trí và du lịch.

Theo một báo cáo của ngân hàng HSBC năm 2018, mỗi một trong số 3 cụm đô thị nói trên đều có GDP lớn hơn GDP Tây Ban Nha, và gộp lại, 3 cụm này dự kiến chiếm đến 45% GDP Trung Quốc vào năm 2025. Trong đó, cụm "Đại vịnh" nhỏ nhất về dân số, với khoảng 70 triệu người, nhưng đóng góp tới 12% GDP và 37% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Tăng trưởng GDP của khu vực cao hơn đáng kể so với phần còn lại của Trung Quốc. Đây là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp tư nhân năng động, cũng là cụm đô thị đi đầu về đổi mới tại Trung Quốc, tạo ra hơn 50% hồ sơ cấp bằng sáng chế quốc tế của nước này.

16 cụm đô thị còn lại được thiết kế với quy mô nhỏ hơn, bao gồm 8 cụm quy mô trung bình và 8 cụm quy mô nhỏ. Các cụm quy mô trung bình chiếm từ 6 đến 9% GDP Trung Quốc và nhằm mục đích thúc đẩy phát triển vùng, trong khi các cụm quy mô nhỏ chỉ chiếm 2% GDP quốc gia và nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế ở cấp tỉnh. Tổng cộng 19 cụm đô thị này dự kiến chiếm đến khoảng 80% GDP Trung Quốc vào năm 2030, theo ước tính của HSBC.

Trong số các cụm đô thị quy mô trung bình, thì cụm "Trung du Trường Giang - khu vực bao gồm các thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) và Nam Xương (tỉnh Giang Tây) - và cụm Thành-Du (gồm 2 thành phố Thành Đô và Trùng Khánh) trong tương lai có thể gia nhập hàng ngũ 3 cụm đô thị lớn nhất hiện tại.

Chiến lược và những thách thức

Theo China Daily, Trung Quốc đang tìm cách đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giữa lúc chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong thương mại toàn cầu. Chiến lược này được đưa ra trong một loạt các biện pháp nhằm kích cầu từ năm 2023 đến năm 2035. Kế hoạch do Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện nước này xây dựng và ban hành, đã được công bố rộng rãi vào ngày 14.12.2022.

Tài liệu mô tả quá trình đô thị hóa là một con đường quan trọng để thúc đẩy tiêu dùng và nâng cấp các ngành công nghiệp, đồng thời gợi ý rằng đây sẽ là "cánh quạt chính" cho tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, các cụm đô thị và quá trình đô thị hóa ở đó có thể hữu ích vì cư dân thành thị có thu nhập cao hơn thường tiêu dùng nhiều hơn cư dân nông thôn.

Mỗi cụm trong số 19 cụm đô thị đều có tham vọng riêng, song chính phủ Trung Quốc có kế hoạch liên kết các cụm theo hệ thống hành lang "Hai ngang" và "Ba dọc". "Hai ngang" bao gồm Hành lang cầu đường bộ ở phía bắc và Hành lang sông Trường Giang; "Ba dọc" bao gồm Hành lang duyên hải, Hành lang đường sắt Cáp Nhĩ Tân-Bắc Kinh-Quảng Châu và Hành lang đường sắt Bao Đầu-Côn Minh.

Đô thị hóa và quá trình phát triển các siêu đô thị ở Trung Quốc  - Ảnh 3.

Thượng Hải, trung tâm của cụm đô thị "Đồng bằng Trường Giang"

REUTERS

Để mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc và các cụm đô thị này, một trong các hành lang ngang và một trong các hành lang dọc sẽ được liên kết với "Sáng kiến Vành đai và Con đường". Hành lang sông Trường Giang sẽ được liên kết với phần "Vành đai" trên đất liền, trong khi Hành lang Duyên hải sẽ được liên kết với phần "Con đường" trên biển, theo China Briefing.

Mặc dù mô hình siêu đô thị không chỉ tồn tại ở Trung Quốc, tham vọng của Bắc Kinh đối với các cụm đô thị của họ vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác. Quy mô dân số trung bình của 5 cụm đô thị lớn nhất ở Trung Quốc là 110 triệu người, gần gấp ba lần quy mô dân số Tokyo, siêu đô thị lớn nhất thế giới hiện nay với dân số 40 triệu người.

Do quy mô của các cụm, mỗi cụm sẽ yêu cầu sự phối hợp hiệu quả liên quan đến các cấp chính quyền khác nhau. Kế hoạch là chính quyền trung ương chịu trách nhiệm nhiều hơn về điều phối liên tỉnh, trong khi chính quyền cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn về điều phối nội tỉnh.

Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc phối hợp trên toàn cụm sẽ khó khăn, đặc biệt là trong thời gian ngắn. Một trong những nguyên nhân chính gây lo ngại là truyền thống chính quyền cấp thành phố và cấp tỉnh cạnh tranh để giành được các dự án và cơ hội đầu tư. Do đó, việc quản trị vùng tốt hơn là điều cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.