Lễ vật phúng điếu đám tang là cách để thể hiện tấm lòng tiếc thương của người đi viếng đồng thời là sự chia sẻ, chung tay đóng góp để giúp trang trải nhiều khoản chi phí khác nhau trong đám ma của thân chủ.
Tập quán phúng điếu
Phúng điếu là từ Hán Việt, có nghĩa là mang lễ vật đến chia buồn, hỏi thăm nhà có tang sự. Từ nền văn hóa lúa nước, người Việt thuở xa xưa ở làng quê thôn xóm mang nặng tình tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau. Khi nhà nào hữu sự lớn như ma chay thì xem như việc của cả làng, mỗi người phụ giúp một tay để cùng tang quyến tổ chức tang ma, người nào không thể giúp sức thì phúng điếu bằng lễ vật thường là cau trầu, bánh trái, nhang đèn, phướn liễn và tiền bạc.
Ngày nay hoa tươi kết thành vòng hay hoa cườm thường được sử dụng để đi phúng điếu và nguồn gốc của việc này được cho là bắt nguồn từ các nước phương Tây, du nhập vào nước ta từ thời Pháp thuộc.
Cứ thế theo thời gian, phúng điếu dần trở thành một phong tục quen thuộc, không thể thiếu trong các đám tang của người Việt. Đa phần các đám tang ma đều chấp điếu, dù biết là nhận thêm cái nợ nhưng nợ này là nợ nhân nghĩa theo quy tắc ứng xử chung trong xã hội và cộng đồng với suy nghĩ đồng nhất: “Hôm nay mình nhận của người ta, mai này con cháu mình sẽ trả”, “có đi có lại” hay “người sao mình vậy”. Mặt khác, việc nhận phúng điếu như đã nói ở trên là cần thiết vì sẽ giúp tang chủ có thêm một khoản tiền để tổ chức tang ma chu đáo, tươm tất cho người thân trong điều kiện ngày xưa gia cảnh của hầu hết nhiều người chưa khá giả, tang ma là chuyện trọng đại, cần rất nhiều tiền để chu toàn.
Xung quanh việc “miễn phúng điếu”
Ngày nay khi cuộc sống sung túc hơn, nhiều nhà không gặp phải những khó khăn về tiền bạc để lo tang ma cho người thân như trước đây, việc miễn nhận phúng điếu dường như phổ biến hơn xưa. Người ta cho rằng không nhận phúng điếu, người chết và gia quyến sẽ khỏi mang thêm "cái nợ " về nhân nghĩa, tiền bạc mà theo lẽ thông thường thế gian có nhận ắt phải trả.
Việc miễn nhận phúng điếu lẽ ra chẳng có chuyện gì phải bàn nhưng theo cả gia chủ và người đi viếng, “miễn phúng điếu” được xem là “miễn nhận tiền” còn bánh trái, nhang đèn, vòng hoa, phướn liễn thì vẫn “vô tư” trao nhận. Điều này xem ra chưa hợp lý vì theo thực tế mà xét, bánh trái, nhang đèn, vòng hoa, phướn liễn cũng từ tiền bỏ ra mua mới có. Vậy nên sợ mang nợ không nhận phúng điếu thì phải không nhận cả bánh trái, cau trầu, nhang đèn, vòng hoa… mới đúng, còn nếu đã nhận thì chắc chắn có mang nợ, ít hay nhiều mà thôi.
Việc miễn chấp điếu trên còn dẫn đến một hệ lụy là người đi viếng chuyển sang mua trái cây, nhang đèn, vòng hoa, phướn liễn… thay thế khiến lượng bánh trái, hoa quả, nhang đèn ở nhà tang quyến nhiều vô kể, sử dụng không hết, chia cho người xung quanh chả ai dám nhận, lâu ngày hư hỏng, gây nên sự lãng phí đáng tiếc.
Từ những bất cập nêu trên của việc miễn chấp điếu trong thực tế dẫn đến nhận định sau: Một là, đã miễn chấp điếu, ngoài không nhận tiền sẽ không nhận cả vòng hoa, nhang đèn, cây trái cho đúng nghĩa. Người đến viếng chỉ thắp một nén nhang để thể hiện lòng thành với người đã khuất và mang lại hơi ấm cho gia chủ.
Hai là, thay vì miễn chấp điếu, cứ nhận điếu như thông lệ rồi gói ghém toàn bộ số tiền phúng điếu nhận được làm việc từ thiện, việc tạo phúc, tạo nghiệp duyên, bản thân gia quyến tích thêm nhiều phúc đức còn cộng đồng những người khốn khó sẽ cùng được san sẻ có hơn chăng?
Nhiều đám tang đã làm theo cách thức thứ hai và được sự ủng hộ của công luận, như gia đình cố đạo diễn nổi tiếng H.P.Đ đã dành trọn vẹn số tiền phúng điếu nhận được hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ bệnh nhân nghèo ung thư gan. Lại có gia đình một vị thứ trưởng hiến toàn bộ số tiền phúng điếu được gần 800 triệu đồng để làm từ thiện. Gia đình một học sinh cấp 2 chết thương tâm vì điện giật ngoài đường ở TP.HCM cũng dành toàn bộ số tiền phúng điếu hơn 30 triệu đồng giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại ngôi trường em theo học.
Điếu bao nhiêu cho thỏa?
Cũng như tiền mừng đám cưới, tiền đi phúng điếu bao nhiêu cho đẹp, cho thỏa cả đôi bên cũng khó nói và còn tùy thuộc vào khả năng của người đi viếng; tùy vào mối quan hệ thân thiết với người đã chết và thực tế cũng có một khung quy định ngầm.
Đáng chê trách là đi phúng điếu nhiều tiền một cách bất thường trong khi quan hệ không thân thiết lắm với người đã khuất (nhưng có thể thân thiết với người còn sống) chắc chắn sẽ có nhiều xầm xì, nghi hoặc về việc nhân dịp tang ma “hối lộ” để nhờ vả, cầu cạnh.
Đáng phê phán hơn nữa là có trường hợp gia quyến nhân dịp tang ma tổ chức linh đình, phô trương thanh thế, như ngầm bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với người đã khuất trong khi lúc người thân còn sống thì không chăm sóc, đối xử thuận thảo, đồng thời thu về hàng trăm triệu đồng phúng điếu bỏ túi cá nhân.
Tóm lại, chuyện tang ma nên tổ chức ra sao, phúng điếu nhiều hay ít, lễ vật có đủ đầy, vòng hoa, phướn liễn có trang hoàng hay không xét cho cùng phải đâu dành cho người chết vì chết là nợ trần cũng dứt, mà là để cho người sống, để họ cảm thấy yên lòng, không hổ thẹn với người đã khuất mà thôi.
Nghĩ gì về phúng điếu vòng hoa? Những vòng hoa tang sẽ giúp trang hoàng cho đám ma thêm phần ấm cúng, long trọng hơn, đồng thời chứng tỏ tấm lòng thành của người đi viếng, hy vọng người chết được hoan hỉ trước sự quan tâm chu đáo của nhiều người. Nhiều đám ma có tới hàng trăm chiếc vòng hoa tang đủ loại từ hoa tươi cho đến vòng cườm. Hoa tươi thì chóng tàn, hoa cườm thì dùng được lâu nhưng không thể tái sử dụng. Sau những ngày tang lễ ngắn ngủi, nhất là đối với việc hỏa táng, thực tế đau lòng là những vòng hoa tươi mặc nhiên trở thành rác, lãng phí không ít tiền của. Thực dụng hơn nhưng không phải không có, vòng hoa là phương tiện quảng cáo tên tuổi, công ty của người phúng điếu. Nếu giá một vòng hoa tạm tính 300 nghìn đồng thì số vòng hoa cho đám tang lớn có thể lên đến vài mươi triệu. Tang gia còn phải thuê xe vận chuyển ra nghĩa trang, trả tiền cho người đem vứt bỏ…. Về phía nhà người chết, nhận vòng hoa cũng là nhận nợ… Sẽ là thiết thực hơn nếu số tiền dùng để mua vòng hoa được người đi viếng biến thành tiền mặt và tang gia dùng cho mục đích từ thiện, giúp tạo thêm nghiệp duyên cho gia quyến và chia sẻ cho những người khó khăn hơn. |
Thy An
Bình luận (0)