Đó là cái ngày mà có lẽ chị Phạm Thị Thanh Xuân (quê xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) sẽ không bao giờ quên được. "Đang chuẩn bị ra đồng thăm mấy sào ruộng thì nhận được tin trên xã báo về là chuẩn bị được ra đảo thăm chồng. Nghe xong tai mình ù hết, người thấy lâng lâng, muốn hét lên cho cả làng, cả xã biết là sắp được ra Trường Sa thăm chồng mà chẳng thể nào hét nổi. Rồi phải mất tới vài phút mình mới định thần lại được để chạy đi báo tin cho bố mẹ, họ hàng...", chị Xuân bồi hồi nhớ lại.
Cũng ngay buổi tối hôm đó, một kế hoạch cho chuyến đi thăm chồng kéo dài cả chục ngày của chị Xuân được bàn bạc. Thời gian chẳng còn nhiều, công việc nhà nông lại đang vào vụ nên mỗi người một việc. Đám em trong nhà được giao chuẩn bị làm mắm tép, muối dưa, cà pháo tặng bộ đội đảo. Còn chị Xuân lại tất tả ra chợ mua những vật dụng cần thiết mà mấy lần trước ông xã gọi điện về dặn. Thấy con dâu ngược xuôi hết chợ nhà lại đến chợ huyện, tối đi làm về thì bồn chồn, ăn chẳng được nhiều mà ngủ cũng ít hơn, mẹ chồng chị Xuân lo lắng ra mặt. "Cụ động viên mình không phải lo nghĩ. Cụ cũng chẳng cho mình động chân, động tay gì hết, bắt mình dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và giao nhiệm vụ chuyến này ra đảo chơi thăm chồng về phải sinh một thằng cu hoặc con hĩm để cụ bế đi quanh làng", chị Xuân cười bẽn lẽn, tâm sự với chúng tôi. Chị kể, hai vợ chồng cưới nhau năm 2008, vừa hết tuần trăng mật chồng đã phải trả phép quay lại đảo. Những lúc rảnh rỗi, ngơi tay việc nhà, việc đồng áng, nhớ chồng, ngoài chiếc điện thoại di động làm liên lạc, chị Xuân lại mang những tấm ảnh của chồng ra ngắm.
|
Trước lúc tàu HQ 996 đưa đoàn công tác, thân nhân cán bộ, chiến sĩ cập cầu cảng đảo Song Tử Tây (một trong 6 cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa trên hành trình tàu HQ 996 đi qua), đại tá Hoàng Ngọc Dương, Trưởng phòng Dân vận Quân chủng Hải quân cho biết: "Đời sống vật chất cũng như tinh thần của anh em ngày càng được cải thiện rõ rệt. Những chuyến tàu ra với đảo xa ngày một nhiều hơn. Trong đó mỗi chuyến tàu mang một nhiệm vụ khác nhau, chuyến thì đưa cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ, chuyến lại chở hàng phục vụ cho bộ đội... Và dịp này là chuyến đi đặc biệt nhất - chở 62 thân nhân là những người cha, người mẹ, người vợ cán bộ chiến sĩ đang công tác ở 6 cụm đảo phía bắc quần đảo Trường Sa.
"Đây chính là món quà quý giá nhất mà mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng như thân nhân của họ mong muốn. Sau các chuyến đi như thế này, những người lính sẽ được tiếp thêm sức mạnh, thêm vững tay súng canh giữ từng tấc đất, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó chính ủy Đoàn M46, Vùng 4 Hải quân chia sẻ.
Cô Huỳnh Thị Kim Nhung (trú tại A68 Bình Hòa, Bình Nhâm, Thuận An, Bình Dương) thăm con trai cảm động nói: "Lần ra đảo này không chỉ đơn thuần là ra thăm để tận mắt thấy được đời sống của con, các cháu mình... mà chúng tôi còn tự bảo nhau là phải động viên các cháu luôn luôn chăm chỉ luyện rèn, phải đổ mồ hôi trên thao trường, để ngày càng có nhiều những chuyến tàu đưa người thân ra với lính đảo, để Trường Sa không xa".
Minh Sang
Bình luận (0)