Chuyện tình ở trại phong

08/02/2012 15:34 GMT+7

Mang trong mình những di chứng quái ác của bệnh phong, họ vẫn tìm đến và gắn bó yêu thương nhau như thách thức bệnh tật và tuổi tác.

Mang trong mình những di chứng quái ác của bệnh phong, họ vẫn tìm đến và gắn bó yêu thương nhau như thách thức bệnh tật và tuổi tác.

Tình già ở trại phong

Nghe kể về mối tình của hai bệnh nhân ở Trung tâm điều trị Phong Ea Na đã ngoài cái tuổi thất thập khiến tôi tò mò. Cất công chạy xuống tới lần thứ ba tôi mới có may mắn gặp được họ.

Hai lần trước, mọi người trong trung tâm bỡn tôi rằng họ đang đi nghỉ “tuần trăng mật”, mà thực tế là đang đưa nhau đi điều trị những di chứng của bệnh phong.

 
Hai ông bà xem lại ảnh cưới

Sớm đầu xuân, qua lời giới thiệu của Trưởng khu điều trị, ông Y Minh Niê, tôi gặp đôi tình nhân đang chăm sóc nhau ở khu nghỉ dưỡng của trung tâm. Một ông già ngồi lim dim, bên cạnh là bà già đang run tay nhổ từng sợi tóc bạc.

Bằng giọng Kinh lơ lớ, đứt quãng có lẽ do tuổi già và bệnh tật, ông lão Y Tloh Niê tự giới thiệu: “Mình năm nay 79 tuổi, quê ở buôn Trung (xã Ea Blang, TX Buôn Hồ, Đăk Lăk) có vợ và 6 đứa con”. Cách đây 10 năm vợ lão không may mất đi.

 
Hằng ngày, bà vẫn nhổ tóc sâu cho ông

Năm 2008, di chứng bệnh phong ngày càng hành hạ, lão tìm đến trung tâm để cắt bỏ chân phải. Cũng thời gian này, bà H’Chíp (SN 1940) ở buôn Hang 1 (xã Ea Wy, Krông Păk) gia nhập trung tâm để điều trị. Thấy ông nằm bẹp trên giường bệnh, không ai chăm sóc, bà H’chíp tự nguyện làm người giúp việc cho ông.

Lão móm mém cười khi kể lại chuyện tình:
“Hồi chân mới bị cưa chẳng giặt giũ hay đi lấy phần ăn được, may mà có bà ấy. Lâu dần, tôi làm liều ngỏ lời, ai ngờ bà ấy đồng ý liền!”. Rồi ông quay qua nhìn bà, bà lườm yêu. Ông lại tủm tỉm.
Hằng ngày, bà giặt giũ, lau dọn, bón cho lão từng thìa cháo miếng cơm. Đôi bạn già cứ thế quấn quýt, lâu dần thành quen, cả hai đều thấy không thể thiếu nhau, người mất vợ, người mất chồng, lại cùng cảnh ngộ họ đến với nhau tự nhiên như cây mọc trên rừng, như gió thổi giữa
đại ngàn.

Lão móm mém cười khi kể lại chuyện tình: “ Hồi chân mới bị cưa chẳng giặt giũ hay đi lấy phần ăn được, may mà có bà ấy. Lâu dần, tôi làm liều ngỏ lời, mặc kệ những lời bàn ra tán vào, ai ngờ bà ấy đồng ý liền!”. Rồi ông quay qua nhìn bà, bà lườm yêu. Ông lại tủm tỉm.

Cuối tháng 9-2009, ông bà quyết định kết hôn sau một năm gần gũi quen biết. Cả khu điều trị phong ngỡ ngàng, ai cũng mừng và cầu chúc họ hạnh phúc. Đám cưới giản dị được tổ chức ngay tại hội trường của trung tâm, không loa đài, chẳng bia rượu.

Bạn bè chủ yếu là những bệnh nhân già ở trại phong. Sau lời tuyên bố của chủ hôn, ông đẩy chiếc xe lăn đến bên bà, tay cầm bó hoa được mọi người chuẩn bị sẵn đặt lên tay bà. Hai đôi bàn tay run rẩy nắm lấy nhau ngập ngừng. Họ không nói gì. Những giọt nước mắt lăn trên đôi gò má đã nhăn nheo của bà.

Người đàn bà cả đời phải chống chọi với căn bệnh phong quái ác, chồng mất sớm, không có con, nay cuối đời đã tìm thấy được một bờ vai của đàn ông lại là người cùng cảnh ngộ để dựa vào nhau mà sống.

Và con tim đã vui trở lại

 
Và dẫn ông đi dạo


Từ ngày về sống chung đến nay đã ba năm, họ vẫn ở trại phong và coi đó như nhà mình. Vợ chồng ông bà được bố trí sống ở khu nghỉ dưỡng của trung tâm dành cho những bệnh nhân nặng. Trong căn nhà dài truyền thống của người Ê Đê, họ sống chung với 2 bệnh nhân khác.

Trung tâm Điều trị Phong Ea Na trực thuộc Sở Y tế Đăk Lăk đóng trên địa bàn xã Đray Sáp, huyện Krông Ana chuyên thu dung, khám chữa người bị bệnh phong khắp tỉnh. Hiện nay, Trung tâm đang điều trị thường xuyên cho 150 bệnh nhân tàn tật do di chứng của bệnh phong, trong đó chủ yếu là người cao tuổi.

Căn nhà sạch sẽ, một chiếc giường hạnh phúc được đặt ở góc nhà. Những vật dụng sinh hoạt được sắp xếp gọn gàng. Trong đó, một cuốn album ảnh được cất cẩn thận trong chiếc cặp là thứ báu vật mà hai vợ chồng giữ gìn.

Mỗi khi có khách đến thăm họ lại lôi ra để khoe tấm ảnh chụp ngày hai người lấy nhau, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Bà H’Chíp chỉ vào tấm ảnh nói, đây là con riêng của ông ấy này, còn đây là tôi, người ngồi xe lăn là ông ấy. Cuối cùng bà lại phụ thêm một câu như sợ khách quên mất: “Ảnh cưới của chúng tôi đó!”.

Từ ngày có cặp vợ chồng này, trung tâm như được tiếp thêm sinh khí, luôn có chuyện hay để kể cho khách đến thăm cùng nghe khiến ai nấy háo hức tìm gặp cho bằng được. Người đến để chia sẻ niềm vui, người tò mò muốn biết thực hư.

Nhưng chung quy, ai cũng muốn cảm nhận được tình cảm của hai con người bệnh tật, già nua mà tình yêu thì trẻ trung, mãnh liệt. Cũng vì mãnh liệt nên lắm khi cơn ghen ập đến với họ.

Mỗi lần ông “lỡ” nói chuyện với người phụ nữ lạ, bị bà bắt gặp là y như rằng về nhà bà sẽ lôi ông ra truy vấn. Mà bà nói chuyện với người đàn ông khác thì ông cũng ghen ngược lại.

Nghe kể, tôi thắc mắc hỏi có đúng vậy không? Ông nhìn bà, bà lườm ông rồi cả hai móm mém cười .“Yêu nhau thì phải như vậy chứ chú!”- bà dõng dạc tuyên bố.

Chuyện ông kết hôn với bà được cả 6 người con riêng của ông hết mực ủng hộ. “Bố tôi đã già rồi, con cái đứa nào cũng lập gia đình không có nhiều thời gian thăm nom chăm sóc, nay có người ở bên để đỡ đần, chia sẻ chị em chúng tôi cũng an tâm hơn trước nhiều”- chị H’Nguôn, con gái đầu của ông chia sẻ.

Mải nói chuyện quên khuấy đi thời gian, khi nhìn đồng hồ đã 11 giờ trưa, bà vội đứng dậy chào chúng tôi: “Các chú ngồi chơi, tôi đi lấy cơm ở nhà ăn về cho ông ấy đã nhé”. Dưới cái nắng chói chang của mùa xuân Tây Nguyên, dáng bà lom khom bé nhỏ chậm rãi bước. Trong nhà, ông ngoái đầu ra cửa sổ nhìn theo cho đến khi bà khuất hẳn vào nhà ăn…

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.