Chuyện tình thời chiến - Kỳ 7: Hai đầu nỗi nhớ

31/12/2011 00:03 GMT+7

Đầu năm 1968, chiến trường miền Nam đang rất cần vũ khí để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, các đoàn tàu không số ráo riết vượt biển vào nam để cung cấp vũ khí, nhưng địch cũng tăng cường bố ráp trên bộ, trên biển hòng cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí quan trọng này.

Đầu năm 1968, chiến trường miền Nam đang rất cần vũ khí để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, các đoàn tàu không số ráo riết vượt biển vào nam để cung cấp vũ khí, nhưng địch cũng tăng cường bố ráp trên bộ, trên biển hòng cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí quan trọng này. Bốn con tàu mang bí số 43, 56, 165, 235 được điều động vượt biển vào nam nhưng đều bị địch phát hiện đánh chặn, hai tàu 165 và 235 bị vây chặt trên biển và các chiến sĩ đã tổ chức chiến đấu nhưng cuối cùng phải cho nổ tàu, 34 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, tàu 56 vượt thoát được ra hải phận quốc tế và trở về miền Bắc an toàn.

>> Kỳ 6: Lời hứa hôn

Riêng số phận tàu 43 sau này được thuyền trưởng Tư Thắng kể lại như sau: “Khi vào địa phận biển Quảng Ngãi, tàu chúng tôi bị địch phát hiện và truy kích, bên dưới tàu chiến bên trên máy bay bắn vào tàu rất dữ dội, ba chiến sĩ hy sinh ngay tại chỗ, 12 người bị thương. Tôi quyết định cho anh em phá nổ tàu và đưa người bị thương vào bờ. Đến rạng sáng ngày 1.3.1968 chúng tôi được người dân che chở và vượt lộ lên rừng núi căn cứ Ba Tơ, sau đó được đưa về trạm xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm điều trị...”.

 
Vợ chồng đại tá anh hùng LLVT Nguyễn Đắc Thắng - Huỳnh Biên Thùy vẫn chung thủy bên nhau cho đến tận hôm nay - Ảnh : Tư liệu gia đình

Cô Sáu Thùy nhớ lại những năm tháng ấy: “Lúc đó tôi nghe tin nhiều tàu không số bị địch phát hiện và các anh đã anh dũng chiến đấu và cho nổ tung tàu trước lúc hy sinh, lòng dạ đau như cắt. Có người báo tin anh Tư đã hy sinh trong cuộc chiến đấu đó. Tôi đã khóc suốt mấy đêm liền và xin tổ chức cho làm lễ truy điệu và để tang anh ấy”. Về phần Tư Thắng, những ngày điều trị ở bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm là những ngày dài mà ông bị giằng xé bởi quyết định sẽ xuôi đường Trường Sơn vào nam để tìm vợ chưa cưới hay ngược núi ra bắc để tiếp tục nhận tàu chiến đấu, bởi trong thời gian ấy chiến trường miền Nam cũng vô cùng ác liệt, không biết số phận Sáu Thùy ra sao trong khói lửa mịt mùng của cuộc chiến? Ông nào có biết, dù để tang chồng chưa cưới nhưng Sáu Thùy không tin rằng Tư Thắng đã hy sinh, cô xin tổ chức được lên lộ Vòng Cung (Cần Thơ) chiến đấu, để từ đấy có cơ hội vượt Trường Sơn ra bắc tìm tung tích Tư Thắng. Nhưng mọi cố gắng đều bất thành, tấm hình người thương vẫn nằm trong ngực trái của hai con người ở hai đầu nỗi nhớ, họ đã tưởng phải xa nhau mãi mãi.

Đoàn tụ sau 3.000 ngày

Năm 1972 là một năm đầy khó khăn với những chiến sĩ hải quân của đoàn tàu không số, có những lúc đi 20 chuyến nhưng không một chuyến nào vào được miền Nam. Sau khi cùng đồng đội vượt Trường Sơn trở ra miền Bắc, Tư Thắng được điều động về đoàn 950 nhận nhiệm vụ mới, đó là chỉ huy con tàu hai đáy đi biển công khai với giấy tờ giả nhưng rất hợp pháp để đưa vũ khí vào miền Nam. Đây là con tàu đầu tiên do miền Bắc đóng để mở ra trang sử mới cho đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Tháng 7.1972, con tàu hai đáy do thuyền trưởng Tư Thắng chỉ huy cặp bến Đầm Cùng (Cà Mau) an toàn. Đó là giây phút mà Tư Thắng đã chờ đợi trong suốt hơn 8 năm qua, cuộc chờ đợi hơn 3.000 ngày. Nhưng bóng dáng người xưa sao vẫn mịt mùng giữa nơi cùng trời cuối đất này...

 
Vợ chồng ông Tư Thắng sau ngày giải phóng với 3 người con, trong đó người con đầu lòng sinh ra trong rừng đước Cà Mau sau ngày cưới một năm

Những câu chuyện tình thời chiến đã được kênh truyền hình AVG triển khai thành serie phim Mãi mãi một tình yêu (hơn 15 tập) trong dòng phim tài liệu chuyên đề Sống yêu thương với thời lượng 30 phút/tập và đang trình chiếu trên AVG.

Cho đến giờ, vợ chồng Tư Thắng - Sáu Thùy vẫn còn giữ những kỷ vật về tình yêu thời chiến của họ, đó là hai tấm hình chân dung mà họ đã trao tặng cho nhau như một minh chứng của tình yêu, lời hẹn ước vào năm 1964. Cô Sáu Thùy kể lại: “Lúc nào tôi cũng để tấm hình của anh ấy trên túi áo ngực trái, nhiều hôm nhảy từ ghe xuống sông do máy bay Mỹ quần đảo, truy kích, tấm hình rớt ra, tôi phải lặn tìm vớt cả buổi, vì đó là kỷ vật lớn nhất của tôi với anh ấy”. Còn Tư Thắng không thể nào quên cái ngày trở lại Cà Mau: “Tháng 7 vào tới mà không thấy bóng dáng Sáu Thùy đâu, hỏi ai cũng nói Sáu Thùy đi chiến đấu trên Cần Thơ rồi, tôi lo lắm, cứ nghĩ chắc cô ấy đã đi lấy chồng nên tránh mặt. Đến hai tháng sau, tổ chức mới thông cảm và hiểu tình yêu của chúng tôi nên cho hai đứa gặp mặt, nhưng không hề báo trước”.

Do trở vào miền Nam trong thế hợp pháp, Tư Thắng có đầy đủ giấy tờ nên ở lại bến khá lâu. Hôm đó Tư Thắng đi giăng câu ngoài đồng, còn Sáu Thùy được tổ chức cử giao liên đến đưa đi, nói là về quê thăm mẹ. Vậy là giữa cánh rừng đước mênh mông, hai trái tim thổn thức ngàn ngày được gặp nhau. Tư Thắng không dám nhắc tới lời hứa hôn xưa, vì ông giờ đã già đi quá nhiều và trải qua bao cách trở, không biết Sáu Thùy có giữ vẹn lời thề, ông hỏi: “Ngày xưa anh còn trẻ muốn tiến tới hôn nhân với em, nhưng giờ xa nhau hơn tám năm rồi, không biết em có còn nhớ ngày xưa?”. Sáu Thùy không thể kềm được lòng mình, òa khóc và ôm chầm lấy Tư Thắng: “Với em trước sau như một, cho dù hoàn cảnh nào đi nữa em vẫn yêu anh”.

Đám cưới Tư Thắng - Sáu Thùy diễn ra thật đầm ấm trong tình đồng đội giữa rừng đước miền cuối đất, có đầy đủ các món đặc sản rừng ngập mặn như ba ba, rắn, kỳ đà... Các cô văn công còn nấu nướng thêm bánh bò, bánh kẹp... thật xôm tụ. Tuần trăng mật cũng diễn ra dưới tán rừng đước mênh mông. Miền cuối đất Cà Mau đã chứng kiến mối tình thật đẹp của hai người lính mà họ đã chung thủy không chỉ với non sông đất nước, mà còn một lòng một dạ chờ đợi nhau với lời hứa hôn dài đến 3.000 ngày giữa bom đạn chiến tranh. Chuyện tình thời chiến luôn mang nét lãng mạn riêng của nó và luôn bền vững với thời gian.

Binh Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.