Chuyện về người cô nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và Kỳ Ngoại hầu Cường Để

20/03/2021 09:00 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Xuyên, người cô của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh đã ở vậy suốt đời để chăm lo cho gia đình. Nhưng đời tư của bà, có tài liệu cho biết đã từng ghi nhận có sự hiện diện của Kỳ Ngoại hầu Cường Để.

Là người đảm việc nhà khi quán xuyến khách sạn Chiêu Nam Lầu, bà Nguyễn Thị Xuyên cũng là người nhiệt thành yêu nước như những người thân của mình.

Tay đảm lo nghiệp nhà

Hồi ký Nguyễn An Ninh, tôi chỉ làm cơn gió thổi do người con gái Nguyễn Thị Minh của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh có ghi về gốc tích gia tộc họ Nguyễn An. Theo đó, ông nội Nguyễn An Ninh là Nguyễn An Nghi, vốn người gốc họ Đoàn, sau đổi sang họ Nguyễn. Khi ở Bình Định, cụ Nghi đã có vợ và ba con. Sau cụ một mình vào Nam lập nghiệp, gá nghĩa với bà Dương Thị Tiền. Hai người có với nhau ba người con: Nguyễn Thị Xuyên, con gái đầu lòng sinh năm 1856, Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư.
Vẫn hồi ký trên miêu tả về dung nhan, tính cách bà Xuyên với sự tự hào, trân trọng: “Bà cô tôi tính tình nghiêm nghị”… “cũng vào hàng phụ nữ đẹp với dáng người dong dãi, mặt mày phúc hậu, tinh thông Hán học và quốc ngữ, biết làm thi phú lại giàu lòng yêu nước”. Nếu hai người em Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư có tiếng về lòng yêu nước, chữa bệnh giỏi, thì cô Xuyên lại có tài quán xuyến chứ không chỉ đơn thuần là nữ nhi đảm việc nữ công gia chánh.
Nguyễn Bá Thế trên báo Đuốc nhà Nam, số ra ngày 20.8.1971 cho hay “cụ Nguyễn An Khương lập nên khách sạn Chiêu Nam Lầu tại Sài Gòn để kinh tài giúp quỹ cách mạng vừa làm trụ sở đưa rước thanh niên xuất dương du học”. Việc ấy, được bà Trương Thị Sáu, vợ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh trong hồi ký Cùng anh đi suốt cuộc đời xác nhận: “Cụ Khương mở một khách sạn lớn lấy tên là Chiêu Nam Lầu làm cơ sở hoạt động, giao thiệp rộng rãi với các bậc sĩ phu yêu nước, giúp đỡ những người hoạt động từ Nam chí Bắc đang bị truy nã hoặc tìm đường xuất dương”. Khách sạn Chiêu Nam Lầu nức tiếng Sài Gòn, nằm trên đường Nguyễn Huệ ngày nay, mà thuở đó là đường Kinh Lấp. Dạo ấy “hai bên bờ kênh nhà cửa san sát, phố xá nhộn nhịp, dưới bến thì ghe thuyền tấp nập đến tận khuya”. Trước khi phát triển thành Chiêu Nam Lầu, nơi đây là hai căn phố được ông Nguyễn An Khương mở tiệm may rất đông khách. Người trực tiếp đứng ra quản lý Chiêu Nam Lầu, là bà Nguyễn Thị Xuyên.

Đường Kênh Lấp - Charner, nay là đường Nguyễn Huệ

Ảnh: T.L

Trong tác phẩm Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (Phương Lan Bùi Thế Mỹ) cho biết, bà Xuyên là “một phụ nữ có lòng yêu nước cao độ trông nom điều hành tổ chức kinh tài này cho gia đình nói riêng, cho các anh em đồng chí nói chung. Nơi đây là nơi dừng chơn [chân] ngơi nghỉ, nơi hẹn hò trao đổi tin tức, liên lạc, phổ biến chỉ thị tài liệu với nhau của những anh hào cách mạng ở ba kỳ, cho tới từ ngoại quốc về. Và nơi đây cũng là nơi giúp tiền, nuôi bịnh tất cả nhà cách mạng”. Không chỉ khéo quản lý, bà Xuyên còn giỏi trong đường kim mũi chỉ. Tiệm may trước khi có Chiêu Nam Lầu được cả vua Thành Thái biết tiếng: “nghe tiếng bà Chiêu Nam Lầu may khéo nên vua Thành Thái trước khi đi đày sang đảo Réunion đã đến may cả chục áo dài gấm”.

Phải chăng "tình lỡ" duyên ai?

Quản lý Chiêu Nam Lầu, lại là người yêu nước, nên bà Xuyên theo lời kể của Nguyễn Thị Minh đã “hết lòng trợ giúp ông nội tôi từ lúc hoạt động phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và Cường Để, rồi đến phong trào Duy Tân, rồi đến nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục. Những người yêu nước lui tới Chiêu Nam Lầu đều được bà cô ân cần lo lắng chu đáo”. Ông Khương vốn là chí sĩ yêu nước, có quan hệ mật thiết với nhiều nhân sĩ yêu nước ở Nam Kỳ, thậm chí là hải ngoại, mà Kỳ Ngoại hầu Cường Để (dòng dõi hoàng tử Cảnh, hội chủ Hội Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội) là một trong số đó.

Cường Để cùng nhà yêu nước Phan Bội Châu (ảnh trái), hồi ký Cuộc đời cách mạng Cường Để

Ảnh: T.L

Trong hồi ký Cuộc đời cách mạng Cường Để do Tráng Liệt, con Kỳ Ngoại hầu Cường Để viết, có riêng phần “Ba tháng ở Nam Kỳ” để nói về việc Cường Để bí mật về nước hoạt động với mục đích “cốt để trù lấy một số tiền kha khá, đem ra thực hành một kế hoạch mới” mà cụ thể là thiết lập cơ sở cứu nước ở Xiêm, Tàu, tuyển dụng nhân tài đi khảo sát, tìm hiểu Âu Mỹ để mở tầm hiểu biết. Vẫn lời Tráng Liệt, tháng 2.1913, Cường Để bí mật đáp tàu buôn của Pháp mang tên “Hải Phòng” về Sài Gòn.
Lại nói về Chiêu Nam Lầu, đây là nơi hội họp, trao đổi tin tức và tá túc của nhiều nhà yêu nước khắp nơi. Vốn là người giỏi giang, lại có nhan sắc nên Nguyễn Thị Xuyên lọt vào mắt xanh của nhiều nam nhi khi ấy: “trong số bạn bè của ông nội tôi có một số vị để mắt đến bà cô tôi, mà thân nhất là cựu hoàng Cường Để”, hồi ký Nguyễn An Ninh, tôi chỉ làm cơn gió thổi cho biết.
Tháng 2.1913, Kỳ Ngoại hầu từ Hồng Kông qua Tân Gia Ba rồi về Sài Gòn đã có thời gian tá túc tại Chiêu Nam Lầu, rất thích được sự quan tâm của bà Xuyên, nên mới có chuyện như hồi ký Nguyễn An Ninh, tôi chỉ làm cơn gió thổi ghi: “Nhiều người trêu chọc, bà cô chỉ cười không thanh minh, ông Cường Để cũng cười hề hề”. Dẫu vậy, có lẽ cũng chỉ nên xem việc này là giai thoại truyền miệng được thêu dệt. Bởi lúc ấy, bà Nguyễn Thị Xuyên đã ở tuổi 57, còn Cường Để (1882-1951) mới 31 tuổi.
Một lần nọ, mật thám Pháp đánh hơi được vị hoàng thân đã về Sài Gòn, chúng đến Chiêu Nam Lầu kiểm tra. Là người giản dị, Kỳ Ngoại hầu lúc ấy đang say “mộng Nam Kha”: “nằm ngủ ở trần mặc quần đùi ngáy pho pho, bọn lính tưởng người làm công trong khách sạn”. Tưởng kẻ ăn người ở nên mật thám Pháp không soát mà kéo lên lầu lục soát các phòng. Dưới này, Kỳ Ngoại hầu được đầu bếp đánh thức, khoác áo phụ bếp vào và vào bếp rửa bát đĩa. Lần ấy, ông hoàng qua mặt được kể thù.
Dạo làm quản lý Chiêu Nam Lầu, bà Xuyên còn giúp cả ông hoàng Miến Điện (Myanmar ngày nay). Ông hoàng ấy là Mangoon, do chống thực dân Anh đô hộ Miến Điện nên bị trục xuất khỏi nước. Trên bước đường lưu lạc, ông đến đất Sài Gòn, “ở nhà hàng sang nhất ở của Pháp là Continental. Chẳng bao lâu hết tiền ông bị đuổi ra đường”. Tứ cô vô thân, trong lúc chẳng biết đi đâu thì cựu hoàng được một anh bồi Việt mách nước đến gõ cửa Chiêu Nam Lầu vì “bà chủ ở đó là một người phúc hậu”. Quả nhiên dù chẳng quen biết, bà Xuyên vẫn thương tình cưu mang ông. Có lẽ vì hàm ơn nên khi sắp mất, Mangoon lấy trong người ra cái túi nhỏ trao lại cho bà Xuyên, mách rằng đó là toa thuốc của hoàng gia dùng nấu dầu cù là, được ông mang theo phòng thân. Bây giờ gửi lại đền đáp ơn bà Xuyên. Từ toa thuốc đó nên “sau này ba má tôi đã nấu dầu cù là để bán và mới có chuyện “Ông Ninh đi bán dầu cù là”, Nguyễn Thị Minh kết lại câu chuyện về người bà cô Nguyễn Thị Xuyên như thế.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.