Chuyện về những nông dân cầm cố đất ở ĐBSCL (Kỳ 1)

17/08/2007 14:23 GMT+7

Nhiều người cho rằng, việc cầm cố đất đai của nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất phát từ chỗ phải chịu thiên tai lũ lụt, mùa màng thất bát, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn…Vậy, đây có phải là nguyên nhân chính? Đi sâu vào vấn đề này, PV Thanh Niên Online đã vỡ lẽ ra nhiều điều…

Làm thuê  trên đất của mình

Không đất sản xuất là nỗi  ám ảnh lớn nhất đối với tất cả những người nông dân. Thế nhưng, ở nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL đã có rất nhiều nông dân đem chính tư liệu sản xuất của mình đi cầm cố để mưu sinh bằng nghề khác. Để rồi sau đó, một số do làm ăn thất bại phải quay về với đồng ruộng thì, thật oái oăm, họ phải làm thuê ngay trên chính mảnh đất của mình đã cầm cố, sang bán… Tại sao?

Giấc mộng đổi đời, đổi nghề…

Hiện tại chưa có cơ quan chức năng nào thống kê được số lượng nông dân cầm cố ruộng đất. Hầu hết, những người cầm đất chỉ làm giấy tay, không thông qua chính quyền địa phương nên ngay cả chính quyền xã cũng không quản lý được. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ thì chỉ ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) số lượng nông dân không đất sản xuất và số người cầm cố ruộng đất đã rất nhiều. Điển hình, ở ấp 4 xã Xà Phiên có 483 hộ thì có đến 161 hộ không đất sản xuất hoặc có đất sản xuất đang cầm cố. Hay ở xã Vĩnh Trạch Đông, TX Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), hiện tại có hơn 500 hộ không đất sản xuất hoặc đã cầm cố hết đất sản xuất...

Gia đình bà  Út,  ở xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ) hiện tại thuộc diện rất nghèo và không đất sản xuất. Căn nhà dột nát của bà trước đây vừa được thay bằng căn nhà tình thương do nhà nước xây dựng. Lúc trước, gia đình bà có 2 ha đất canh tác, nhưng do muốn chuyển đổi sang buôn bán nên bà đã cầm cố đất lấy vốn. Thế rồi, làm ăn không gặp may, vốn hết, lại tiếp tục cầm thêm đất. Lại thất bại... Từ năm 2005 đến nay, gia đình bà đã cầm hết 2 ha đất, chỉ còn lại cái nền nhà, với căn nhà lá rách nát cho 10 người con nheo nhóc, không học hành.

Cũng tương tự gia đình bà Út là gia đình ông Bảy Hưởng ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang). ông Bảy Hưởng trước đây thuộc gia đình căn cơ, có gần 1 ha đất canh tác nông nghiệp. Rồi những năm 2000, phong trào nuôi vịt đẻ lan rộng ở các địa phương ĐBSCL, ông Bảy Hưởng đã đem 5 công đất đi cầm lấy 30 triệu đồng làm vốn nuôi vịt. Không may cho ông, cuối năm nuôi vịt thì đầu năm 2003 dịch cúm gia cầm bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam và tỉnh Hậu Giang là một trong những "tâm" dịch. Thế là gần như mất trắng. Tiếp tục cầm thêm 3 công đất, ông xoay qua mở cửa hiệu sửa xe. Nhưng, không kinh nghiệm, tiệm ế, đành phải dẹp…

Có lẽ, không may nhất là trường hợp của bà Sáu Hái, ở xã Vĩnh Trạch Đông, TX Bạc Liêu. Gia đình bà trước đây được liệt vào dạng có của ăn của để trong xóm. Nhưng từ năm 2002, dù chỉ có nghề chạy xe ba gác kiếm sống ở Sài Gòn, nhưng người con trai lớn của bà đã nghe lời vợ, về quê thuyết phục ông bà cầm 7 công đất và vay mượn được hơn 70 triệu đồng, mang lên Sài Gòn mở quán cà phê, cho vay tiền góp. Lời lãi đâu không thấy, chỉ biết đến năm 2006, con trai bà Sáu đã cùng vợ con bỏ trốn, để lại cho bà số nợ hơn 100 triệu đồng dưới quê. Ông bà Sáu đành bán đất trả nợ, hiện giờ phải ở nhờ nhà người bà con bên Vĩnh Châu (Sóc Trăng)…


Ông Bảy Hưởng...               và ông Năm đang làm thuê trên những mảnh đất trước đây là của mình (ảnh: Đ.T)

…và phận làm thuê

Trở lại chuyện của bà Út, sau khi thực hiện chuyển nghề thất bại, cả gia đình đã phải quay trở về và bắt đầu công việc làm thuê, làm mướn kiếm sống. Bà Út nại: “Cả gia đình có tới 10 đứa con, không chuyển nghề thì biết lấy gì nuôi chúng. Thất bại cũng đành chịu. Bây giờ không còn đất thì đành làm mướn kiếm sống!”. Thế nhưng oái ăm thay bà Út hiện tại đang thuê lại 5 công ruộng mà trước đây nó vốn là của bà.

2 ha đất - một con số không nhỏ đối với người nông dân. Nhưng, theo thời gian, với mục đích chuyển nghề, nó giờ đã là sở hữu của người khác. Và, với tình trạng làm thuê hiện giờ, gia đình bà Út chỉ mong có đủ cái ăn chứ nói gì đến phát triển kinh tế, làm giàu để có tiền chuộc lại đất.  

Gia đình ông Năm Sang, ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang  cũng không hơn gì. Số là, trước kia ông Năm cũng có 6 công đất canh tác, nhưng do làm ăn thất bại nên ông đã cầm cố và bán dần. Khoảng 3 năm nay, gia đình ông chỉ còn hơn 150m2 đất, trong đó cái nhà đã chiếm phần lớn diện tích… Ông Năm tâm sự: “Những năm trước đây, gia đình ông từ làm ruộng, đánh liều chuyển qua  buôn gạo, cám, trái cây,... Nhưng thất bại, ông cố 3 công đất lấy 3 cây vàng. Tiếp tục hành nghề buôn bán hòng gỡ lại vốn. Lại không may, gia đình ông bắt đầu hết đất canh tác từ năm 2002. Kể từ đây, cả gia đình 7 người phải quay với đủ thứ nghề để kiếm sống".

Bà Loan vợ ông Năm kể lại: “Cả gia đình làm quần quật mà có khi cũng chẳng đủ ăn. Mấy đứa con thì đi tứ tán, có đứa phải gửi về quê ngoại để tiếp tục đi học. Hai đứa lớn mới 15, 16 tuổi đã phải đi cắt lúa mướn”.

Không còn đất sản xuất, phải làm thuê, làm mướn kiếm sống là hệ quả chung của hầu hết những người “lỡ” đem tư liệu sản xuất của mình đi cầm cố với giấc mộng đổi đời, đổi nghề nhưng thất bại.

Đến bây giờ, uớc mơ của cả gia đình ông Năm là chỉ mong có được ít vốn để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, nhưng cũng không thực hiện được. Mấy năm trước bà Loan vợ ông còn có thể chèo xuồng đi buôn bán lặt vặt, đắp đổi qua ngày. Nhưng gần đây sức khỏe yếu, bà không chèo xuồng nổi, muốn mua chiếc máy để khỏi phải chèo thì ngoài sức đối với gia đình bà…

Mỗi người đều có những lý do "chính đáng" cho việc cầm cố đất  sản xuất của mình. Nhưng có thể khẳng định, trước đây họ không phải là những hộ gia đình quá nghèo khó… Muốn đổi đời, đổi nghề, nhưng không biết mình có gì trong tay để có thể theo nghề mới  -  trình độ văn hóa thấp, kinh nghiệm kinh doanh không có. Thất bại là điều không khó đoán trước!

Bởi thế mà, đã có những lúc họ trách nhau, hay cũng là tự trách mình: “Phải chi đừng đem đất đi cầm cố lấy tiền làm ăn thì bây giờ đâu đến nỗi...".

(Còn tiếp)

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.