Chuyện về những nông dân cầm cố đất ở ĐBSCL (Kỳ 2)

19/08/2007 15:53 GMT+7

Xóm không chủ quyền” Cũng là cầm cố, nhưng những người dân nơi này lại đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) “cầm” (thế chấp) cho Ngân hàng. Ban đầu vài hộ, riết thấy lãi suất “rẻ” nên ồ ạt đem đi cầm và từ đó chết danh: "xóm không sổ đỏ” hay "xóm không chủ quyền"… Vậy, đây có phải là xóm của những hộ nông dân nghèo (?!).

Trưởng ấp, Phó ấp cũng cầm…

Tôi tìm đến xã Vị Tân, Thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, hỏi đường vào "xóm không chủ quyền”. Anh Hoàng Mai-một nhà báo ở Hậu Giang, chuyên viết mảng kinh tế trong tỉnh, vừa dẫn đường, vừa giải thích về cái tên xóm: "Những năm gần đây, ở xã Vị Tân, có rất nhiều hộ nông dân thế chấp sổ đỏ để vay tiền Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Trong đó, có lẽ nhiều nhất là ấp 3a và 2a (hai ấp nằm cạnh nhau bên con kênh thuỷ lợi nội đồng có tên Mười Thước). Ở 2 ấp này, hầu như sổ đỏ của người dân không được cất trong nhà mà được cất ở ngân hàng…Do đó,  cái tên xóm được người dân phong tặng từ đó...Kể cũng không ngoa...".

Tiếp lời anh Hoàng Mai, ông Lương Song Vũ, Phó trưởng ấp 3a, xã Vị Tân, thống kê, toàn ấp có hơn 200 hộ, nhưng đã có hơn 180 hộ đem sổ đỏ đi "cầm" ở Ngân hàng NN&PTNT. Đa số những hộ nông dân ở đây vay để lấy vốn sản xuất nông nghiệp...  Và ông Vũ cũng cho biết, bản thân ông cũng không ngoại lệ. Vừa rồi, ngoài khoản được ngân hàng chính sách cho vay theo tổ sản xuất 5 triệu đồng, ông cũng vừa đem sổ đỏ đi thế chấp Ngân hàng hơn 10 triệu, để lấy vốn…


Phó trưởng ấp 3A Lương Song Vũ và ông Trần Văn Bạch kể lý do "cầm" sổ đỏ của mình - Ảnh: Đ.T 

Hiện tại, xã Vị Tân, mặc dù nằm gần Trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang, nhưng là xã thuần nông, với việc trồng rẫy, trồng vườn là chính, cuộc sống tuy không nghèo nhưng cũng chỉ đủ ăn. Vì vậy, để có thêm ít vốn xoay xở trong sản xuất nông nghiệp và cuộc sống, thì ngay cả như ông Lê Văn  Ẩn, dù là  Trưởng ấp 3a hẳn hoi, nhưng vẫn không ngần ngại đem sổ đỏ, với diện tích 16.575 m2 (vừa đất vườn, vừa thổ cư)  đi thế chấp Ngân hàng NN&PTNT. Ông Ẩn cho biết: "Chuyện vay ngân hàng thì tôi đã có thâm niên, cứ vay song rồi trả, rồi lại vay tiếp, ở đây ít nhất mỗi hộ cũng vay kiểu như tôi 2, 3 lần...".

Thật vậy, ở ấp 2a và 3a, gần như ai cũng có thâm niên như ông Trưởng ấp Lê Văn  Ẩn, trong việc vay thế chấp ngân hàng. Cụ thể, trường hợp ông Trần Văn Bạch, từ năm 2003 đến nay, ông vay ngân hàng NN&PTNT 10 triệu đồng, cứ đến hạn là trả xong gốc lẫn lãi. Rồi tiếp tục vay lại.

Chưa có chuyến đi thực tế nào khiến tôi liên tiếp bị  bất ngờ như chuyến đi này, dù được đặt chết danh là "xóm không sổ đỏ" hay "xóm không chủ quyền", nhưng những người dân nơi đây không hề nghèo. Đặc biệt có những hộ còn thuộc vào diện khá giả, với tài sản (đất và nhà) có thể nhẩm tính vào dạng vài trăm triệu đến một tỷ đồng... Vậy tại sao họ lại đem sổ đỏ đi cầm, chỉ để lấy mươi triệu đồng?

…Vì chắc chắn trả được

Cả ông Vũ và ông Bạch, đều khẳng định: "Có tiền "thủ" trong nhà cho chắc, chứ lỡ xảy ra chuyện gì cần gấp vài ba triệu, phải đi mượn tiền góp thì chết...".

"Đó là lý do chính của nhiều người, song đó, còn có rất nhiều lý do khác được đưa ra khi "cầm" sổ đỏ cho ngân hàng" -ông Lê Văn Ẩn, Trưởng ấp 3a nói và cho biết thêm: "Dù  những ấp (2a và 3a) không đến nỗi nào, nhờ nằm gần trung tâm tỉnh lỵ, do đó đất cũng có giá. Nhưng người dân nơi đây hơn 80 % từ trước đến giờ chủ yếu là đủ ăn, cộng với tập quán canh tác ở đây trước kia là cứ đầu mùa mua thiếu vật tư nông nghiệp, cuối mùa trả, nên phảI chịu giá cao. Vì vậy, đến khi đất có giá thì chuyện thế chấp ngân hàng cũng dễ hơn. Thế nên, đa số những hộ canh tác nông nghiệp đều vay ngân hàng, vì so với cầm cố đất hay vay tiền góp, lãi suất ngân hàng quá "bèo" chỉ 1,15% tháng, dễ trả không sợ mất đất...".

Chính vì những lẽ trên mà đã có nhiều hộ không ngần ngại vay tiền ngân hàng đầu tư dựng nhà cho con cái ra ở riêng, hay mua xe gắn máy làm phương tiện kiếm sống thêm, sau những buổi nông nhàn. Chẳng hạn, như gia đình chú Hai Chiêu, ngụ ấp 2a, xã Vị Tân,  dù nhà không khó khăn, nhưng muốn cho con trai lấy vợ ra ở riêng, thấy ngân hàng cho vay nhanh, lãi suất chấp nhận được, không cần phải suy nghĩ, chú Hai đã thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để lấy 3 triệu đồng và dựng ngay cái nhà cho con. Chú hai, vui miệng: "Dù vay nhưng mình chỉ lo chút chút, chứ cầm cố đất mới sợ, chuyện này thì...cứ  thoải mái đi".


Chú Hai Chiêu bên căn nhà vừa mới dựng cho con trai,  bằng số tiền 3 triệu đồng vay ngân hàng  Ảnh: Đ.T

Chú Hai Chiêu tâm sự: “Đi mượn cũng được, nhưng rườm rà lắm. Vay ngân hàng vậy mà nhanh, lãi suất thấp, chỉ vài ngày là có, vả lại vay 3 triệu thì chỉ cần làm, tích cóp  vài tháng là trả được...".

 Tương tự như chú hai Chiêu là  anh Chiến, từ khi trung tâm tỉnh lỵ chuyển về Vị Thanh, nhà  ở ngay mặt tiền đường 19-8, với hơn 30 m bề ngang, đất có giá bán sợ lỗ, với lại nghề nông nhiều lúc rãnh rỗi không biết làm gì, nên anh cũng đã đem sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để mua chiếc xe gắn máy, nhằm chạy  xe ôm, kiếm thêm tiền chợ. Và quan trọng hơn cũng như mọi người khác, anh Chiến vẫn khẳng định: "Vay tiền ngân hàng chắc chắn mình sẽ không mất đất, vì vay là phải trả đúng hạn, nên bản thân mình phải lo làm trả nợ, không ỉ  lại được, vì thế dứt khoát trả được. Chứ riêng đem đất đi cầm cố cho tư nhân thì dễ dàng mất đất, vì không bị bó buộc thời gian trả, nên mình rất dễ xài hết tiền, rồi không có tiền chuộc lại đất, dần dà rồi phải bán đứt...".

"Người ta cứ tưởng xóm không "chủ quyền" là xóm nghèo, nhưng ông thấy đã lầm chưa. Xã Vị Tân nói chung và 2 ấp 2a, 3a nói riêng hiện đang khá lên từng ngày đấy và hơn nữa nơi đây sau này là phường 2 của thị xã Vị Thanh đó!" - Anh bạn nhà báo Hoàng Mai khẳng định với tôi, trước khi rời khỏi "xóm không chủ quyền".

(Còn tiếp)

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.