Chuyện về vị chỉ huy du kích huyền thoại diệt 59 máy bay Pháp 70 năm trước

07/03/2024 17:03 GMT+7

Đúng ngày này 70 năm trước (7.3.1954), có một trận đánh du kích sau này được coi như một huyền thoại và đi vào giáo trình quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, là cuộc tập kích sân bay Cát Bi (Hải Phòng), phá hủy 59 máy bay Pháp.

Đó là trận đánh không thể nào quên của quân đội ta. 32 cán bộ, chiến sĩ du kích thuộc Tỉnh đội Kiến An đã bí mật tập luyện sau nhiều tháng rồi đánh vào sân bay Cát Bi (nay thuộc Q.Hải An, Hải Phòng), phá hủy 59 máy bay của quân đội Pháp.

Chuyện về vị chỉ huy du kích huyền thoại diệt 59 máy bay Pháp 70 năm trước- Ảnh 1.

Máy bay Pháp trong sân bay Cát Bi trước khi bị tập kích

TL

Trận đánh đã làm quân đội Pháp bị tổn thất binh vật lực vô cùng nặng nề với nhiều máy bay các loại bị phá hủy. Trận đánh đã đi vào lịch sử này cũng gián tiếp giúp chiến dịch Điện Biên Phủ thuận lợi hơn, do không quân Pháp đã bị thiệt hại và giảm khả năng chi viện cho cứ điểm Điện Biên Phủ.

Một chỉ huy du kích huyền thoại

Gắn với chiến công ấy là cố Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An (Hải Phòng) Đặng Kinh. Ông cũng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, là người trực tiếp chỉ huy trận đánh thông minh và dũng cảm. Đây cũng được xem là trận đánh sân bay lớn nhất và giành thắng lợi lớn nhất trong 9 năm kháng chiến chống Pháp trên toàn cõi Đông Dương.

Lực lượng tham chiến của ta khi đó chỉ với 32 cán bộ, chiến sĩ du kích. Phía địch có tới 3.000 binh lính và sĩ quan, với 78 đồn bốt, tháp canh ở vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích, có 6 hàng rào dây thép gai, bãi mìn, hàng ngàn bóng đèn điện, cùng hàng chục đèn pha khiến sân bay đêm cũng sáng như ban ngày.

Quanh sân bay Cát Bi, cứ 15 phút lại có 1 trung đội lính Âu - Phi cùng chó nghiệp vụ tuần tra bằng phương tiện cơ giới. Quân đội Pháp còn dựng một “vành đai trắng” xung quanh sân bay. Hệ thống đồn bốt dọc trục đường 14 đi Đồ Sơn phía bên kia sông Lạch Tray cũng là lực lượng bảo vệ đắc lực cho sân bay Cát Bi từ xa...

Tuy nhiên, sự bảo vệ cẩn mật của quân Pháp vẫn thất bại trước tài thao lược của các chiến sĩ du kích. Kế hoạch tấn công sân bay Cát Bi được giữ bí mật tuyệt đối khi ông Đặng Kinh cùng đồng đội bàn thảo và tập luyện trong 8 tháng ròng. Kết quả là sau khi 32 chiến sĩ du kích của Tỉnh đội Kiến An khai hỏa, sân bay Cát Bi đã biến thành một biển lửa suốt 17 giờ.

Đại tá Đỗ Tất Yến, nguyên Chỉ huy phó trận tập kích Cát Bi, cho biết trong hồi ký: Quá trình luyện tập rất vất vả. Họ phải tập chạy bộ gần 30 km/ngày với đầy đủ súng đạn trên người mà không được phát ra tiếng động, tập đánh máy bay khi chưa biết hình thù cụ thể, cấu tạo máy bay là như thế nào...

Tuy nhiên, nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, các chiến sĩ du kích của Tỉnh đội Kiến An đã xác định được mục tiêu, cũng như cách đánh máy bay khi đang đỗ là như thế nào…

Trận đánh đã góp phần quan trọng vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn sau đó vài ngày (13.3.1954). Do đã tổn thất nặng nề về phương tiện, không quân Pháp không còn đủ mạnh để hỗ trợ cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân giúp chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra thắng lợi trong 56 ngày đêm...

Chuyện về vị chỉ huy du kích huyền thoại diệt 59 máy bay Pháp 70 năm trước- Ảnh 2.

Gia đình cố đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố trung tướng Đặng Kinh trong một dịp hội ngộ

TLGĐ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá về vai trò của trận tập kích sân bay Cát Bi đối với chiến thắng Điện Biên Phủ như sau: "Liên khu ủy, Bộ tư lệnh Liên khu 3 và Khu ủy, Bộ tư lệnh Tả Ngạn đã động viên mọi lực lượng, tập trung sức người, sức của chi viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ. Những trận đánh "xuất quỷ, nhập thần" xung kích sân bay Gia Lâm, đặc biệt là sân bay Cát Bi, đã phá hủy một bộ phận quan trọng không quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường toàn quốc và chiến trường chính Điện Biên Phủ”.

Trong lời tựa cuốn hồi ký Giọt nước của dòng sông của trung tướng Đặng Kinh xuất bản năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng viết: "Tôi đã nhiều lần tiếp xúc và làm việc với anh Đặng Kinh. Anh là một đảng viên trung kiên, một vị tướng có đức, có tài, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và quân đội giao phó. Anh là con người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội".

Được Bác Hồ cho ăn cơm nhiều gấp đôi

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị cha già của các lực lực vũ trang vốn nổi tiếng là vị lãnh tụ rất thương yêu chiến sĩ.

Cố thiếu tướng, GS-BS Nguyễn Sỹ Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Quân y, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, từng kể trong hồi ký về những ngày làm thầy thuốc cho Bác Hồ ở Cao Bằng. Khi thấy bữa cơm có cả bơ, pho mát, sữa, thịt hộp, rượu vang, Bác hỏi thì được trả lời đó là chiến lợi phẩm, không phải mua mất tiền. Bác nói không mất tiền, song mất xương máu của chiến sĩ, công sức, của cải của đồng bào, thế thì còn đắt gấp nhiều lần và yêu cầu tiết kiệm.

Tuy nhiên, sau đó, đối với Tỉnh đội trưởng Kiến An Đặng Kinh, Bác đã ban một đặc ân mà chính ông Đặng Kinh cũng không dám nhận. Số là sau trận đánh sân bay Cát Bi, Bác biết ông Đặng Kinh là người chỉ huy du kích tài ba. Bác còn biết sức ăn của ông Đặng Kinh thuộc loại đặc biệt vì thân hình to lớn nên luôn bị đói… và đã chỉ đạo ưu tiên cho ông được hưởng 2 suất gạo, nhưng ông Đặng Kinh đã từ chối tức thì.

Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, ông Đặng Kinh mới dám nhận một đặc ân thứ hai từ Bác. Theo lời kể của bà Thu Hà, con gái cố trung tướng Đặng Kinh, một lần Bác Hồ mời ông vào Phủ Chủ tịch hỏi thăm chuyện chiến trường miền Nam. Tại đây, ông được Bác tặng 2 lạng cao và một hộp sâm Cao Ly của Triều Tiên và nói là "để chú bồi dưỡng, tiếp tục trở lại chiến trường chiến đấu".

Có lẽ Hồ Chủ tịch vẫn nhớ chuyện người chỉ huy du kích Đặng Kinh không dám nhận tiêu chuẩn gạo mà Người chỉ đạo tăng gấp đôi cho ông trong thời kỳ chống Pháp, nên muốn "bù đắp" chăng?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.