Suốt thời chiến tranh lạnh và cả giai đoạn sau, tình báo Mỹ bị cho
là đã thất bại nặng nề trong cuộc chiến tuyển mộ và sử dụng gián điệp
hai mang.
Nội gián khét tiếng Aldrich Ames khi bị bắt năm 1994 - Ảnh: AFP
|
Chiến tranh lạnh là một trong những thời kỳ hoạt động sôi nổi nhất của các cơ quan tình báo thế giới và sử dụng gián điệp nhị trùng là phương cách vô cùng phổ biến để qua mặt đối phương. Tuy nhiên, theo cựu quan chức cấp cao Benjamin Fischer, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hoàn toàn dưới cơ các nước khối xã hội chủ nghĩa trên phương diện này, do quá trình tuyển mộ hời hợt và thói quan liêu.
Fisher khẳng định khoảng 100 điệp viên tại Liên Xô (sau này đến lượt Nga), CHDC Đức (Đông Đức) và Cuba đã giả vờ đổi phe nhưng thực chất vẫn trung thành với tổ quốc. Nghiêm trọng hơn, tin tức tình báo giả do những nguồn này chủ động tuồn ra đã được chuyển lên các nhà hoạch định chính sách cấp cao, thậm chí xuất hiện trên bàn làm việc của tổng thống Mỹ.
Thua toàn tập
“Trong Chiến tranh lạnh, CIA ồ ạt tuyển mộ điệp viên 2 mang nhưng họ bị bịp không chỉ một vài lần”, Fischer, người từng kinh qua nhiều chức vụ tại CIA, viết trên chuyên san International Journal of Intelligence and Counterintelligence.
Thất bại quan trọng đầu tiên của CIA xảy ra tại Cuba và được phanh phui nhờ vào quan chức tình báo nước này Florentino Aspillaga. Sau khi đào tẩu sang Mỹ năm 1987, Aspillaga tiết lộ khoảng hơn 40 điệp viên Cuba được CIA tuyển mộ trong suốt 40 năm vẫn âm thầm làm việc cho chính quyền Havana và cung cấp thông tin giả cho tình báo Mỹ. Đến cuối năm đó, truyền hình quốc gia Cuba chiếu bộ phim tài liệu công khai danh tính 27 trong số 40 điệp viên nói trên và còn trưng ra những thiết bị liên lạc mà phía Mỹ cung cấp cho họ.
Ở Đông Đức, toàn bộ gián điệp được CIA chiêu dụ đổi phe đều là nhân viên trung thành của Bộ An ninh quốc gia (Stasi). Báo mạng The Washington Free Bacon dẫn lời 2 cựu quan chức Stasi là Klaus Eichner và Andreas Dobbert khoe: “Nhờ những người trá hàng CIA, không có bất kỳ chiến dịch tình báo nào do Mỹ triển khai ở Đông Đức mà chúng tôi không biết”.
Tương tự, cựu lãnh đạo Stasi Markus Wolf (1923 - 2006), người được các chuyên gia công nhận là một trong những bậc thầy gián điệp xuất sắc nhất mọi thời đại, viết trong hồi ký xuất bản hồi thập niên 1980 rằng: “Ai cũng ghen tị với chúng tôi vì không có điệp viên hai mang nào làm việc cho CIA tại Đông Đức mà không phải là người của chúng tôi. Thông qua họ, chúng tôi có thể mớm nhiều thông tin giả hoặc được chọn lọc cẩn thận cho phía Mỹ”. Theo Fisher, Stasi xác định được một quan chức CIA đóng tại Tây Đức để làm nhiệm vụ tuyển mộ điệp viên nên cứ lần lượt cử điệp viên đến “xỏ mũi” người này. Vì thế, “tất cả những thông tin CIA thu được từ Đông Đức đều là những gì mà Wolf muốn họ biết”, Fisher viết.
Theo ông, cũng chính do đó mà Mỹ rất bị động trước các diễn biến ở Đông Đức, chẳng hạn không hề biết trước kế hoạch xây bức tường Berlin năm 1961.
Thất bại đau đớn nhất của CIA dĩ nhiên đến từ Liên Xô, sau đó là Nga thông qua vụ nội gián Aldrich Ames. Là nhân viên CIA nhưng Ames bí mật làm việc cho KGB và SVR suốt từ năm 1986 đến 1993, trở thành nội gián khét tiếng thứ hai sau cựu nhân viên FBI Robert Hanssen, người hợp tác với Moscow trong giai đoạn 1979 - 2001. Vì sự phản bội của Ames mà hàng chục điệp viên Mỹ hoạt động tại Liên Xô rồi Nga bị bắt, nhiều nội gián mà CIA chiêu dụ được cũng bị phát hiện và xử tử.
Ames bị bắt năm 1994 và đang ngồi tù với án chung thân ở tuổi 74.
Lẽ ra CIA có thể phát hiện Ames từ lâu nếu không có sự phá hoại từ 2 quan chức Liên Xô giả vờ đào ngũ. Khoảng giữa thập niên 1980, CIA vô cùng đau đầu vì mất hàng loạt cơ sở tại Moscow và bắt đầu điều tra tìm nội gián. Cơ quan này “mừng như bắt được vàng” khi lần lượt 2 quan chức cấp cao của KGB là Vitaly Yurchenko và Aleksandr Zhomov chủ động liên lạc và đề nghị tiết lộ cách thức Moscow lật tẩy gián điệp Mỹ. Zhomov được trả đến 1 triệu USD, còn Yurchenko yêu cầu được tị nạn và CIA lập tức đồng ý. Hai người này sau đó cung cấp nhiều thông tin giả để đánh lạc hướng giới tình báo Mỹ khỏi Aldrich Ames. CIA thậm chí bẽ mặt đến muốn “độn thổ” khi chỉ vài tháng sau khi đến Mỹ “tị nạn chính trị”, Yurchenko trốn ngược về Liên Xô vào cuối năm 1985 và còn được trao Huân chương Sao đỏ vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, theo tạp chí Time.
Báo cáo giả lên bàn tổng thống
Theo The Washington Free Beacon, CIA vào năm 1995 thú nhận rằng trong giai đoạn 1986 - 1994, họ đã soạn gần 100 báo cáo từ những nguồn tin “hoen ố” hoặc bị nghi nằm trong vòng kiểm soát của Moscow. Những thông tin này đã được chuyển cho nhiều cấp bậc quan chức, thậm chí “đụng nóc” bộ máy chính quyền Mỹ khi xuất hiện trên bàn làm việc của các tổng thống Ronald Reagan, George H.W.Bush và Bill Clinton.
Phó giám đốc CIA giai đoạn 1981 - 1982 Bobby Ray Inman thừa nhận thảm họa điệp viên nhị trùng đã kéo dài suốt nhiều năm còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, người giữ chức Giám đốc CIA từ 1991 - 1993, cũng nói cơ quan này đã bị Cuba và Đông Đức dắt mũi trong thời gian dài.
Theo ông Fischer, thất bại của CIA có nguyên nhân chính đầu tiên là cơ quan này không chủ động, trực tiếp tìm kiếm điệp viên của đối phương để chiêu mộ. Thay vào đó, họ chờ một người nào đó tự bước vào Đại sứ quán Mỹ và nói: “Tôi có thông tin muốn bán” rồi mới bắt đầu quy trình thẩm tra để xem có đáng tin hay không. Khi đó, đối phương đã nắm thế chủ động và chuẩn bị một vỏ bọc hoàn hảo.
Tiếp theo, bộ máy quan liêu cùng thói tham công nhưng sợ trách nhiệm của nhiều quan chức khiến CIA lún sâu vào thảm họa gián điệp hai mang. Fischer cáo buộc sau mỗi vụ bị phanh phui, cấp trên vẫn chỉ đạo Phân ban phụ trách Liên Xô “che đậy tổn thất”, đồng thời ngụy biện rằng vẫn thu được một số thông tin giá trị từ những nguồn giả mạo.
Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm và đến gần đây vẫn còn gây hậu quả. Vào năm 2009, một điệp viên tuyển từ Jordan giả vờ đồng ý làm việc cho CIA nhưng hóa ra lại là phần tử Hồi giáo cực đoan và đã đánh bom tự sát làm chết 7 người Mỹ tại Afghanistan.
The Washington Free Beacon dẫn lời Kenneth E. deGraffenreid, cựu cố vấn cấp cao về tình báo an ninh cho nhiều đời tổng thống Mỹ, nhận định những tiết lộ của Fischer cho thấy “công tác phản gián của chúng ta tệ đến mức nào”. “Nếu không nhanh chóng khắc phục vấn đề này, chúng ta sẽ không thể ứng phó được những thách thức đến từ tình báo Nga, Trung Quốc, Iran và nhiều bên khác”, ông nói.
Theo tờ The New York Times, Benjamin Fischer gia nhập CIA từ năm 1973 và làm việc trong Phân ban phụ trách Liên Xô. Tuy nhiên, ông đã làm mất lòng cấp trên khi liên tục cảnh báo về thất bại trong việc chiêu mộ gián điệp nhị trùng, còn vợ ông ngoại tình với Steve Weber, một điệp viên Hungary đào tẩu và leo cao trong hàng ngũ CIA.
Sau vụ Ames, xuất hiện một bức thư nặc danh tố cáo Weber cũng là nội gián và ai cũng nghĩ Fisher là tác giả. Dù một mực phủ nhận nhưng ông bị trù dập dữ dội đến mức phải đâm đơn kiện vào năm 1996. Vụ kiện không đi đến đâu và cuối cùng Fisher phải chuyển qua làm việc cho Trung tâm nghiên cứu về tình báo cũng thuộc CIA rồi nghỉ hẳn. Hiện ông là một chuyên gia rất có uy tín trong giới.
|
Bình luận (0)