'Sính ngoại', nhưng chưa ổn định
Thói quen dùng HLV của CLB Hà Nội được chia thành 2 giai đoạn khác nhau rõ rệt. Giai đoạn đầu kéo dài từ năm 2006 đến 2021, đội bóng thủ đô chỉ dùng chiến lược gia nội. Lần lượt các HLV Triệu Quang Hà, Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Phạm Minh Đức và Chu Đình Nghiêm đã ngồi ghế chỉ đạo trong suốt 16 năm.
Trong đó, hai giai đoạn của các HLV Phan Thanh Hùng và Chu Đình Nghiêm được đánh giá đặc biệt thành công, với liên tục các chức vô địch quốc nội. Đơn cử, trong 6 mùa giải huấn luyện CLB Hà Nội (2016 đến 2021), HLV Chu Đình Nghiêm đoạt 3 chức vô địch V-League (2016, 2018, 2019), 2 Cúp quốc gia (2019, 2020), lọt tới chung kết AFC Cup liên khu vực (2019).
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, sau khi HLV Chu Đình Nghiêm chia tay, triết lý dùng HLV của CLB Hà Nội đã thay đổi. Từ chỗ chỉ dùng "hàng nội" trước đây, CLB Hà Nội chuyển sang ưu tiên chiến lược gia ngoại.
Bắt đầu từ giữa mùa 2021, CLB Hà Nội bổ nhiệm ông Park Choong-kyun, nhà cầm quân từng huấn luyện ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Sau đó, lần lượt các HLV Chun Jae-ho, Bozidar Bandovic và Daiki Iwamasa đã đến và đi. Xen giữa triều đại của các thầy ngoại là giai đoạn tạm quyền ngắn ngủi của HLV Lê Đức Tuấn và Đinh Thế Nam, đều trong mùa giải 2023 - 2024 đầy biến động (chỉ riêng ở mùa này, CLB Hà Nội thay tới 4 HLV).
Dù các thầy ngoại có bản hồ sơ đẹp hơn, giàu thành tích hơn, nhưng nghịch lý ở chỗ: thành tích CLB Hà Nội lại đi xuống. Trong 4 thầy ngoại mà đội Hà Nội từng chiêu mộ, chỉ có ông Chun Jae-ho (vô địch V-League và Cúp quốc gia 2022) và Bandovic (vô địch Siêu cúp 2023) là có danh hiệu.
Càng thay nhiều HLV, CLB Hà Nội càng... ít cúp. 4 mùa giải qua, số lượng danh hiệu của Hà Nội chỉ còn 3. Trong 2 mùa giải gần nhất, CLB Hà Nội trắng tay. Với cựu vương V-League, thầy ngoại chưa đồng nghĩa với đột phá.
Định hướng mới
Tất nhiên, CLB Hà Nội có lý do dùng thầy ngoại. Những HLV đến từ nền bóng đá phát triển mang đến tư duy chơi bóng mới mẻ, hiện đại, đủ sức nâng tầm cầu thủ Hà Nội. Đấy là điều thầy nội không dễ làm, khi không ít HLV trong nước hiện nay vẫn huấn luyện chủ yếu bằng kinh nghiệm, chuyện cập nhật liên tục xu thế và phương pháp huấn luyện mới không dễ dàng.
Thất bại của đội Hà Nội trong 2 mùa qua cũng không hẳn đến từ lỗi HLV. Bộ khung sinh năm 1995 đến 1997 của CLB Hà Nội đã "tan đàn xẻ nghé" bởi nhiều nguyên nhân, trong bối cảnh các trụ cột như Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Văn Quyết luống tuổi, còn lứa trẻ như Nguyễn Văn Trường, Vũ Đình Hai, Lê Văn Xuân chưa đủ năng lực cáng đáng.
Cần ghi nhận đóng góp của HLV ngoại, đơn cử như HLV Daiki Iwamasa. Nhà cầm quân người Nhật Bản đã chứng thực đẳng cấp khi từng huấn luyện CLB Kashima Antlers - đội bóng giàu truyền thống bậc nhất J-League. Ông Daiki mang đến lối chơi đẹp mắt, nhuần nhuyễn, kích thích cầu thủ trẻ, ưu tiên phát triển nội binh. Sự chuyển dịch ở CLB Hà Nội rất rõ rệt khi HLV người Nhật Bản ngồi ghế nóng, nhưng khi "máy" bắt đầu nóng, ông Daiki lại rời đi.
Vấn đề của CLB Hà Nội, hay phần lớn các đội V-League thực ra chưa bao giờ là thầy nội hay thầy ngoại. CLB Thanh Hóa với HLV Velizar Popov đã đoạt 3 danh hiệu trong 2 năm. CLB LPBank HAGL với HLV Kiatisak Senamuang từng đứng đầu V-League 2021, về ba ở Cúp quốc gia 2022. Quan trọng là, các đội cần kiên nhẫn và có dự án rõ ràng cho các HLV, thay vì đổi xoành xoạch.
Đơn cử trường hợp của CLB Hà Nội, đến giờ thầy ngoại trụ lại lâu nhất chỉ vỏn vẹn... 1 mùa giải. Đây là quãng thời gian quá ngắn ngủi để một HLV, chưa nói nội hay ngoại, làm được bất cứ điều gì.
Xây dựng nền tảng bền vững cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tạo ra một đội bóng có triết lý vận hành rõ ràng từ trong đến ngoài sân cỏ luôn yêu cầu sự kiên trì, kể cả với đội bóng từng thống trị V-League như Hà Nội. Tuy nhiên, kiên nhẫn với một lộ trình bài bản lại là thứ CLB Hà Nội rất thiếu. Đấy mới là lực cản của Văn Quyết cùng đồng đội, chứ không chỉ là chuyện HLV.
Bình luận (0)