Có ba người lính Hoàng Cầm

27/12/2005 14:43 GMT+7

Dạo ấy lính Sư đoàn 9 cứ xì xầm “Nghe nói Sư trưởng sư đoàn ta ngoài bí danh “Năm Thạch” còn có tên thật là Hoàng Cầm”. Thế là anh em đồn ầm lên: - Thủ trưởng ta vừa đánh giặc giỏi lại nấu ăn cũng khá. Nghĩ ra cái bếp ấy thì dứt khoát phải là tay anh nuôi cừ…

- Này, thủ trưởng có đánh Điện Biên Phủ không nhỉ ?

- Ông ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn đã cắm cờ trên hầm Đờ Cát-stri (De Castries).

- Vậy thì đúng rồi, bếp Hoàng Cầm là sáng kiến… của ông ấy được phổ biến ở mặt trận Điện Biên Phủ năm nào…

Thực ra ở Điện Biên Phủ năm đó đã xuất hiện hai người lính mang tên Hoàng Cầm, họ cách nhau 6 tuổi. 40 năm qua cả hai ông Hoàng Cầm ấy đều được anh em đồng đội nhớ nhung, yêu mến và quý trọng.

Một ông Hoàng Cầm bây giờ đã về hưu, sống cuộc đời bình thường như cái bếp lò của ông vậy ! Đó là ông “bếp Hoàng Cầm”, năm nay đã 81 tuổi, quê ở xã Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Yên. Ông tham gia quân đội trong kháng chiến chống Pháp, làm “anh nuôi” và đã nghĩ ra bếp kháng chiến mang tên ông. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, bếp do ông sáng tạo được phổ biến cho toàn các đơn vị. Đó là loại bếp đào thành hầm ở dưới đất – vừa để tránh pháo bom, vừa tránh ánh lửa hắt ra ngoài. Nấu cơm bằng “bếp Hoàng Cầm”, địch không phát hiện được ánh lửa dù nấu ban đêm và ban ngày không nhìn thấy khói dù củi chưa khô. Nhờ loại bếp ấy, bộ đội lúc nào cũng có cơm ngon, thức ăn nóng chứ không phải ăn lương khô. Người lính nào cũng gắn với những bữa cơm ngày đánh giặc nên ai cũng biết “bếp Hoàng Cầm”. Ông “bếp Hoàng Cầm” đã về hưu khi ở cấp đại đội trưởng vài năm sau kết thúc chiến tranh chống Pháp. Tháng 6 năm 1994, ông “bếp Hoàng Cầm” đã được quân đội cấp một căn hộ 2 tầng khép kín với 43 mét vuông sử dụng, tại khu tập thể 28 Điện Biên Phủ, Hà Nội.

Còn ông Hoàng Cầm – Thượng tướng của quân đội ta – hoàn toàn không có liên quan đến “bếp Hoàng Cầm”. Ông quê ở Xuyên Công, xã Vĩnh Thượng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, có vợ là người đồng hương với ông “bếp Hoàng Cầm”. Năm nay ông “Tướng Hoàng Cầm” 75 tuổi, song vẫn mạnh khỏe, vui tính, thỉnh thoảng vẫn làm thơ tặng đơn vị, bạn bè. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn chủ công thuộc Sư đoàn 312 – đơn vị đánh vào trung tâm, bắt tướng Đờ Cát-tri. Năm 1964 ông vào miền Nam tham gia chống Mỹ cứu nước với tên Nam bộ là Năm Thạch. Ngày 2/9/1965 ông được giao nhiệm vụ làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 – đơn vị chủ lực cấp sư đoàn đầu tiên ở miền Nam. Ông Hoàng Cầm đã gắn với những chiến công to lớn của quân giải phóng miền Nam như Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Mậu Thân 1968 và Tổng tấn công mùa xuân năm 1975. Đơn vị của ông đã cùng bộ đội cách mạng Campuchia giải phóng đất Chùa Tháp. Ông làm Tư lệnh Quân đoàn 4 – tức Binh đoàn Cửu Long – trong nhiều năm, rồi làm Tổng thanh tra quân đội. 50 năm làm lính, hơn 30 năm ông gắn bó với chiến trường miền Nam, gắn bó với quân và dân miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, từ ngày đương đầu với các sư đoàn thiện chiến của Mỹ cho đến kết thúc chiến tranh.

Điều lý thú là với cương vị chỉ huy đơn vị, chỉ huy chiến dịch, ông thường nhắc bộ đội phải giữ bí mật trong hành quân và trú quân “Đi không dấu, nấu không khói”, nên nhiều lính trẻ vẫn tưởng rằng ông hay nhắc đến mục đích của “bếp Hoàng Cầm” mà ông đã “sáng tạo”.

Hai người lính Hoàng Cầm của chúng ta đều gắn bó với sự trưởng thành của quân đội và sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Ngoài ra, có một ông “Hoàng Cầm thứ ba” cũng vốn là người lính nhưng lại là nhà thơ lớn được nhiều người nhắc đến với các bài thơ Bên kia sông Đuống và Lá diêu bông. Đó là ông “thơ Hoàng Cầm”.

Đinh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.