Cô bé ấy giờ đã trưởng thành

06/05/2016 08:25 GMT+7

Trước mặt tôi bây giờ là một cô gái phổng phao xinh đẹp và tự tin. Không còn hình ảnh bé T. bán vé số rụt rè ngơ ngác ngày xưa nữa.

T. vốn là nhân vật trong một bài viết của tôi hơn 10 năm về trước, bài AIDS, cô bé mồ côi và con búp bê.
Dõi theo T. trong nhiều năm qua, tôi rất mừng khi nghe tin mới đây T. được nhận học bổng toàn phần của một trường đại học quốc tế danh tiếng đóng tại TP.HCM. Học bổng này có giá trị rất lớn, đài thọ tất cả các chi phí ăn, ở, sinh hoạt trong suốt 4 năm học của T. Để được xét tặng học bổng, ngoài yếu tố hoàn cảnh khó khăn, T. phải đáp ứng những yêu cầu về trình độ tiếng Anh và kỹ năng sống, kiến thức xã hội do nhà trường đặt ra.
Không còn nhìn mặt người cho tiền để sống! 1
Bé T. và bà ngoại hơn 10 năm về trước
Trước đó, lúc T. chưa đầy 10 tuổi, cha mẹ của em lần lượt qua đời vì căn bệnh AIDS giai đoạn cuối. Cô bé cùng bà ngoại khi ấy đã hơn 75 tuổi sống nương tựa nhau trong một căn chòi xập xệ chống dọc mé kinh dưới chân cầu Rạch Ông (quận 7, TP.HCM). Ngày ngày T. đi bán vé số nuôi bản thân và phụ giúp bà ngoại.
Nhớ lại phận mồ côi, nghèo khó của mình nhiều lần phải chịu sự khinh khi, hiếp đáp từ người đời, T. kể: "Khi con vào siêu thị, những người bị mất cắp đồ đạc thường nghi ngờ con lấy vì họ thấy con mặc đồ xấu quá, dơ quá. Còn những khi con được mặc đồ đẹp thì người ta cho là con se sua, đua đòi…".
Sau khi nhận được học bổng toàn phần, T. trở thành sinh viên một trường đại học quốc tế danh tiếng tại TP.HCM Ảnh: Như Lịch
Thấy gia cảnh ngặt nghèo của T., có người đã hỗ trợ cho T. và bà ngoại hằng tháng một ít tiền. Biết ơn những ân nhân, nhưng T. cũng chua xót nhìn nhận: "Từ nhỏ con đã phải học cách chú ý đến nét mặt, cảm giác của những người cho mình tiền để sống. Tuy họ không nặng nhẹ ra mặt với con nhưng khi họ vui, con mới dám vui theo. Còn khi họ buồn, con không dám nói cười. Cuộc sống của hai bà cháu như lệ thuộc vào người ta, nên con thấy bấp bênh lắm. Nhiều khi con không muốn nhận số tiền đó nữa nhưng không thể, vì con còn bà ngoại già yếu nữa. Sau này, con xin đi làm nhiều nơi để bớt nhận những khoản trợ giúp".
Không còn nhìn mặt người cho tiền để sống! 2
Căn chòi trong "khu ổ chuột" dưới chân cầu Rạch Ông là nơi T. và các thế hệ trong gia đình em từng trú ngụ. Giờ đây, T. không còn ai thân thích trên đời và căn chòi cũng chỉ còn trong hoài niệm. Ảnh: Như Lịch
Cách đây ba năm, bà ngoại của T. đã vĩnh viễn ra đi. Thế là sợi dây duy nhất cho T. hơi ấm gia đình cuối cùng cũng bị đứt lìa. T. tâm sự rằng nhiều lúc em cảm thấy tuyệt vọng kinh khủng vì mình không có tiền bạc, không nhà cửa, không còn ai thân thích trên cõi đời. Nhưng điều đặc biệt ở cô gái nghị lực này là cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa, hiếm khi nào T. vắng mặt trong những lớp học tình thương. Tuy chưa biết học xong sẽ làm gì cụ thể nhưng T. vẫn luôn cố gắng đến lớp mỗi ngày. Bởi vì như T. nói là em không muốn cả đời mình phải đi bán vé số dạo hoặc phục vụ trong những quán cà phê.
T. cho tôi hay em đã quyết định chọn ngành học để sau này trở thành một người làm công tác xã hội. T. giải thích: "Con đã nhận được sự giúp đỡ từ những người khác nên rất muốn trả ơn xã hội và chia sẻ lại những gì mình có cho người khác. Nhưng con luôn tâm niệm là khi mình tặng bất cứ cái gì cho ai đó thì nên có thái độ tôn trọng, chân thành, để người nhận không phải sợ sệt, ám ảnh và lệ thuộc như con ngày trước".
Còn tôi, tôi nhận thấy T. đã trưởng thành hơn, nhạy cảm hơn và cũng giàu lòng tự trọng biết bao. Dẫu không phải là ân nhân của T., song những bộc bạch thẳng thắn của em cũng khiến tôi giật mình tự hỏi: Có bao giờ mình vô tình hoặc cố ý xem trọng của cho hơn cách cho, khiến người khác bị tổn thương hay không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.