Khác với khung cảnh sinh động, náo nhiệt và giàu có của bến du thuyền vào buổi sáng hôm trước khi tàu dừng ở đảo Catalina, ngoài khơi Los Angeles (Mỹ), hình ảnh đầu tiên về Mexico có thể nhìn thấy từ boong tàu là những bãi container vắng người, đường phố dọc cảng bụi mù và rất nhiều nhà lụp xụp dọc theo những triền đồi, núi ít bóng cây.
Vào Mexico không cần visa
Khách từ Mỹ nhập cảnh Mexico bằng đường bộ hoặc từ du thuyền vào các cảng mặc nhiên được cho qua không cần visa, bất kể mang hộ chiếu nước nào. Thủ tục từ tàu xuống đất liền đơn giản hơn cả chúng tôi hình dung khi đến một quốc gia khác. Chỉ có nhân viên an ninh của tàu xem hộ chiếu và thẻ từ khóa phòng có in ảnh (kiêm luôn chức năng một thẻ tín dụng ghi nợ mọi chi phí xài trên tàu), thủ tục ấy có vẻ chỉ nhằm chắc rằng không ai quên mang nó theo để chuyến trở về tàu vào buổi chiều có cái chứng minh tôi đang là khách ở đây.
Hành động có vẻ thủ tục nhất có thể nhìn thấy là họ quét thẻ từ khóa phòng vào hệ thống để xác nhận khách đã bước ra khỏi tàu và cứ thế tản bộ vào đất Mexico. Đại diện cơ quan công quyền duy nhất mà chúng tôi nhìn thấy ở cảng là một chiếc xe cảnh sát địa phương đậu ở đầu đường từ cầu tàu ra phố.
Tất cả sự vắng vẻ, lơ đãng, dễ dàng đó biến mất khi bắt đầu tản bộ trên những con đường của Ensenada. Người bán hàng rong, xe ngựa dạo phố và đủ thứ dịch vụ khác bắt đầu chào mời liên tục những du khách không mua tour sẵn mà muốn tự mình khám phá.
Ensenada trả giá không khác gì chợ trời ở VN, một người bạn Mỹ từng sang đây cảnh báo trước. Thế nhưng mọi ước tính về giá đối với những du khách lớ ngớ đến đây lần đầu như chúng tôi đều dính chưởng. Chẳng hạn chuyến xe ngựa cho 8 người đi một vòng giá 40 USD, kì kèo một hồi còn 20 USD! Tưởng đã rẻ, ai dè đến lúc về cũng tầm đó quãng đường, một chủ xe bảo 5 USD bọn mày có muốn đi không?
|
Trung tâm của Ensenada là một con phố không dài lắm với hai bên đường là tấp nập những cửa hiệu, nhà hàng, quán bar... Ngoài những hàng thủ công mỹ nghệ mang phong cách địa phương bán cho du khách thì nổi bật trên con đường này là những cửa hiệu bán xì gà Cuba và Viagra (thuốc cường dương)! Những thứ mà người ta khó có thể mua ở Mỹ nếu không có toa bác sĩ hoặc là giá quá đắt. Và như đã nói, khác với vẻ uể oải ở bến tàu buổi sớm, con phố dành cho du khách rộn ràng với những điệu nhạc Latin, tiếng người mời mọc, tiếng còi xe ầm ĩ, lâu lâu xe cảnh sát hú còi chạy tới chạy lui. Khó để thấy bình yên bên cạnh nàng Lọ Lem xứ Mễ khi mà ngay cả trước những cửa hiệu bán thuốc cũng có cả vệ sĩ vác khẩu tiểu liên đeo kính đen đứng gác.
Đường phố toàn những chiếc xe hơi cũ kỹ, “vì đi xe xịn, có thể ngày đẹp trời nào đó cậu sẽ gặp một người bịt mặt, chĩa súng vào đầu, bảo xuống xe và đưa chìa khóa cho tao!” - Gengo Toma, một người Mỹ ở San Diego, thành phố của Mỹ sát biên giới với Mexico, nói về tình hình an ninh ở đây.
Thị trấn sóng thần
Các tờ hướng dẫn du lịch Ensenada trong ngày đều giới thiệu những điểm đến giống nhau: nhẹ nhàng nhất là thăm một khu vực trồng nho có hầm rượu vang lâu đời của vùng, hay ghé thăm một khu trò chơi cảm giác mạnh kiểu đu dây trượt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia hoặc đến La Bufadora, nơi có cột nước biển phun trào được xem là 1 trong 10 điểm nước phun tự nhiên hấp dẫn nhất hành tinh.
Cũng giống như màn đi ngựa. Giá đi đến La Bufadora ban đầu là 80 USD/chuyến, sau chuyển sang 50 USD/chuyến, rồi thì một bác tài nhìn vẻ rất tử tế nói: “Tao nhận chuyến này với giá 20 USD, nếu còn thời gian sẽ chở bọn mày ghé cả khu trò chơi mạo hiểm”. Cả bọn cẩn thận hỏi lại trước khi bước lên xe: “20 USD cho 4 người hay 20 USD cho 1 người?”... “Ok ok... cho tất cả...”, bác tài hồ hởi hối khách đi kẻo không kịp giờ.
Xe xuôi về phía nam, vòng theo dọc những triền núi, qua một vài cánh đồng hoa màu tím tuyệt đẹp - tiếc là hình như người ta không làm du lịch nên rào chắn khá kỹ lưỡng.
Điểm đến đáng đồng tiền của La Bufadora nằm cuối con đường chỉ có thể đi bộ men theo vách núi. Từ đó có thể ngắm eo biển tuyệt đẹp với những mỏm đá cheo leo đầy bọn hải âu và hàng đàn chim biển bay theo hình chữ V cứ như được huấn luyện để biểu diễn. Ở đó mọi người đứng đợi, cứ tầm một phút hoặc hơn, chứng kiến cột nước cao hàng chục mét phun trào, có lúc bụi nước lớn đến nỗi trùm cả lên du khách đứng xem. Chính vì khoảnh khắc hùng vĩ khó diễn tả hết bằng lời đó mà từ lâu La Bufadora được gọi là “thị trấn sóng thần”. Nhiều tài liệu lý giải, có một khe ngầm bên dưới vách đá, nên khi sóng đánh vào mang theo cả không khí vào hang hẹp, đến lúc nước rút ra thì không khí bị kẹt lại bên dưới vỡ bùng như một tiếng nổ lớn và bắn cột nước lên cao...
Sự choáng ngợp trước thiên nhiên lẫn có chút bùi ngùi khi đứng lắng nghe những người thổ dân bản địa múa hát những bài ca từ ngàn năm của họ với tấm bìa ghi bằng tiếng Anh đại ý: Chúng tôi là thổ dân bản địa, hãy giúp chúng tôi nuôi sống gia đình!
Tất cả sẽ còn đầy ắp trong tim về xứ sở cô bé Lọ Lem của Thái Bình Dương nếu chuyến về bác tài taxi không lật lọng: 20 USD/người chứ không phải 20 USD cho cả chuyến đi với 4 người!
Ở du thuyền rẻ hơn thuê khách sạn
Du thuyền (cruise) là một cách không quá đắt đỏ như nhiều người vẫn nghĩ để đến Ensenada từ Mỹ. Chẳng hạn vé đang bán trước trên mạng cho chuyến đi vào tháng 12 tới với loại cabin (2 hoặc 3 người) không có cửa sổ nhìn ra biển là 179 USD (tầm 4 triệu đồng)/người, cho 4 ngày. Số tiền này đã bao gồm ăn uống thoải mái bất kỳ lúc nào trong suốt thời gian ở trên tàu tại bất kỳ nhà hàng gọi món (phục vụ theo giờ) hay buffet (24/24) hoặc gọi về tận phòng. Nếu so với tiền phòng tại khách sạn nhỏ ở khu người Việt tại quận Cam, loại có tiện nghi tương tự, cũng tầm 70 - 90 USD/ngày thì giá đi cruise khá rẻ.
Tất nhiên hãng tàu sẽ tìm mọi cách để vét túi bạn bằng những dịch vụ khác trong chuyến đi như casino, cửa hàng miễn thuế, shop quà lưu niệm... trên tàu, hoặc bất kỳ hoạt động nào của bạn ở các khu vực công cộng đều được các nhiếp ảnh gia của tàu chụp ảnh - phải công nhận là rất đẹp và được bán lại với giá khá đắt (20 USD/tấm). Thậm chí trong lúc lênh đênh trên đại dương bạn cũng có thể mua dịch vụ để vào mạng bằng wifi với giá 5 USD/ngày hoặc trọn gói 4 ngày là 15 USD (chỉ xài Facebook, Instagram, và Twitter), còn gói đầy đủ dịch vụ là 75 USD.
Con tàu như một khách sạn khổng lồ, cao 12 tầng với đường trượt nước, hồ bơi, spa, phòng tập thể dục, nhà hát... Chỉ đôi khi ra giữa đại dương thời tiết xấu khách mới cảm nhận có rung lắc đôi chút.
Nếu khách đi cruise vào Mexico dễ dàng thì khi quay trở về cảng Long Beach (California) của Mỹ, người mang hộ chiếu nước ngoài vẫn phải xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh như mới đến Mỹ. Do vậy hãng tàu chỉ bán vé cho người có visa loại ra vào Mỹ nhiều lần (multi visa).
|
Bình luận (0)