Có căn cước, bỏ khai sinh ?

20/06/2014 03:00 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về dự án luật Hộ tịch hôm qua 19.6, nhiều đại biểu cho rằng đang có sự trùng lặp, chồng chéo nhau với luật Căn cước công dân.

Có căn cước, bỏ khai sinh ?

Người dân làm giấy khai sinh cho con tại TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa

Theo đại biểu (ĐB) Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình), trong dự thảo luật Căn cước công dân đã quy định cấp thẻ căn cước cho người vừa mới sinh ra và loại thẻ này thể hiện các thông tin có thể thay thế nhiều loại giấy tờ khác. Vì thế, ĐB này cho rằng không cần thiết phải đưa quy định trên vào luật Hộ tịch.

Tuy nhiên, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng không thể bỏ được giấy khai sinh và kết hôn, vì đây là các loại giấy tờ sẽ gắn với nhiều giao dịch của công dân và thường xuyên phải được trích lục, kể cả trong việc làm căn cước công dân thì giấy khai sinh được coi là căn cứ ban đầu của công dân.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo phải tính toán lại phương án cấp mã số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Theo tờ trình Chính phủ từ 1.1.2016, người mới khai sinh đã được cấp mã số công dân tại cấp xã. “Để làm được điều này chúng ta phải trang bị cáp quang đến 10.000 xã, kể cả con người được đào tạo, chỉ trong vòng một năm nữa thì liệu chúng ta có làm kịp được không”, ĐB Chung băn khoăn.

ĐB Chung cũng đề nghị dự thảo luật Hộ tịch cần phải làm rõ quy định về dữ liệu hộ tịch điện tử, hiện Chính phủ đã thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 896, đây là nền tảng dữ liệu gốc để các ngành sử dụng chung. “Nếu luật không nêu rõ dữ liệu hộ tịch điện tử là một phân hệ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì trên các ngành lại xây dựng thêm đề án cơ sở dữ liệu khác lại gây ra lãng phí”.

Theo nhiều ĐB, luật Hộ tịch phụ thuộc nhiều đến Đề án 896 của Chính phủ, kể cả việc khi luật được thông qua nhiều quy định vẫn bị “treo” cho đến cuối năm 2019 khi Đề án 896 hoàn thiện. Do đó, các ĐB đề nghị cần cân nhắc tính toán thật kỹ các quy định, thậm chí có thể gộp các luật liên quan đến công dân vào làm một.

Cân nhắc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi

Nhiều ĐBQH cho rằng không nên cấp khoảng 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi vì không hiệu quả và gây tốn kém cho ngân sách. ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) khẳng định quan hệ giao dịch người dưới 15 tuổi không tự giao dịch được mà cần nhờ đến vai trò của người giám hộ. “Có hợp lý hay không khi chúng ta bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số để cất giữ, không quan hệ giao dịch gì phổ biến”, ĐB Niễn nói.

 Đồng tình với quan điểm này, ĐB Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cho rằng: Dự thảo luật quy định đủ 14 tuổi thì đổi, cấp lại thẻ và bổ sung định dạng bằng hình ảnh và vân tay như vậy thẻ căn cước công dân được cấp cho trẻ dưới 14 tuổi không đảm bảo được phân biệt với người khác. “Vậy mục đích dự thảo luật định hướng đến đối với cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi là gì, đề nghị cần làm rõ”, ĐB Liên đặt câu hỏi.

Trường Sơn - Thái Sơn

>> Không nên cấp ‘Căn cước’?
>> Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu
>> Làm thẻ căn cước mọi lúc mọi nơi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.