Sau gần 3 thập kỷ phát triển ngoạn mục, Đà Nẵng đang đón cơ hội phát triển mới khi Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra. Ông đánh giá ra sao về cơ hội này của Đà Nẵng?
TS Cao Trí Dũng: Đà Nẵng đã trở thành trung tâm du lịch cả nước với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển vượt bậc, cả về giao thông lẫn cơ sở dịch vụ, trở thành điểm sáng thu hút du lịch, trung tâm du lịch miền Trung và cả nước. Diện mạo đô thị Đà Nẵng ngày nay hiện đại ngang với các TP lớn của châu Á như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore…
Từ một vùng trũng về du lịch, Đà Nẵng đã trở thành địa phương có tăng trưởng lớn về du lịch của cả nước. Hiện mỗi ngày Đà Nẵng đón khoảng 50 - 60 chuyến bay quốc tế, 70 - 80 chuyến bay nội địa và trở thành cửa ngõ khám phá các điểm đến di sản miền Trung. Bức tranh Đà Nẵng rất sáng khi hạ tầng, đô thị, cảnh quan được định hướng đi trước, sử dụng các nguồn lực để thu hút và phát triển du lịch.
Chúng tôi rất vui mừng khi biết Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng. Nếu được tiếp sức bởi các cơ chế chính sách đặc thù, Đà Nẵng sẽ được nâng tầm và bước sang giai đoạn phát triển mới sâu hơn, cao hơn.
Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Đà Nẵng là nơi đầu tiên tại Việt Nam được thí điểm cơ chế đầu tư xây dựng khu thương mại tự do (TMTD). Điều này mang đến cho Đà Nẵng cơ hội vượt trội như thế nào, thưa ông?
Đây là một trong những chính sách nổi bật. Nếu xuất hiện khu TMTD, Đà Nẵng có thêm lợi thế lớn để hút các nguồn khách cao cấp, vừa tham quan trải nghiệm, vừa vui chơi, mua sắm, "tiêu tiền". Đặc biệt, nhờ được ưu đãi lớn về thuế, cơ chế, chính sách, mức độ cạnh tranh của Đà Nẵng sẽ tăng lên, thu hút các thương hiệu lớn trên thế giới.
Hiện nay, Đà Nẵng đã trở thành một trong những "cửa ngõ" của du khách quốc tế. Khi hình thành các khu TMTD đồng nghĩa với việc nâng Đà Nẵng lên ngang hàng với các trung tâm mua sắm của khu vực, giúp hệ sinh thái sản phẩm du lịch của Đà Nẵng phong phú, đa dạng và hoàn thiện hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho điểm đến. Từ đó, chúng ta có thể kỳ vọng về việc gia tăng đột biến nguồn khách quốc tế đến Đà Nẵng, cả về lượng và chất.
Đà Nẵng đã trở thành địa phương có tăng trưởng lớn về du lịch của cả nước
Nguyễn Trình
Theo ông, nếu được áp dụng các cơ chế đặc thù, Đà Nẵng sẽ tăng sức hút thế nào đối với nhà đầu tư?
Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh dịch vụ du lịch từ lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… cũng như gia tăng giá trị cho các bất động sản gắn với du lịch - nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng. Từ đó TP sẽ thu hút được thêm nhiều nguồn lực lớn hơn từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nơi.
Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khơi mở nguồn lực mới để nhà đầu tư khai thác hiệu quả nguồn lực.
Và điều đó cũng đặt ra yêu cầu đối với TP, đó là phải thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, giàu tiềm lực, kinh nghiệm, có chuyên môn sâu, am hiểu về thị trường. Đi kèm với đó, TP cũng cần hình thành nên hệ sinh thái sản phẩm, xác định các thị trường tiềm năng để triển khai hoạt động quảng bá xúc tiến.
Làm đồng bộ như vậy mới có thể kêu gọi các nhà đầu tư có thế mạnh về vốn, công nghệ, chuyên môn cao... chung sức cùng TP, huy động tổng lực sức mạnh cộng đồng, từ đó phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù, góp phần hiện thực hóa các quy hoạch, định hướng phát triển đã đề ra.
Nhiều người cho rằng, vốn đã là một TP đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư, nếu được cộng hưởng thêm sức mạnh từ các cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng sẽ càng đáng đầu tư hơn nữa. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đà Nẵng được đánh giá rất cao với thương hiệu TP đáng sống, bởi ở đây có môi trường trong lành, con người thân thiện, hạ tầng hiện đại, có mức sống và chi tiêu hợp lý, cuộc sống an toàn... Đà Nẵng hiện nay đã phát triển thêm nhiều danh hiệu khác ngoài danh hiệu đáng sống như TP đáng để làm việc với các chế độ đãi ngộ xứng đáng, cơ hội việc làm, cơ hội đầu tư ngày càng mở rộng…
Khi được thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù, có được các thiết chế đặc biệt, vượt trội như khu thương mại tự do, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược…, tôi cho rằng các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy cơ hội lớn ở Đà Nẵng, coi đây là căn cứ chuyển dịch đầu tư cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm dịch vụ mới để thu hút khách. Và như thế, không chỉ nhà đầu tư được hưởng lợi, mà TP, người dân, du khách sẽ cùng được hưởng lợi.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế, du lịch Đà Nẵng trong tương lai?
Tôi rất tin tưởng vào tương lai phát triển rực rỡ của kinh tế, du lịch TP, cộng đồng doanh nghiệp cũng hết sức tự tin khi kinh doanh ở Đà Nẵng. Đà Nẵng có tiềm năng du lịch phong phú, giàu bản sắc. Cùng với đó là sự tạo điều kiện, quan tâm của lãnh đạo TP, có sự liên kết rất tốt với địa phương xung quanh để tạo hệ sinh thái sản phẩm nổi bật, có điểm rơi lớn với nhiều thị trường tiềm năng trong bán kính bay thuận lợi như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, đồng thời có sự kết nối rất tốt với hệ thống tàu biển quốc tế, hay các tuyến đường bộ xuyên Á.
Định hướng của du lịch của TP là khai thác bền vững trên 5 trụ cột sản phẩm mà Đà Nẵng có lợi thế là nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bất động sản du lịch, du lịch văn hóa lịch sử với tư cách là cửa ngõ các di sản, du lịch MICE với hệ sinh thái liên quan đến tổ chức sự kiện, sinh thái xanh về rừng núi, sông hồ và du lịch đô thị với tư cách là TP trung tâm, động lực, trọng điểm của miền Trung.
Với hệ thống động lực như thế, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Đà Nẵng.
Bình luận (0)