Chanh sinh ra và lớn lên ở xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu. Năm 16 tuổi, cô lấy chồng, theo chồng về bản Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai sinh sống.
Chanh phải làm tất cả các công việc mà một cô gái vùng cao nào cũng phải làm khi về nhà chồng: lấy củi, gánh nước, phát rẫy, trồng ngô, nuôi lợn, chăn trâu, gặt lúa, làm cơm lam mang xuống thị trấn Sa Pa bán cho du khách…
“Chúng tôi làm cả ngày vẫn không đủ ăn. Ở đây rất rét, mùa đông rau không sống nổi, trâu bò cũng chết. Sự nghèo đói bủa vây khiến tôi nghĩ rằng mình phải làm gì đó”, Lương Thị Chanh kể lại.
|
Xã Tả Van của Chanh có nhiều nhà mở hình thức du lịch homestay (đón khách về ăn, nghỉ tại nhà, trải nghiệm văn hóa địa phương). Ngay trong bản của Chanh cũng có một nhà làm du lịch khá thành công.
Chanh nghĩ, họ làm được tại sao mình không làm được. Cô thuyết phục chồng, bố mẹ chồng đồng ý rồi tự mình đứng ra vay vốn phụ nữ của xã, vay vốn ngân hàng, được tổng cộng 250 triệu đồng.
“Cả nhà đầu tiên phản đối tôi rất gay gắt, chúng tôi ở vùng sâu vùng xa, quan niệm của mọi người khá khác biệt. Hàng xóm láng giềng nói tôi là “gan to”. Tôi quyết liều”, Chanh nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp. Đó là năm 2013. Homestay Hoa Chanh bắt đầu được hình thành.
tin liên quan
Muôn kiểu homestay ở Việt NamỞ VN, homestay chưa đại trà nhưng gần như tỉnh nào cũng có.
Chanh tự học tiếng Anh, từ chính những năm tháng cô đi bán cơm lam dưới Sa Pa. Chanh tận dụng ngay chính nhà mà gia đình cô đang ở, cô giữ nguyên kiến trúc ngôi nhà cổ (có tuổi đời trên 70 năm), bản sắc dân tộc trong cách bài trí ngôi nhà và toàn bộ sân vườn khoảng 8.000 mét vuông, sau đó thuê thợ làm sáng lại các vách, tường, cột kèo.
Chanh cũng thuê thợ xây dựng thêm một số buồng ngủ, nhà tắm, lắp đặt bình nóng lạnh, mua thêm các vật dụng sinh hoạt như chăn màn, khăn tắm, bàn ghế… Tất cả các thành viên trong gia đình Chanh đều tham gia vào việc làm du lịch như đón khách, hướng dẫn khách cách làm bánh, nấu ăn, cày ruộng, gặt lúa, hái rau, cho lợn ăn...
“Tất cả những công việc quá quen thuộc với đồng bào vùng cao chúng tôi đều là sự mới mẻ, lạ lẫm với những du khách, nhất là khách nước ngoài. Tôi dạy tiếng Anh cho bố mẹ và các thành viên trong nhà để giao tiếp với khách tốt hơn. Công việc của chúng tôi tiến triển hơn từng ngày”, cô gái 26 tuổi chia sẻ.
Đi bộ khắp phố cổ Hà Nội tìm mối khách
Kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Năm 2015, Chanh có bầu đứa con thứ hai, bốn tháng đầu tiên cô bị nghén không thể nhấc người khỏi giường. Không có ai quán xuyến nhà cửa, khách lần lượt bỏ qua homestay nhà Chanh.
Có thời điểm, nhà không còn một vị khách nào. Chanh tuyệt vọng, từng nghĩ đến việc bán đất, bán nhà để trả nợ và quay trở lại làm nông dân. Chính chồng cô là người động viên cô nhiều nhất, Chanh khỏe lại và bắt đầu làm lại.
|
Chanh mặc đúng trang phục dân tộc Giáy, bắt xe khách xuống Hà Nội, tìm đến Phố Cổ, đến tất cả các văn phòng công ty du lịch lữ hành để xin lỗi vì sơ suất vừa qua và khẳng định homestay đã có nhiều đổi mới, cô để lại số điện thoại, email liên lạc để khách dễ dàng liên hệ.
Xong việc tại Hà Nội, Chanh bắt xe trở lại Sa Pa. Tại thị trấn, cô cũng để lại thông tin liên hệ khắp các văn phòng du lịch và cả các tiệm cho thuê xe gắn máy. “Tôi không còn gì cả, một là phải tự mình thử đủ các cách, hai là mất trắng 250 triệu đồng vừa vay mượn, chưa kịp có lãi”, Chanh nói về khoảng thời gian khó khăn.
Quyết tâm của Chanh đã được đền đáp, khách dần dần quay lại. Đến nhà Chanh phần nhiều là khách Hà Lan, Anh, Đức, họ thích cảnh sắc tự nhiên xung quanh và những món ăn dân tộc Giáy do chính bố mẹ Chanh nấu.
|
Theo bà chủ sinh năm 1990, trung bình một tháng Hoa Chanh homestay đón tiếp trên 150 khách, cao điểm lên đến 170 khách/tháng, thu nhập từ 30-50 triệu đồng mỗi tháng.
Cô gái xinh đẹp dân tộc Giáy vẫn chưa dừng lại việc kinh doanh.
Hiện tại, Chanh đang cải tạo lại khoảng sân trước nhà làm nơi uống cafe, ngắm cảnh núi rừng cho khách, đây cũng là điểm nhấn của homestay gia mà Chanh từng ao ước.
tin liên quan
Tự tạo cơ hội: Gầy dựng trại nấm rơm sạchChị Đặng Thị Hồng đã gầy dựng thành công trại nấm rơm sạch đầu tiên ở vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Bình luận (0)