Nắn nót viết thư khích lệ học trò
Chủ nhân của video là Nguyễn Thanh Tú (24 tuổi), giáo viên tại Trường tiểu học Hoàn Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Video được Tú thực hiện tại lớp 5A7 do mình chủ nhiệm. Chia sẻ về ý tưởng, Tú cho hay: "Mình tham khảo một số phương pháp dạy học tích cực và nhận thấy hiện nay đang có nhiều cách khích lệ học sinh khác nhau. Thầy cô đã động viên học sinh trước cả lớp nhiều rồi, nhưng tính cách của các bạn 5A7 thì còn e ngại, rụt rè. Thế là mình thử làm theo cách này và thấy vô cùng hiệu quả".
Học sinh tò mò trước lá thư viết tay của cô giáo
Tú cho biết vào buổi tối trước ngày đến lớp đã dành ra 1 tiếng đồng hồ để lên danh sách học sinh cần được khen thưởng và ngồi nắn nót viết từng mẫu thư nhỏ: "Mình quan sát trong khoảng thời gian ngắn, sau đó vạch ra những điểm tốt, chưa tốt của mỗi em".
Trong video, nét mặt của từng học sinh có sự thay đổi rõ rệt, từ hồi hộp, tò mò cho đến nụ cười hạnh phúc. "Gần cuối tiết học, một số bạn được yêu cầu mang sách vở lên bàn giáo viên để kiểm tra thì mình đặt những mẫu thư tay vào đó. Trở về chỗ ngồi, ai cũng bất ngờ khi thấy tờ giấy nhỏ trong quyển vở. Mình có nói là sẽ khen thưởng cho học sinh có sự tích cực trong học tập, những bạn còn lại nên cố gắng hơn để nhận được... thư viết tay của cô. Từ hôm đấy, học sinh nào cũng tiến bộ hẳn, các em được nhận thư tay có sự thay đổi tích cực theo những lời nhận xét của cô giáo", Tú kể.
Chìa khóa của một lớp học vững mạnh
Theo Tú, vai trò của giáo viên ngày nay không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người kết nối. Và việc khích lệ, động viên học sinh là hết sức cần thiết. Tú bày tỏ: "Dù với người lớn, đó chỉ là một hành động rất đơn giản thôi nhưng mình thấy với những đứa trẻ, việc khích lệ, động viên rất ý nghĩa. Để từ đó, các bạn biết cách phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu của bản thân, trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Sự thấu hiểu, đồng cảm giữa giáo viên và học sinh sẽ là chìa khóa để một lớp học vững mạnh".
Bên cạnh đó, cô giáo gen Z này còn có các ý tưởng tổ chức lớp học tích cực khác. Cách đây khoảng 2 tháng, trong tiết sinh hoạt lớp, Tú nghe học sinh chia sẻ về công việc của bố mẹ. "Các bạn tâm sự rằng ở nhà, có khi phải ăn cơm một mình vì bố mẹ đi làm về rất muộn. Mình cũng giải thích cho các bạn hiểu tính chất công việc của phụ huynh, cho xem video một ngày làm việc từ công nhân để hiểu rõ hơn về nghề nghiệp của bố mẹ. Không ngờ học sinh của 5A7 đã phản ứng rất đáng yêu, có bạn bật khóc nức nở", Tú chia sẻ.
Vào ngày họp phụ huynh, Tú đã trình chiếu video học sinh nắn nót viết thư tay cho bố mẹ. Họ đã khóc khi nhìn thấy những nét chữ chứa đựng đầy tình yêu thương của con mình.
Chị Chu Thị Thanh Huệ (33 tuổi), phụ huynh của Vũ Mạnh Trường, học sinh lớp 5A7, Trường tiểu học Hoàn Sơn, chia sẻ: "Thật sự cảm ơn cô giáo chủ nhiệm. Mạnh Trường rất vui mừng và thích thú khi nhận được thư khích lệ, động viên của cô. Con mang thư về nhà cất cẩn thận, gặp ai cũng khoe là được cô khen. Đó cũng là động lực rất lớn để con tự giác, mạnh dạn, ngoan ngoãn và chăm chỉ học bài hơn".
Tú cho hay: "Mình vẫn còn rất trẻ, cần phải rèn luyện, học hỏi thêm từ nhiều thầy cô đi trước. Và mình nghĩ người giáo viên đừng ngại ngùng đưa ra lời khích lệ học sinh, vì những điều dù là nhỏ nhặt ấy vẫn có thể làm thay đổi nhiều thứ trong một đứa trẻ. Đồng thời việc chia sẻ giữa phụ huynh và giáo viên cũng rất quan trọng. Giáo viên nên đồng hành cùng phụ huynh để theo dõi, chia sẻ quá trình học tập của con, chuyển tải tâm sự từ học sinh vì đôi khi ngại nói hay bố mẹ bận công việc…".
Bình luận (0)