Có hay không sự bùng nổ thị trường NFT

17/09/2022 08:30 GMT+7

Trên thế giới, hiện tượng NFT đang lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực từ sáng tạo đến kinh doanh, giúp hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng kiếm hàng triệu USD từ việc bán NFT. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tạp chí Money và Morning Consult, dù NFT đã bùng nổ và phổ biến từ năm 2021, chỉ 1/4 người Mỹ có thể giải thích chính xác NFT là gì.

NFT là một loại tài sản mã hóa được lưu trữ trên blockchain. Khác với các đồng mã hóa như Bitcoin, mỗi NFT đều là một token độc nhất không thể thay thế (non-fungible), hoán đổi cho nhau. Chính nhờ đặc tính này mà NFT trở thành phương tiện lý tưởng để ghi lại quyền sở hữu của tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm độc nhất, vé sự kiện…

NFT không chỉ xoay quanh game

Nói về tiềm năng của NFT, Changpeng Zhao (CZ) - CEO Binance nhận định: “NFT sẽ tạo ra thời kỳ nghệ thuật Phục Hưng tiếp theo”. Giá trị NFT không chỉ nằm ở khía cạnh tài chính. Nhắc đến NFT, ta phải biết đây là một công cụ tạo cơ hội cho những người sáng tạo thông qua việc lưu trữ bản quyền kỹ thuật số.

NFT đã luôn gắn liền với những câu chuyện về nghệ thuật kỹ thuật số. Năm 2014, lập trình viên Anil Dash và nghệ sĩ Kevin McCoy đồng phát minh ra loại token này với nguyện vọng bảo vệ quyền lợi cho tác phẩm của nghệ sĩ thông qua hình thức giao dịch P2P giữa người mua, người bán mà không cần sự trợ giúp của các đơn vị trung gian như phòng tranh, sàn giao dịch, nhà đấu giá.

Bộ sưu tập tranh trị giá 69 triệu USD của nghệ sĩ Beeple

Đến năm 2021, NFT thực sự bùng nổ trên báo đài chính thống qua tin tức nghệ sĩ Beeple bán bộ sưu tập tranh với giá 69 triệu USD. Dư luận lần đầu biết đến khái niệm NFT nhưng cũng không ít người hoài nghi.

Từ câu chuyện của người sáng tạo nghệ thuật, ở Hàn Quốc, NFT đang góp phần tạo ra "nền kinh tế token", nơi người tiêu thụ sản phẩm có thể trở thành người sản xuất nội dung. Lee Soo Man - Chủ tịch công ty giải trí SM Entertainment cho rằng NFT sẽ tạo cơ hội cho các "prosumer" (consumer + producer) vừa tiêu thụ sản phẩm giải trí, vừa tạo ra giá trị riêng và kiếm lợi nhuận từ đó. Trong bài phát biểu tại Solana Breakpoint 2021, ông cho biết: "Nội dung NFT là nội dung có giá trị lâu dài, chúng không chỉ được tiêu thụ một lần rồi biến mất mà sẽ được sở hữu bởi các prosumer, người sản xuất và những thành phần liên quan". Có thể thấy, ý tưởng về NFT đang được chấp nhận rất nghiêm túc tại những quốc gia có nền kinh tế tiền mã hóa phát triển mạnh như Hàn Quốc.

Thị trường NFT sẽ bùng nổ hay hạ nhiệt?

Theo báo cáo thị trường NFT năm 2021 do NonFungible và L'Atelier BNP Paribas công bố, số lượng người bán NFT tăng 3,669% trong khi số lượng người mua chỉ tăng 2,962%, làm dấy lên lo ngại rằng thị trường có thể bão hòa. Thống kê trên nonfungible.com cho thấy tổng doanh số bán NFT toàn cầu từ ngày 11.9 đã giảm xuống mức thấp nhất ở mức hơn 3 triệu USD, thấp hơn rất nhiều thời điểm đạt đỉnh là hơn 811 triệu USD vào ngày 1.5.2022.

Thị trường NFT đang diễn ra một đợt thanh lọc. Khi đó, điều duy nhất khiến một nhà sưu tập giữ lại NFT đó chính là giá trị thực tế mà NFT mang đến. Người sưu tầm hay người chơi sẽ giữ lại những NFT yêu thích, các NFT theo trào lưu kiếm tiền sẽ bị chốt lời hoặc bán tháo. Từ đó, thị trường sẽ nhận ra giá trị thực của NFT”, ông Phạm Toàn Thắng, CEO Cổng Trời và là Ủy viên Ban Kiểm tra Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ.

Ông Thắng cho rằng nguyên nhân sụt giảm chủ yếu là do NFT được định giá bằng giá coin/token quản trị của blockchain mà chúng được khởi chạy trên đó. Vì vậy, khi thị trường tiền mã hóa đạt đỉnh hoặc lao dốc thì giá NFT cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Ví dụ, một bộ sưu tập NFT trên Ethereum được mua bằng Ether, nghĩa là giá NFT sẽ giảm nếu định giá thị trường ETH giảm. Với dự báo thị trường tiền mã hóa chuẩn bị vào mùa đông kéo dài, xu hướng cắt lỗ cũng kéo theo việc bán tháo NFT để bảo toàn vốn của nhà đầu tư.

Để dự đoán các kịch bản tương lai, chúng ta cần hiểu rõ về công nghệ nền tảng là Blockchain, đóng vai trò như xương sống của NFT. Mục tiêu đằng sau Blockchain là tạo ra một hệ thống tiền tệ phi tập trung mới bằng cách chuyển quyền kiểm soát và ra quyết định từ các thực thể tập trung sang một mạng lưới phân tán”, ông Thắng cho biết thêm.

Trong một khảo sát năm 2022 của Statista, Việt Nam xếp thứ 5 về số người sở hữu NFT trong số 10 quốc gia thuộc danh sách. Con số này cho thấy NFT rất được quan tâm ở Việt Nam nhờ sự bùng nổ của trào lưu Play-to-earn mà tiêu biểu là game Axie Infinity của “kỳ lân” công nghệ Việt Sky Mavis.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.