17 giờ 30 phút, trong căn phòng 16mcủa khoa Ung bướu huyết học -  Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bàn ghế đã được sắp xếp gọn gàng. Tấm bảng trắng được tình nguyện viên (TNV) vẽ sẵn các con vật dễ thương, chuẩn bị bài học tiếng Anh hôm nay. Dù 18 giờ lớp học mới bắt đầu nhưng không ít bạn nhỏ đã háo hức xếp hàng đợi sẵn ngoài cửa.

Bà Lê Thị Vy Linh (40 tuổi, ở Q.Gò Vấp) dùng xe lăn đẩy con gái là N.L.T (9 tuổi) đến lớp học. Cô bé với gương mặt sáng dù đang phải truyền thuốc ở tay nhưng vẫn vui vẻ đến lớp. Gần một tháng nay, vì phải điều trị căn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 3, em không được đến trường.

“Con ham học lắm. Vào BV con cũng đem vở, bài của cô giáo để làm. Nãy có bạn sinh viên đến gọi các bé đến lớp, con bảo: “Mẹ ơi, cho con đi học, ở đây thôi con buồn lắm”. Vào đây thấy bé nào cũng thương, tội quá sức tội. Con học ở trong, tôi đứng ngoài nhìn với cảm giác muốn níu kéo một thứ gì đó. Con thích lớp học lắm vì ở BV chỉ có điện thoại, không có gì để chơi, đi xuống sân lại lo lắng cho bệnh. Khi biết tin con bị bệnh, tôi sốc lắm nhưng khóc cũng hết nước mắt rồi giờ chỉ mong con được vui, thoải mái”, chị bộc bạch.

Các bệnh nhi luôn học say mê và có sự hướng dẫn của cô giáo

Bé N.M.T (10 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) thân hình nhỏ xíu, ngồi trên chiếc ghế cao cuối lớp. Bé không thể ngồi thấp như các bạn vì bụng đeo một chiếc máy thải sắt, mỗi tháng em phải vào BV một lần để kiểm tra và truyền máu. Bé hồn nhiên kể chuyện với bà Lê Thị Mai (49 tuổi, chủ nhiệm CLB Nét Chữ Xinh) nhưng mắt vẫn không rời quan sát những dòng chữ theo cùng cô và các bạn. Bà Mai là người đã mở ra lớp học đặc biệt này.

“Con đã vào BV từ hồi mới 3 tháng tuổi, cô Mai dạy con và các bạn rất nhiều thứ. Hễ mở lớp là con đến vì rất vui, từ đợt dịch Covid-19 cô cũng đến đây thăm tụi con”, bé chia sẻ.

Lớp học đặc biệt này tên là Funny Class. Lớp được triển khai thực hiện từ tháng 9.2017. Ba tháng sau, bằng nỗ lực của bà Mai, các TNV và sự hỗ trợ của mạnh thường quân, lớp học chính thức được BV công nhận. Bà lấy ngày 23.12.2017 cũng là ngày thành lập lớp học.

Gọi là lớp học nhưng học sinh đến từ các độ tuổi khác nhau, từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2. Điểm chung ở các bé đều xem BV là nhà, có phác đồ điều trị lâu dài nên không thể đến trường. Mỗi năm, lớp học đặc biệt này tiếp nhận khoảng 400 - 600 bệnh nhi.

Bà Mai và TNV ân cần chỉ các bé học

“Khi điều trị tại đây, ngoài giờ tiêm thuốc các con không có gì chơi ngoài điện thoại. Nhiều lúc các con buồn, đôi khi không hợp tác điều trị, nên tôi muốn tạo một sân chơi để các con được vui vẻ, giải tỏa áp lực tâm lý. Đây cũng là nơi tôi được chia sẻ yêu thương và cống hiến cho xã hội. Tôi không thể dự đoán được tình hình bệnh của các con chuẩn xác nhưng tôi luôn cố gắng để các con thấy vui, thoải mái nhất”, bà Mai nói.

Những ngày đầu, khi mở lớp nhiều người không tin bà có thể làm được. Nhưng may mắn, bà nhận được sự hỗ trợ của các y, bác sỹ, điều dưỡng trưởng, nhân viên y tế khoa Ung bướu huyết học và sự đóng góp kinh phí từ bạn bè, công sức của các bạn TNV, lớp học được ra đời.

Thầy cô ở lớp là các bạn TNV, sinh viên từ nhiều trường đại học. Các bé nhỏ xíu thích thú với tập tô, nhận biết màu sắc. Các bé cấp 1, cấp 2 được thầy cô chỉ bảo từng phép toán, con chữ.

“Lớp học vui vẻ” diễn ra mỗi tối thứ 4 và 6 hàng tuần. Riêng ngày thứ 7 và chủ nhật, bà Mai tổ chức các buổi sinh hoạt chung, dạy các em học kỹ năng cơ bản, học vẽ và ca hát. Lớp học đã mang đến tiếng cười cho các em, không khí luôn trở nên ấm cúng, thân thương.

Bà Trần Thị Phước Châu (49 tuổi, TNV của lớp) chia sẻ: “Tôi thấy lớp học rất ý nghĩa vì tôi đã từng có con nằm ở BV nên hiểu được cảm giác buồn chán của con khi phải ở trên giường bệnh thường xuyên. Một tuần có vài buổi học, buổi sinh hoạt tập thể giúp các bé có nơi ôn tập và giao lưu với các bạn cùng trang lứa. Tôi mừng vì mình góp phần đem thêm niềm vui đến cho các bé”.

Chặng đường gắn bó với lớp học, với các bé, bà Mai cũng trải qua nhiều thăng trầm. Có những thời điểm không có TNV, bà Mai phải một mình đứng lớp. Bà luôn xác định dù công việc tình nguyện nhưng phải có trách nhiệm làm tốt mọi việc, có giáo án phù hợp và đặt sức khỏe của các bé lên hàng đầu.

Dạy học cho các trẻ em khỏe mạnh đã khó, việc dạy các bệnh nhi ung thư lại không phải là điều dễ dàng. Trong giờ học, xen lẫn tiếng đọc bài của các em là tiếng các cô điều dưỡng, phụ huynh gọi con đi truyền thuốc, khám bệnh nên việc học thường bị gián đoạn. Có bé hâm hấp sốt vẫn muốn đến lớp nên chóng mệt, bà và mọi người phải để ý cảm xúc, sức khỏe, hỗ trợ kịp lúc và duy trì tốt thời lượng học.

“Có những bé khi học mang cả cây truyền vào lớp, tôi phải học từ nhân viên y tế khoa, các phụ huynh và từ cả các con để biết truyền thuốc còn bao lâu, loại nào bao nhiêu giây một giọt. Quan sát thấy con khó chịu phải hiểu con cần gì, động viên để các con đến lớp được thoải mái nhất”, bà chia sẻ.

Trong lúc bà Mai dạy các bé, tôi để ý thấy bà vẽ rất đẹp. Có bé ngỏ ý muốn vẽ con chim, một cành hoa để tập tô, bà cầm bút chỉ đưa vài nét đã hoàn thành. Bức tranh khiến bé vô cùng thích thú, xen lẫn đó là ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Hóa ra công việc chính của bà Mai là thiết kế thời trang.

Khi được hỏi “Vì sao chị hướng công việc thiện nguyện của mình tới các bệnh nhi ung thư?”. Bà cười và chia sẻ bằng những lời chân thành.

Các bé có thêm niềm vui khi đến lớp học

“Tôi tham gia các hoạt động thiện nguyện từ năm 2011. Tôi đã đến các mái ấm nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn, gặp các hoàn cảnh bất hạnh ngoài xã hội. Tôi nghĩ họ vẫn còn có cơ hội được sống, được thay đổi cuộc đời. Tôi chứng kiến những người nằm đó không nhận thức, chỉ để người ta cho ăn, nuôi dưỡng. Tôi thấy mình bất lực, những nơi đó sẽ cần nhiều kinh phí và sự chăm sóc nhưng tôi không thể làm hay giúp được nhiều. Những bệnh nhi ung thư thiệt thòi hơn vì cơ hội gần như rất ít. Nhiều bé đến lớp nhưng sau đó phải chia tay vì không qua khỏi. Tôi nuối tiếc vì những ước muốn dang dở đó nên dành hết sức cho các con”, bà nói.

Ngoài lớp học, CLB Nét Chữ Xinh của bà Mai còn thực hiện nhiều hoạt động khác như: chương trình sinh nhật các bé bệnh nhi, kết nối MTQ hỗ trợ kinh phí và viện phí cho bệnh nhi nghèo, thành lập “Bếp Sẻ Chia”, chuyến xe yêu thương 0 đồng giúp bệnh nhi kịp về nhà hay lo chi phí chôn cất, hỏa táng cho các bé đã mất mà gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM và Nhi đồng TP.HCM, phối hợp MTQ cùng phòng Công tác xã hội BV tổ chức những chuyến xe để thân nhân và bệnh nhi về quê đón Tết…

Lớp học vào thứ 4 và thứ 6, cuối tuần có các hoạt động giải trí khác

Trên hành trình thiện nguyện này, ngoài sự yêu mến của các bé, sự tín nhiệm của MTQ và các bạn TNV, với bà điều may mắn lớn nhất là sự ủng hộ từ gia đình.

Chồng và 2 con trai luôn là hậu phương vững chắc, thường hỗ trợ công tác chuẩn bị cho các hoạt động, hỗ trợ mở lớp, phát quà cho các bé và đỡ đần việc nhà. Thời gian làm việc tự do, bà luôn cố gắng phân bổ hợp lý để đến lớp không bị phân tâm, tập trung dành thời gian cho các bệnh nhi.

“Cũng như bao người làm tình nguyện khác, mọi người đến vùng sâu, vùng xa, gặp các hoàn cảnh khó khăn thì tôi đến BV, đến với bệnh nhi ung thư. Công việc này phù hợp với sức khỏe tôi hơn. Tôi không bao giờ nghĩ về mệt mỏi vì nó không là gì so với các con và đội ngũ nhân viên y tế ở đây. Trong môi trường khá ảm đạm với nhiều kỷ niệm vui buồn nhưng ngôi nhà chung Ung bướu huyết học cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Thấy sự kiên cường của các con và phụ huynh tôi thấy cuộc sống mình nhẹ nhàng, thiện lành hơn”, bà tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Lương (27 tuổi, quê ở Nghệ An) thường xuyên đưa con gái đến lớp học. Từ khi biết con bị u mạch bạch huyết và u máu trực tràng, vợ chồng chị chuyển vào TP.Thủ Đức làm công nhân để tiện cho việc điều trị. Ngoài việc con có chỗ vui chơi, học tập chị cũng nhận được những lời động viên, hỏi thăm từ bà Mai và các TNV, giúp chị có thêm nghị lực đồng hành cùng con.

“Con thấy các cô sắp bàn ghế là tự động đến luôn không cần mẹ phải nhắc. Các cô rất nhiệt tình, cứ nhắc con tham gia cho đỡ buồn. Vì bị bệnh nên từ nhỏ đến giờ con không được đi học. Đến đây có cô Mai, có bạn bè, con thích lắm. Mỗi lần gặp cô Mai, cô đều hỏi thăm, tôi thấy đỡ buồn, có thêm tinh thần chiến đấu dù biết chặng đường phía trước không hề dễ dàng gì”, chị xúc động rơi nước mắt.

Chị Nguyễn Nhật Hà (27 tuổi, phụ trách lớp học) là người đồng hành cùng bà Mai từ những ngày đầu.

Lớp học giúp các bé có thêm tinh thần khi phải điều trị dài ngày

“Từ lúc còn là sinh viên đến giờ có rất nhiều yếu tố chi phối nhưng mình vẫn cố gắng ở lại lớp học và tham gia các hoạt động khác của CLB Nét Chữ Xinh. Gặp các bé, mình được dạy rất nhiều bài học về sự yêu thương, tinh thần lạc quan và sự vô thường của cuộc sống. Mình thấy vui vì các bé dù chịu nhiều đau đớn nhưng vẫn tham gia lớp học, rất tự giác và nhiệt tình”, chị bày tỏ.

Nói về bà Mai, chị dùng từ can đảm. Bởi lẽ, để xây dựng và duy trì được lớp học này không phải là điều dễ dàng. “Chị Mai như người mẹ thứ hai của tụi mình, luôn che chắn trước sau, là người giúp cho tụi mình có nhiều bài học về tinh thần, trách nhiệm trong việc làm thiện nguyện. Đối với các bé, chị Mai là một “cô hiệu trưởng” giàu lòng yêu thương” chị Hà bày tỏ.

Cũng là một người mẹ, bà đồng cảm được và hiểu hầu hết nỗi đau, hoàn cảnh của những phụ huynh có con không may mắc bệnh ung thư. Bà biết có những người nghe tin con mắc bệnh hiểm nghèo, mọi hi vọng, niềm tin về cuộc sống gần như sụp đổ.

Con vào lớp, phụ huynh đứng ở ngoài cửa chăm chú nhìn vào với ánh mắt đầy hi vọng, thương yêu. Bởi vậy, ngoài việc dạy cho các bé, bà luôn động viên tinh thần, nhắn nhủ họ vững tin đối mặt với khó khăn.

“Niềm vui của phụ huynh là thấy con được khỏe mạnh, hồn nhiên vui chơi. Tôi cũng nhìn vào đó để nỗ lực, trách nhiệm hơn với lớp học và bệnh nhi ung thư. Những bé lần đầu đến lớp có chút e ngại, phụ huynh muốn ngồi cạnh bên để trấn an thì tôi luôn động viên ba mẹ hãy yên tâm để con hòa mình vào lớp học, tôi và các cô sẽ quan tâm để lớp học ở BV không khác gì lớp học ở trường” bà nói.

Trước khi đến với bệnh nhi ung thư, bà luôn bận rộn với công việc, với gia đình. Sau này, dành nhiều thời gian hơn cho các bé, bà thấy cuộc sống như chậm lại và quên hết mọi lo toan xung quanh. Bà luôn mong có đủ sức khỏe và ý chí để đi tiếp con đường này.

“Tôi sẽ cố gắng kiếm nhiều tiền hơn nữa, không nhất thiết phải lao tâm, khổ trí nhưng cố gắng nỗ lực mỗi ngày để lo cho gia đình và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Chứng kiến nhiều giây phút các bé chiến đấu và kiên cường để vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết, tôi hiểu điều gì là trân quý nhất trong cuộc sống. Trở về nhà sau khi đến với các con, tôi thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tôi lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh và cư xử chân thành, tích cực hơn”, bà tâm sự.

Ngày 20.10 hoặc bất kỳ ngày lễ nào trong năm, bà Mai cũng đến lớp, tổ chức các hoạt động vui chơi, dạy cho các bé hiểu và biết ý nghĩa của các ngày lễ. Bà cùng mọi người dạy các bé làm thiệp, làm hoa để tặng mẹ, tặng y, bác sĩ tại khoa.

Với bà, đây cũng là cách để các con biết yêu thương, phụ huynh có thêm niềm vui và động lực trong hành trình cố gắng cùng con.

“Tôi vẫn nhớ có lần một cậu bé trong lớp nắn nót viết thiệp làm hoa. Lúc giở tấm thiệp tôi không khỏi nghẹn ngào vì lời chúc không dành cho mẹ. Mọi yêu thương con dồn cho ba bởi lý do đơn giản: con không còn mẹ. Các con có nhiều hoàn cảnh khác nhau, có bé chỉ còn mỗi ba, mỗi mẹ, mỗi ông bà. Có con đến lớp nhưng sau không quay lại tôi cứ nghĩ tích cực là bé đã vượt qua được và đến trường. Đôi khi tôi thấy hụt hẫng vì mới gặp con đó thôi nhưng sau đã nhận tin con mất hoặc tôi là người gọi xe để đưa con về. Có lúc tôi thấy nản vì làm hoài nhưng không giúp các con ở lại lâu. Tuy nhiên, tôi thường nghĩ lại sẽ dành cơ hội đó bù đắp thêm cho các con khác”, chị xúc động nói.

Cũng vì những chiến binh “chưa mọc tóc”, bà nuôi và kêu gọi mọi người cùng hiến tóc và làm tóc giả tặng các bạn nhỏ.

“Nhờ các con tôi có thay đổi lớn về nhiều suy nghĩ trong cuộc sống, học được rất nhiều điều trong công việc thiện nguyện. Tôi thấy công việc này xứng đáng với khoảng thời gian tôi bỏ ra. Tôi muốn làm những thứ dù nhỏ nhặt nhưng có giá trị cho các con. Cuộc sống mình may mắn, không giàu có nhưng ổn hơn rất nhiều so với các con nên càng cần phấn đấu hơn để san sẻ yêu thương chứ không phải chỉ sống riêng cho bản thân mình”, bà chia sẻ.

Các TNV trực tiếp dạy các bé trong lớp học

Bà Mai mong muốn được lan tỏa, kết nối để mọi người cùng chung tay hỗ trợ bệnh nhi ung thư. Dù không thể đoán trước được tình hình bệnh của các bé, bà vẫn đang thực hiện dự án “Tương lai xanh” giúp các em tự tin, vững bước vào đời.

Đây là dự án dành cho các bệnh nhi sau điều trị, có hoàn cảnh khó khăn trên 15 tuổi với mong muốn các em thực hiện ước mơ và có công việc phù hợp.

“Tôi mong nhận được sự kết nối và hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, cùng chung sức để có thể giúp đỡ trực tiếp cho các con, hoặc gián tiếp qua dự án của CLB Nét Chữ Xinh. Hy vọng nếu đủ duyên với bệnh nhi ung thư mọi người sẽ cố gắng hỗ trợ lâu dài, trọn vẹn để giúp các con có được một nghề nghiệp ổn định cho cuộc sống của mình”, bà bày tỏ.

Báo Thanh Niên
28.10.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.