VN là quốc gia đầu tiên ngoài khối mà Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế nhận định, hàng hóa VN có nhiều cơ hội lớn tại thị trường này trong thời gian tới.
Nhiều cơ hội cho hàng dệt may VN tại liên minh 5 nước - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), sau FTA giữa VN - Hàn Quốc, FTA giữa VN và Liên minh kinh tế Á - Âu được ký kết vào ngày 29.5 đã mở ra nhiều cơ hội, kỳ vọng cho hàng hóa VN tại thị trường lớn này. Đặc biệt, trong liên minh 5 nước có thị trường lớn là Nga, quốc gia cũng chỉ mới tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2012, thuế đánh vào hàng hóa các nước vào thị trường này đang giảm hoặc loại bỏ theo lộ trình gia nhập WTO.
Chưa có sản phẩm của quốc gia nào được hưởng chính sách ưu đãi từ FTA của liên minh này ngoài VN.
Cơ hội vàng cho thủy sản, dệt may, da giày
Ông Nguyễn Công Thành, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Linh Chi (Sago), trụ sở chính đặt tại Hungary, cho biết có hai lợi thế cho hàng hóa VN ở thị trường Nga là nhu cầu hàng tiêu dùng cực lớn và người tiêu dùng Nga là người có tiền. “Người Nga ngày nay có khả năng cao về tài chính và rất chịu chi. Thị trường này đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho những doanh nghiệp (DN) Việt muốn mở rộng thị trường”, ông Thành nhấn mạnh.
Các sản phẩm tiêu dùng như dệt may, da giày, thủy sản của VN sẽ có nhiều cơ hội khi 90% dòng thuế của các nhóm hàng này được cắt giảm về 0%. Ông Nguyễn Huy Phương, doanh nhân chuyên xuất khẩu nhiều hàng thực phẩm sang Nga, nhận định: “Nói là thị trường liên minh 5 nước, nhưng chính vẫn là thị trường Nga, là thị trường lớn đầu mối mà các nhà sản xuất VN đang nhòm ngó. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hàng thủy sản VN vào Nga vẫn luôn gặp khó khăn do vướng mắc nhiều về thuế và thủ tục hải quan. Theo tôi, với mức thuế suất từ 10% giảm xuống 0% và hàng rào hải quan được tháo dỡ, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản sang Nga sẽ tăng, dự kiến của anh em trong ngành là tăng ít nhất 20% trong năm nay”. Còn theo thông tin từ Công ty thủy sản Hùng Vương, DN này đã có kế hoạch liên doanh đầu tư 30 triệu USD để xây dựng kho lạnh và nhà máy chế biến tại thị trường này.
Với hàng dệt may, theo Tập đoàn dệt may VN (Vinatex), trung bình mỗi năm, liên minh 5 nước này chi khoảng 17 tỉ USD để nhập khẩu hàng dệt may từ VN. Các DN sản xuất xuất khẩu hàng dệt may dự báo kim ngạch hàng dệt may giữa hai bên sẽ tăng đột biến 50% ngay sau khi FTA này có hiệu lực và tiếp tục tăng 20% trong những năm sau. Các chuyên gia dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may VN dự kiến tăng từ 700 triệu USD lên 1 tỉ USD trong vài năm tới tại thị trường này.
Ngoài ra, thị trường Nga rất ưa chuộng sản phẩm nhập từ châu Á do giá rẻ, phong phú chủng loại… Lợi thế nữa là VN - Nga có mối quan hệ lâu đời giữa hai nước, cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại Nga khá đông. Một số mặt hàng dệt may, theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, là cơ hội cho DN Việt như hàng thời trang dành cho giới trẻ, hàng mỹ phẩm, quần áo trẻ em…
Người Nga dần khó tính hơn
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Thành, điều cần lưu ý là thị trường Nga hiện không còn là thị trường dễ tính như trước đây nữa, bởi người Nga bắt đầu có xu hướng tiêu dùng cao cấp hơn. “Vì vậy, nếu cứ nghĩ rằng Nga là thị trường dễ tính, làm ăn hời hợt theo cách nghĩ đó, DN Việt dù có lợi thế đi trước nhưng coi chừng sẽ là người về sau”, ông Thành lưu ý.
Ông Thành cũng cảnh báo đối thủ cạnh tranh lớn của hàng thời trang Việt tại thị trường lớn này là Trung Quốc. “Tôi nghĩ DN dệt may nên chọn những dòng sản phẩm là thế mạnh của mình. Chẳng hạn, quần áo trẻ em may từ sợi tổng hợp, có thời hạn sử dụng lâu dài, không bị yếu tố thời gian ảnh hưởng như hàng thời trang. Ngoài ra, các loại dép ấm sử dụng trong nhà tại thị trường này có nhu cầu rất cao”, ông Thành đề xuất.
Đại diện một DN xuất khẩu thực phẩm đông lạnh sang Nga từng bị trả lại hàng do không đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết: “Năm ngoái, một phái đoàn từ Nga đến làm việc với nhiều DN sản xuất thịt của VN để tìm thị trường nhập khẩu thay thế Thái Lan và các nước Âu châu, nhưng phía Nga yêu cầu quá khắt khe về kiểm dịch, thú y… nên hầu hết các DN VN không đáp ứng được”. Đó là một ví dụ nữa về sự khó tính đang tăng lên của thị trường này.
Nông sản Việt cũng có cơ hội tại thị trường lớn này. Phát biểu gần đây của Đại sứ Nga tại VN, ông Vnukov Konstantin Vasilievich, nhận định không có nước nào thay thế được các mặt hàng hoa quả VN sang Nga. Ông Nguyễn Huy Phương cho biết: “Người Nga hay nói đến VN chỉ có gạo như nông sản chính, nhưng theo tôi, DN các ngành hàng nông sản khác như sữa, nước trái cây cần tìm kiểu kỹ hơn thị trường này”. Còn theo ông Thành, các DN sản xuất cà phê, trà, tiêu, hạt điều… nên nhanh chóng xúc tiến việc tìm hiểu thị trường Nga.
Kim ngạch xuất khẩu sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18 - 20% hằng năm
Liên minh kinh tế Á - Âu dành cho VN nhiều ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng VN có lợi ích cơ bản như thủy sản, nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. Phía VN mở cửa thị trường có lộ trình cho liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải...
Theo đánh giá bước đầu của liên minh, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỉ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỉ USD). Theo ước tính của VN, kim ngạch xuất khẩu của VN sang liên minh sẽ tăng khoảng 18 - 20% hằng năm. (Theo Baodientu.chinhphu.vn)
|
Bình luận (0)