Sau mấy năm tiến hành cải cách dân chủ và mở cửa thị trường, Myanmar ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, những nét văn hóa trước nay xa lạ với người dân nước này đang dần xuất hiện cùng làn sóng đầu tư và du lịch. Trong đó, các chuỗi quán cà phê, trà “thời thượng” đang làm mưa làm gió ở nhiều nước ASEAN cũng đang nở rộ tại đây. Đây là cơ hội cho VN, quốc gia xuất khẩu cà phê thuộc hàng lớn nhất thế giới, tiến vào thị trường Myanmar.
Những ông lớn nhanh chân
Hồi tháng 3, thương hiệu Gloria Jean’s Coffees (Úc) đã mở cửa hàng đầu tiên tại Myanmar Plaza, khu phức hợp thương mại lớn được xây dựng bởi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Yangon. Vào ngày thường, tiệm cà phê này luôn có khách là người địa phương làm việc cho các công ty nước ngoài trong cùng khu phức hợp văn phòng. Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời một nhân viên cho biết trung bình mỗi ngày quán đón khoảng 100 khách và món thu hút nhất là cà phê chocolate giá 4.800 kyat (khoảng 90.000 đồng)/ly. Gloria Jean’s Coffees dự định sẽ mở khoảng 8 chi nhánh ở Myanmar thông qua Công ty Seezar Soesan, đối tác nhượng quyền thương hiệu địa phương.
Từ cuối năm ngoái, nhiều chuỗi cà phê, trà nước ngoài cũng đã đổ về Myanmar như Black Canyon Coffee và True Coffee từ Thái Lan, trà sữa Gong Cha và Chatime của Đài Loan đi cùng làn sóng xây dựng các khu phức hợp thương mại lớn tại nhiều thành phố. Theo Nikkei Asian Review, chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ dự định sẽ vào Myanmar thông qua một đối tác Thái Lan.
Dù giá trung bình của một ly cà phê “sang” ở Myanmar hiện nay đắt gấp 10 - 20 lần so với ở các quán cóc lề đường, loại hình mới này vẫn thu hút rất mạnh, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài chất lượng và hương vị, nhiều người xem đây là biểu hiện cho lối sống mới thời mở cửa và nền kinh tế đang phát triển mạnh của nước này.
Cơ hội cho cà phê Việt
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Tran, Tổng giám đốc phụ trách khu vực ASEAN - Thái Bình Dương và Mỹ của Tập đoàn tư vấn Robenny (Canada), người Myanmar, Malaysia và Singapore thực tế rất thích vị cà phê VN. Tuy nhiên, các cuộc “viễn chinh” của cà phê Việt đến các thị trường này đến nay chưa thành công như mong đợi. Hiện tại, chuỗi cà phê Trung Nguyên của VN có khoảng 2.500 chi nhánh, con số lớn nhất so với các nhà đầu tư nhà hàng và cà phê khác ở Đông Nam Á, song cũng chưa thấy hiện diện ở Myanmar.
Chuỗi cà phê thức uống Passio, thương hiệu có mặt tại VN từ 10 năm nay, đang ráo riết tìm nhà đầu tư mua nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Myanmar. Giám đốc điều hành Passio Nguyễn Văn Quỳnh cho biết: “Myanmar là thị trường mới mở, nhưng quan trọng trong chiến lược mở rộng ra thị trường khu vực ASEAN của công ty. Kế hoạch năm nay của công ty là vẫn ưu tiên mở rộng sang một số thị trường mới như Myanmar. Thời gian ký kết cho hợp tác đầu tư lần 1 khoảng 2 năm, chi phí cho mua nhượng quyền ra nước ngoài với thương hiệu Passio tầm 50.000 USD”.
Về câu hỏi thương hiệu cà phê VN nào có thể tham gia nhượng quyền vào thị trường Myanmar tốt nhất, ông Robert Tran nhận định: “Trung Nguyên, Coffee Highland, Passio, House Coffee... đều có thể”. Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng là cần tìm các nhà nhượng quyền giỏi để nhượng quyền ra nước ngoài nếu chưa có nhiều kinh nghiệm.
“Thị trường nước ngoài cần sự chuẩn hóa rất cao. Myanmar tuy là thị trường mới mở nhưng cách làm của họ khá bài bản và chuyên nghiệp. Chính chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ cũng phải nhờ qua một nhà nhượng quyền trong khu vực để vào thị trường này. Chiến lược tự thân vận động sẽ khiến chúng ta chậm mất nhiều bước, theo đó, cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn đầu cũng mất đi”, ông nhấn mạnh.
Mỹ nới lỏng trừng phạt Myanmar để đẩy mạnh làm ăn
Chính phủ Mỹ hôm qua cho hay sẽ tiếp tục nới lỏng những biện pháp trừng phạt đối với Myanmar nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại đây. Theo tờ The Wall Street Journal, thông tin chi tiết sẽ sớm được thông báo cho quốc hội và báo giới trước khi có tuyên bố chính thức. Ông Myles Caggins, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, đánh giá Myanmar đã “đạt đến cột mốc lịch sử” sau cuộc bầu cử vào năm ngoái và quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo diễn ra một cách dân chủ, hòa bình và minh bạch. Hồi năm 2012, Mỹ bắt đầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt Myanmar nhưng vẫn còn nhiều quy định cản trở người Mỹ làm ăn với doanh nghiệp thuộc quân đội và các doanh nhân thân cận với chính quyền trước đây.
Khang Huy
|
Bình luận (0)