Cơ hội nào cho sinh viên chuyên ngành kinh tế trong công ty công nghệ?

Kim Lan
Kim Lan
15/11/2018 10:00 GMT+7

Sinh viên chuyên ngành kinh tế nhưng bước vào các Start up công nghệ thì cần trang bị những kĩ năng gì ?

Thực ra, các công ty công nghệ không thể hoạt động với chỉ gồm lập trình viên hay kỹ sư phần mềm. Những nhân tố khác không thể thiếu là marketing, sản phẩm, nhân sự… mà đa phần đều không có chuyên môn trực tiếp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Mục đích cuối của công nghệ vẫn là người dùng
“Tôi chưa bao giờ là một người giỏi về công nghệ nhưng tôi chắc chắn có thể giúp các công ty công nghệ thành công”, ông Lê Xuân Nguyên, Giám đốc cấp cao, khối Phát triển Kinh doanh Dịch vụ đám mây (Cloud Services) của VNG, nói.
Mới nghe qua tưởng vô lý nhưng đó lại là sự thật. Suy cho cùng, đích đến của một sản phẩm công nghệ vẫn là người dùng. Và vì vậy, người thấu hiểu khách hàng nhất mới có thể đưa ra thị trường sản phẩm tối ưu nhất.
Ông Nguyên đưa ra lời khuyên “Thay vì nghĩ sẽ làm cho công ty nào thì hãy nghĩ mình đang và sẽ phục vụ cho khách hàng nào của công ty”.
start_up_cong_nghe
Ông Lê Xuân Nguyên chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo Break into Tech World: No Coding Required! Ảnh: Đào Hải
Có gì thú vị trong các công ty công nghệ?
Hiện nay, đa số các bạn trẻ học chuyên ngành về kinh tế, ngoại thương, marketing... lại không nghĩ rằng chính các công ty công nghệ đang và sẽ là mảnh đất mới, hứa hẹn nhiều cơ hội cho những người trẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, giám đốc marketing của Haravan, cho biết "sự thử thách" là một trong những điều lôi cuốn ông nhất trong những năm làm nghề.
“Là một start up công nghệ trong một thị trường sôi động, để phát triển và đứng vững luôn là thử thách;việc phát triển 100%, 200% hay thậm chí là 300% mỗi năm là con số phải đạt được. Khi nhu cầu phát triển kinh doanh đã như vậy thì đòi hỏi người làm Marketing phải luôn trong tư thế chạy đua", ông Tấn cho biết.
Cùng suy nghĩ, chị Nguyễn Bảo Ngọc, Quản lý mảng Business Intelligence của Lazada, chia sẻ: Bản chất đặc thù của ngành công nghệ chính là sự đổi mới. Tốc độ thay đổi rất nhanh, ngủ dậy sau một đêm mọi thứ đã khác”.
start_up_cong_nghe
Các chuyên gia cùng chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo Break into Tech World: No Coding Required! Ảnh: Đào Hải
Những kỹ năng ở đâu cũng cần
Bản chất thay đổi không ngừng của công nghệ khiến yếu tố kinh nghiệm không phải là yếu tố hàng đầu và điều kiện bắt buộc mà những nhà tuyển dụng trong các công ty công nghệ hướng tới. Họ thích đánh giá thái độ, cách nhìn nhận, cách tư duy về các vấn đề mới của các ứng viên.
Một trong số đó có thể kể tới là Tư duy phát triển (growth mindset), Tư duy chất vấn (questioning mindset) và Tư duy trải nghiệm (experience mindset).
"Nói đơn giản, đó là kỹ năng nhìn thấy cơ hội học hỏi ở khắp nơi; kỹ năng đặt câu hỏi 'tại sao' và kỹ năng nhìn nhận những gì đã trải qua", bà Trần Xuân Ngọc Thảo, một chuyên gia tuyển dụng của VNG, lý giải.
Đam mê không thể thiếu
Và một điều không thể thiếu đó chính là sự đam mê. Nếu bạn yêu mến sản phẩm công nghệ và hiểu được ý nghĩa mà sản phẩm mình đang góp sức xây dựng, bạn sẽ có đủ mọi động lực.
Ông Đặng Ngọc Hoàng, chuyên viên phát triển sản phẩm của công ty Zion, cho biết ông cảm thấy rất vui khi sản phẩm của công ty giúp cho những người mẹ ngồi nhà đóng tiền điện, tiền nước, thanh toán các hóa đơn... chỉ thông qua 1 ứng dụng.
Các công ty công nghệ thật sự là một sân chơi năng động và đầy hứa hẹn cho các bạn sinh viên chuyên ngành kinh tế.
Break into Tech World: No Coding Required! là một hội thảo do VNG phối hợp cùng Câu lạc bộ ACTIONClub (ĐH Ngoại thương) và Mar Group (ĐH Kinh tế tổ chức), dành cho các bạn sinh viên chuyên ngành kinh tế. Hội thảo diễn ra ngày 10.11 tại Dreamplex Auditorium.
Khách mời là các diễn giả đến từ các Start up công nghệ như VNG, Haravan, Lazada. Buổi hội thảo đã thu hút gần 300 sinh viên từ các trường đại học Kinh tế, Ngoại thương, Hoa Sen, RMIT…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.