Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức tại tỉnh Bình Thuận vào chiều qua 16.3, học sinh hỏi nhiều đến những ngành nghề liên quan khối xã hội - nhân văn.
|
Làm gì nếu học ngành triết ?
Một học sinh Trường THPT Phan Thiết thắc mắc: “Em nghe nói rất ít người theo học ngành triết học. Vì sao như vậy? Nếu học ngành này, cơ hội việc làm có cao không?”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết: “Triết học là một trong những môn học bắt buộc được giảng dạy trong phần đại cương đối với các trường ĐH, CĐ. Nếu liên hệ kiến thức triết học với thực tế được thì đây sẽ là môn học rất thiết thực và thú vị. Một số trường có đào tạo ngành triết học. Sinh viên ra trường có thể tham gia giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, trường chính trị hoặc có thể làm trợ lý cho lãnh đạo, ban lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp...”.
Huỳnh Thị Mỹ Phụng, học sinh Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, đặt câu hỏi: “Em muốn học ngành luật. Em chỉ cần khả năng học bài, lập luận sắc bén hay chỉ lòng nhiệt huyết, say mê, yêu thích ngành học?”. Tiến sĩ Trần Thanh Long, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), tư vấn: Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần lòng nhiệt huyết, đam mê. Riêng ngành luật, đặc thù của ngành là cần đọc nhiều, suy luận nhiều. Học luật kinh tế vẫn có thể làm tại tòa án, viện kiểm sát, UBND tỉnh, bộ phận pháp chế các cơ quan nhà nước hoặc phòng tổ chức chuyên về nhân sự, lao động của Sở LĐ-TB-XH...
|
Trả lời thắc mắc của một học sinh về ngành thư ký văn phòng, tiến sĩ Trần Mạnh Thành cho biết sinh viên học ngành này được trang bị kỹ năng làm các công việc: quản lý các loại văn bản, giấy tờ, hồ sơ, lập kế hoạch cho lãnh đạo và theo dõi thực hiện kế hoạch, tham gia tổ chức sự kiện của cơ quan, tổ chức chuyến đi công tác cho lãnh đạo và người có liên quan trong cơ quan, doanh nghiệp... Các công việc có thể làm khi học ngành này là cán bộ văn thư tại cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, thư ký giám đốc. Nhiều người có thể làm sang lĩnh vực khác như tổ chức sự kiện.
Tinh giản biên chế có ảnh hưởng đến việc làm những năm tới ?
Một học sinh từ tỉnh Ninh Thuận đặt câu hỏi qua đường dây nóng: “Theo đề án của Bộ Nội vụ, 4 năm nữa sẽ tinh giản rất nhiều biên chế, vậy 4 năm nữa em học ra trường có việc làm không?”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết: “Bình Thuận và Ninh Thuận đều có rất nhiều resort quốc tế nhưng phần lớn resort đang do người tỉnh khác hoặc người nước ngoài quản lý. Đây là cơ hội cho học sinh về làm việc tại địa phương. Các em chỉ cần cố gắng học giỏi để thay thế quản lý các resort này. Chưa kể, trong tỉnh còn rất nhiều ngành nghề cần nhân lực trong các năm tới. Ngoài ra, đề án của Bộ Nội vụ chỉ liên quan đến biên chế tại cơ quan nhà nước, các em không phải lo lắng nhiều”.
Trả lời câu hỏi của một học sinh về việc học ngành gì bổ trợ tốt cho việc bán gạo sau này, PGS-TS Phạm Văn Hiền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, giải đáp: “Em có thể học ngành kinh doanh nông nghiệp hoặc kinh doanh thương mại. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lúa gạo đứng 2 thế giới, hằng năm xuất khẩu hàng triệu tấn gạo. Học các ngành này có thể kinh doanh từ khâu sản xuất đến kênh tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu ra nước ngoài”.
Nguyễn Minh Phú, học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh, đặt câu hỏi: “Nhà em kinh doanh hải sản, các thầy cô tư vấn giúp em học xong em nên làm ở nhà hay các doanh nghiệp bên ngoài?”. Thầy Châu Minh Quý, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, tư vấn: “Các trường đào tạo hướng đến cung cấp tri thức để các em nhận thức xã hội, ngành nghề, tham gia làm việc trong tương lai. Ra trường các em đều có thể làm ở các công ty nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả công ty của gia đình”.
Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2014 sẽ tiếp tục diễn ra ở 2 tỉnh Bến Tre và Bạc Liêu từ ngày 21.3.
Đăng Nguyên
Bình luận (0)