Cổ kim tri kỷ

06/03/2016 05:26 GMT+7

Trong bài thơ Tri kỷ , Sương Anh viết: Trên đời tri kỷ dễ mấy ai/ Một thoáng gặp nhau hiểu, nhớ hoài/Rảo bước đi tìm thật khó kiếm/Thiên lý đường đời gặp một - may!

Trong bài thơ Tri kỷ, Sương Anh viết: Trên đời tri kỷ dễ mấy ai/ Một thoáng gặp nhau hiểu, nhớ hoài/Rảo bước đi tìm thật khó kiếm/Thiên lý đường đời gặp một - may!

Bà Huỳnh Thị Bảo Hòa	- Ảnh: tư liệu của Thy hảo Trương Duy HyBà Huỳnh Thị Bảo Hòa - Ảnh: tư liệu của Thy hảo Trương Duy Hy
Người ta nói rằng, con người cả đời đi tìm không phải vợ, không phải người tình, mà là hồng nhan tri kỷ. Hồng nhan tri kỷ là người mà đàn ông có thể nói với cô ấy tất cả mọi bí mật kể cả điều mà đàn ông không thể nói được với vợ hay người tình. Nói thế không sai nhưng nên chăng gọi chung một từ tri kỷ bất luận họ phải hay không phải hồng nhan.
Người đời cũng bất công, vì nếu người đàn ông hay đàn bà đó vừa là vợ, chồng, vừa là người tình, vừa là tri kỷ chẳng phải tuyệt vời lắm sao?
Nhưng tôi đồng ý với Sương Anh trong bài thơ đã dẫn, trên con đường thiên lý cuộc đời, gặp được tri kỷ thì thật là hiếm hoi và may mắn.
Vừa là vợ, vừa là hồng nhan tri kỷ
Thanh Niên từng có loạt bài viết về nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa (tên thật là Huỳnh Thị Thái), người từ một Vương phu nhân quyền quý trở
thành người phụ nữ đầu tiên cắt tóc ngắn, đi xe đạp, làm báo và cũng là người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết của nước ta. Nhưng có một khía cạnh chúng tôi chưa nói đến, đó là mối tình của bà và Hàn lâm viện Đại học sĩ Vương Khả Lãm.
Thực ra, chỉ xét riêng tình phu phụ thì Vương phu nhân Huỳnh Thị Bảo Hòa khó trở thành người phụ nữ tân thời (nhờ sự phát hiện của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, sau đó là công trình biên khảo của Thy Hảo Trương Duy Hy) mà chúng ta được biết như hiện nay. Ở họ, ngoài tình vợ chồng còn là tri kỷ (vì nếu Đại học sĩ Vương Khả Lãm không đồng quan điểm và không chia sẻ những việc của phu nhân làm thì khó có một nhà hoạt động xã hội, một người làm báo tiến bộ đấu tranh cho nữ quyền và là tác giả văn chương Huỳnh Thị Bảo Hòa với những quan điểm tân thời lúc đó ít ai bì kịp), điều hiếm hoi mà người đời mơ ước.
Huỳnh Thị Thái sinh năm 1896 tại làng Đa Phước, H.Hòa Vang (Đà Nẵng), trong một gia đình có bố là võ quan triều Nguyễn (sau tham gia Hội Cần Vương Quảng Nam). Vốn tính thông minh, lại được giáo dục cẩn thận, từ nhỏ Huỳnh Thị Thái đã học chữ Hán, chữ quốc ngữ và cả Pháp ngữ.
Đến tuổi trưởng thành, Huỳnh Thị Thái sánh duyên cùng Hàn lâm viện Đại học sĩ Vương Khả Lãm. Trở thành Vương phu nhân, bà theo chồng về sống ở Đà Nẵng. Từ một cô gái thôn quê ra chốn thị thành lắm điều bỡ ngỡ, song Vương phu nhân không những sớm thích nghi mà còn tiên phong tiếp thu tinh thần duy tân của các phong trào yêu nước phát động.
Khi lấy bút danh Huỳnh Thị Bảo Hòa, bà là người “vang danh trên mặt báo” và là người “khua chuông gióng trống trên văn đàn”, “chia sẻ gánh nặng với giới mày râu”... Đối với phụ nữ thời bấy giờ điều này đã là lạ, đối với Vương phu nhân lại càng lạ hơn.
Tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của bà in tại nhà in Bảo Tồn (Sài Gòn) năm 1927 gồm 15 hồi được chia làm hai tập. Ba bài tựa cho bộ tiểu thuyết này do ba người có tiếng tăm lớn thời bấy giờ là tiến sĩ, Trung Kỳ nhân dân viện, Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và ông Bùi Thế Mỹ viết và đánh giá cao. Theo giới thiệu của tác giả thì đây là một câu chuyện có thật tại Tam Kỳ (Quảng Nam) trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918). Tiểu thuyết kể về mối tình của một chàng trai Việt Tuấn Ngọc và một cô gái Pháp (trong tiểu thuyết tên là Bạch Lan). Cuộc tình của hai người trải qua nhiều biến cố tan hợp.
Tác giả Tuệ Lãng, trong một bài nghiên cứu về Tây phương mỹ nhơn đã nhận định: “Với việc xây dựng một câu chuyện tình vượt biên giới như Tây phương mỹ nhơn, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa một lần nữa đã làm một cuộc cách mạng trong việc thay đổi
nhãn quan văn hóa cho xã hội, xóa bỏ ít nhiều tinh thần dân tộc hẹp hòi, nhìn rộng ra xa hơn cảnh quan của mình để thấy một thế giới khác... dù chưa chắc là ưu việt nhưng vẫn mới lạ và có quá nhiều điều cần phải suy ngẫm và học tập, trực tiếp đặt vấn đề về mối xung đột giữa dân tộc và văn hóa Pháp đang tồn tại trong xã hội...”.
Đương thời, những cây bút uy danh như Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Bùi Thế Mỹ... từng đánh giá, Huỳnh Thị Bảo Hòa là “Ngọn cờ tiên phong cho đạo quân nương tử trong hội quần thoa”.
Càng về sau, Vương đại học sĩ giao hết việc nuôi dạy con cái cho bà, bởi ông đã đồng cảm và chia sẻ văn hóa thời đại với vợ, người cũng là tri kỷ của ông.
Nghe danh đã là... tri kỷ
Năm 1992, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đã khai quật lại ngôi mộ cổ nằm giữa cánh đồng làng Vĩnh Phước, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngày nay thuộc xã Quảng Minh, H.Quảng Trạch. Ngôi mộ này đã từng khai quật một lần vào năm 1972 nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ.
Hồi đó, trong khi mở mang đồng ruộng, dân làng Vĩnh Phước đã phát hiện và khai quật ngôi mộ cổ, trong đó có di hài một phu nhân, cán bộ Ty Văn hóa Quảng Bình xác nhận ngôi mộ táng đã gần 400 năm mà dung mạo phu nhân vẫn hồng hào nguyên vẹn.
Chuyện kể rằng, khi dân làng đào sâu xuống chừng một mét, gặp một cái quách. Phá lớp quách này, bên trong thấy nhiều lớp lụa tơ tằm quấn quanh một chiếc quan tài sơn son thếp vàng. Cạy nắp ván thiên, mọi người bất ngờ khi thấy thi hài một thiếu phụ xinh đẹp, tóc cắt ngắn, chừng 35 tuổi nằm như đang ngủ. Nhưng lần khai quật thứ hai vào năm 1992, thi hài đã phân hủy, chỉ còn một ít đồ táng kèm và tóc của thiếu phụ vẫn còn nguyên vẹn.
Đọc lại lịch sử, các nhà nghiên cứu cho hay, lần thứ hai từ Thăng Long về Thuận Hóa (tháng 5.1600), trong số tướng sĩ đất Bắc Hà tháp tùng Đoan quốc công Nguyễn Hoàng có vị tiến sĩ Lê triều Nguyễn Khắc Minh, người làng Vĩnh Phước, phủ Quảng Trạch, là người tài năng xuất chúng, văn võ kiêm toàn.
Vì tài năng quá xuất chúng mà Nguyễn Khắc Minh bị ghen ghét. Chúa Nguyễn Hoàng tin lời nịnh thần định bắt ông xử trảm. Một cung phi của Nguyễn Hoàng (chưa rõ tên) thương người hiền sĩ
bèn ngầm báo cho Nguyễn Khắc Minh và khuyên ông trốn đi. Sau này, trong kịch bản phim của tác giả Nguyễn Quốc Tuấn dựa theo sách cổ, rồi nhà văn Nguyễn Thế Tường tìm hiểu và bổ sung chân thực hơn với sử liệu: “Đang đêm, Nguyễn Khắc Minh đột nhập tàu ngựa, đả thương giám mã, dắt được Vạn Lý Kỳ ra nhưng lại chần chừ không trốn ngay vì sợ liên lụy đến ân nhân. Trong tình thế cấp bách, người cung phi tình nguyện trốn theo ông. Nguyễn Khắc Minh đỡ ân nhân lên mình ngựa, nhằm hướng bắc ra roi. Trời dần sáng rõ, sông Gianh hiện ra nhưng đằng sau vang rền
tiếng vó ngựa truy sát. Nguyễn Khắc Minh nhìn lại, giật mình thấy con chiến mã chở hai người không phải là Vạn Lý Kỳ (ngựa vạn dặm). Trong đêm tối lại đang vội vã, ông đã dắt nhầm con Thiên Lý Kỳ (ngựa nghìn dặm). Quan vệ úy tay cầm bảo kiếm, cưỡi trên Vạn Lý Kỳ sấn tới. Trước mặt là Đại Linh Giang cuộn sóng không một bóng thuyền, sau lưng là người đàn bà ân nhân đã gửi gắm số phận cho ông và đội quân “thi hành án” trảm của chúa. Đường cùng, Nguyễn Khắc Minh vung đao đánh tan tốp quân sĩ, chém rớt đầu quan vệ úy, cùng ân nhân vượt Đại Linh Giang…”.
Nguyễn Khắc Minh chọn chân đèo Ngang làm lều cỏ, giấu biệt thân thế, tự nhủ lòng từ nay ẩn dật để phụng dưỡng ân nhân.
Một ngày, ông đứng trên ghềnh đá, dùng bảo đao múa một bài quyền rồi ném xuống biển thề giã từ nghiệp binh đao và chốn quan trường.
Nhưng rồi, một sớm mai thức dậy, Nguyễn Khắc Minh không thấy “tri kỷ” ở đâu, chỉ thấy tờ giấy viết khuyên ông đừng vì thói nữ nhi thường tình mà lỡ chí trai thời loạn. Không còn cách nào khác, Nguyễn Khắc Minh đi vào đất quân Trịnh để tìm rồi bị bắt. Chúa Trịnh biết tài Nguyễn Khắc Minh liền phong ông làm thượng tướng quân, cai quản vùng Bố Chính, sau phong đến Lại bộ thượng thư, tước Lại quận công. Ông phụng dưỡng ân nhân cho đến khi bà qua đời thì đưa thi hài về quê mai táng. Nguyễn Khắc Minh mất năm 1637 tại quê nhà, thọ 84 tuổi.
Năm tháng trôi qua, trong gian giữa nhà thờ họ Nguyễn Khắc ở Vĩnh Phước vẫn tọa táng thi hài vị tướng tài ba xuất chúng nhưng đầy mâu thuẫn, bi kịch: tiến sĩ triều Lê, cận thần chúa Nguyễn, Thượng tướng quân chúa Trịnh, Nghiêm quận công vua Nguyễn và câu chuyện tri kỷ giữa vị tướng và cung phi mới nghe danh đã thành tri kỷ vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay với nhiều dị bản khác nhau nhưng tất thảy đều một lòng ngưỡng mộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.