Di tích lịch sử kiến trúc Quảng Bình Quan nằm ở trung tâm thành phố, nay thuộc địa phận phường Hải Đình và ngay bên con đường thiên lý Bắc - Nam hiện đại; ngoài ra, nơi đây còn giao thoa với những tuyến đường đi về hướng tây và đông của thành phố. Nói thế để biết rằng, Quảng Bình Quan nằm ở vị thế vô cùng đắc địa. Quảng Bình Quan cũng có nhiều tên gọi, người thì nói đó là cửa vào dinh Quảng Bình, người thì nói cổng Bình Quan.
Quảng Bình Quan nay trở thành biểu tượng của tỉnh Quảng Bình, di tích này mang trên mình biết bao trầm tích của vùng đất địa linh nhân kiệt. Trước Cách mạng tháng Tám, Quảng Bình Quan (phía đường Đức Ninh) còn có hào ngoài thành, có cầu gạch vòng qua hào… Trong thời kỳ chiến tranh, Quảng Bình Quan từng nhiều lần bị phá, hủy hoại. Hiện di tích này đã được khôi phục gần như nguyên bản. Theo các nhà nghiên cứu, thì sách Đại Nam Nhất Thống Chí có chép: “Cửa quan dài hai trượng 1 thước, rộng hai trượng 5 thước; thành ngoài bảo vệ cửa quan dài 14 trượng 6 thước cao 3 thước, năm Minh Mệnh thứ (1826) xây gạch đá...’’.
Quảng Bình Quan liên quan chặt chẽ với thành lũy Đâu Mâu - Nhật Lệ với chiều dài hơn 3.000 trượng. Theo đó, lũy có ba cửa quan, nhưng sử cũ chỉ chép có hai; ba cửa đó là: cửa vào dinh Quảng Bình gọi là Quảng Bình Quan (dân gian gọi là Cổng Bình Quan), cửa Lý Chính Đại Quan Môn, Vua Minh Mạng đổi là Võ Thắng Quan, dân gian gọi là Cổng Thượng và cửa Thủ Ngự tại cửa biển Nhật Lệ.
Và vẫn còn sự bàn cãi về tên, tuổi nhưng chắc chắn xưa Quảng Bình Quan cũng nằm trong tuyến phòng ngự của lũy Đâu Mâu - Nhật Lệ, cùng ra đời với Lý Chính Đại Quan Môn (Võ Thắng Quan) và cũng nằm nguyên vị trí hiện nay, vị trí mà cả hai con đường: Thiên Lý và Thượng Đạo các đời Lý - Trần - Hồ - Lê - Nguyễn phải đi qua, phải gặp nhau để đi tiếp vào Đàng Trong.
Dưới thời chúa Nguyễn, người châu Nam Bố Chính hay ở phương Bắc có việc gì, muốn vào dinh Quảng Bình nếu đi đường bộ thì trước hết phải vào Quảng Bình Quan trình giấy tờ rồi mới ngược ra hướng bắc mà vào cửa Nam Môn để nhập thành. Người đi đường thủy thì phải ghé thuyền ở cửa Nhật Lệ, trình giấy tờ ở cửa quan Thủ Ngự rồi cho thuyền lên bến cửa đông mà nhập thành.
Tại Đồng Hới, để di chuyển đến Quảng Bình Quan rất dễ dàng, thuận tiện. Có dịp đến mảnh đất này, du khách nên một lần đặt chân tới Quảng Bình Quan để hiểu hơn về lịch sử, về những cung đường mà người xưa phải trải qua.
Bình luận (0)