Quả thực khi vào thăm làng càphê Trung Nguyên, tôi ngạc nhiên vì có rất nhiều hiện vật, không thiếu một thứ gì của làng quê truyền thống Tây Nguyên, từ những thứ rất nhỏ như hạt cà, hạt bí, hạt bắp, hạt lúa nước, lúa nương... cái cối, cái chày, cái rổ, cái nong, cái trống, cái chiêng, đến cả ngôi nhà dài của người Ê Đê, dài đến 40m, rộng 12m.
Người giải đáp sự ngạc nhiên cho tôi là vị phụ trách nhà trưng bày, ông Đỗ Văn Toàn (70 tuổi) mà mặt mũi, tay chân còn vâm, tóc búi củ tó sau gáy: "Đây là những hiện vật mà tôi đã sưu tầm. Mấy chục năm liền, tôi mang tiếng là thằng điên. Cả mẹ đẻ ra tôi cũng có lúc gọi tôi như vậy. Bởi người ta lo đi buôn bán, đi trồng càphê, đi đào vàng... kiếm tiền bạc về nhà làm giàu. Còn tôi chỉ lang thang hết buôn làng của người K'ho, lại sang buôn làng của người Lạch, người Mạ... rồi khuân về nhà những thứ người ta vứt đi, hoặc ném trong xó nhà, trong bờ bụi đã bao năm... Thế nhưng, anh thấy đấy, nhiều thứ bây giờ về buôn làng tìm đâu ra nữa, chỉ tôi có thôi"... Rồi ông dẫn tôi đi xem hết lượt các gian trưng bày.
Ông chia các đồ sưu tầm ra chín nhóm: 1- Đồ gia dụng, 2- Đồ dệt, 3- Đồ rèn, 4- Đồ săn bắt trên khô, 5- Đồ săn bắt dưới nước, 6- Dụng cụ sản xuất nương rẫy, 7- Đồ dùng trong nghi lễ, trong sinh hoạt văn hoá, 8- Các loại hạt giống, 9- Đồ trang sức. Mỗi nhóm có vài chục đến cả trăm hiện vật khác nhau. Có nhiều thứ độc đáo đến không ngờ. Ví như cái lược chải chấy bằng tre của người Mạ, cái dụng cụ đuổi chim, giữ lúa của người K'ho, cái dụng cụ cắt thuốc rê của người Cil...
Ông bảo từ cách đây hơn 31 năm, ông đã ý thức được các đồ dùng dân giã, truyền thống có từ bao đời nay ở Tây Nguyên rồi sẽ bị mai một gần hết, bởi các đồ dùng của thời hiện đại thay thế. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu về xã hội học, về dân tộc học, về văn hoá dân gian Tây Nguyên chẳng thấy ai quan tâm đến việc sưu tầm để giữ lại cho con cháu đời sau biết một thời cha ông mình đã sống như vậy, đã sử dụng những công cụ như vậy để xây dựng, bảo vệ buôn làng, phát triển kinh tế, xã hội.
Và rồi ông gặp Đặng Lê Nguyên Vũ - Trung Nguyên. Vũ có tiền, có mặt bằng, đồng thời cũng đã có sẵn cả trăm cái trống da voi, chiêng, ché cổ, nhưng theo ông quan trọng hơn cả là Vũ cũng là người yêu văn hoá truyền thống Tây Nguyên, Vũ mời ông cùng kết hợp để xây dựng nhà trưng bày phục vụ người dân Tây Nguyên và du khách. Ông đồng ý cùng kết hợp với Vũ, cho chở hết hiện vật đã sưu tầm từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) sang làng càphê Trung Nguyên ở Buôn Ma Thuột của Vũ, để rồi... "tình cờ" làm nên một bảo tàng về nông nghiệp - nông thôn có một không hai ở Tây Nguyên.
Có một bảo tàng về nông thôn Tây Nguyên
19/12/2008 14:46 GMT+7
Thực ra thì lãnh đạo Cty càphê Trung Nguyên chưa dám nhận mình có một bảo tàng như thế, nhưng trong chuyến thăm làng càphê Trung Nguyên (12.12.2008), được giới thiệu về hàng ngàn hiện vật đang trưng bày tại đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã thốt lên: "Đây là một bảo tàng về nông nghiệp và nông thôn Tây Nguyên...".
Theo Đặng Bá Tiến / Lao Động
Bình luận (0)