Bài và ảnh: Ngô Ly Kha
Từ điểm trung chuyển Frankfurt, tôi từ giã những người bạn Canada và Úc để tiếp tục hành trình khám phá Đông Âu, trong khi họ hướng về xứ sở hoa tulip. Phút chia tay không kém phần quyến luyến và bịn rịn vì hai ngày qua tôi được xem như người em, người cháu trong một gia đình lớn. Sau này khi tình cờ gặp lại hai bác người Úc ở Venice (Italy), tôi vui mừng khôn xiết và thầm nghĩ đôi khi trái đất này thật nhỏ.
Praha của triệu du khách
Khoảng cách từ thành phố bên dòng sông Main - Frankfurt đến thủ đô Praha (hay Prague) của Cộng hòa Czech là 530km. Ban đầu tôi cũng ngại say xe khi phải di chuyển liên tục qua nhiều thành phố, nhưng nỗi lo lắng này nhanh chóng tan biến khi hãng du lịch cung cấp loại xe 45 chỗ gầm cao có ba mặt kính, rộng rãi và tiện nghi. Hạ tầng giao thông ở châu Âu cũng hiện đại không kém, một số đường cao tốc ở nước Đức còn cho chạy thả ga, không hạn chế tốc độ. Xe tôi cứ lướt êm với tốc độ 120 – 150km/giờ và chỉ hơn 3 giờ chiều tôi đã có mặt ở nhà ga trung tâm thành phố Praha.
Từ đây du khách được tự do tản bộ và tham quan theo sở thích của mình. Tôi kết bạn với hai mẹ con cô Sarah đến từ Singapore. Chúng tôi đổi một ít tiền euro sang đồng koruna - đơn vị tiền tệ của Cộng hòa Czech (với tỉ giá 1 euro bằng 25 koruna) để tiện chi tiêu. Ở đây, giá cả sinh hoạt “mềm” hơn nhiều so với những thành phố tôi đã đi qua như Paris, Luxembourg hay Frankfurt. Một tô phở Việt có giá chừng 100 koruna (4 euro), chỉ bằng một nửa so với ở Paris.
Mỗi năm Praha đón 4,4 triệu khách du lịch quốc tế (thống kê năm 2011) và được Tripadvisor bình chọn là điểm đến đáng giá nhất của châu Âu sau London, Paris, Istanbul và Rome. Cùng với hàng ngàn du khách phủ kín mọi nẻo đường, các cửa hàng thời trang cũng mọc nhiều như nấm. Tôi đi qua một con phố nhỏ chừng vài trăm mét mà đã gặp lại 2, 3 shop của cùng một nhãn hàng. Cô Sarah thích đồ Mango, anh con trai cô chọn H&M, tôi mê ngắm trang sức của Swarovski rồi chúng tôi lạc nhau từ đó.
Chiều tà, tôi tìm thấy một quán ăn mang tên Deli Viet ở gần khu trung tâm. Quán của người Việt 100% vì từ đầu bếp đến phục vụ đều là người từ miền Bắc. Biết tôi ở Sài Gòn sang, hai anh đầu bếp cứ rảnh tay lại thay phiên nhau tiếp chuyện. Anh kể về những người Việt du học sang Tiệp Khắc cũ rồi ở lại định cư, về khu chợ Việt ở ngoại ô bán đủ các loại đồ, về khách Tây dạo này chuộng món ăn Việt ghét món Tàu…Tôi gọi món bún nem, vừa ăn vừa rưng rưng xúc động khi giữa trời Tây lại vang lên những giai điệu tha thiết của quê nhà: “Trời lập đông chưa anh, cho lũ dơi đi tìm giấc mộng vàng”.
Của những chuyện tình
Buổi chiều đầu tiên ở Praha trôi qua trong nắng vàng rực rỡ. Tôi theo tour về khách sạn mang tên một tác phẩm của Mozart - Don Giovanni Prague. Nhưng trước khi bước vào không gian lộng lẫy bên trong, tôi đã kịp chứng kiến một “đoản khúc” tình yêu từ cửa kính ô tô trong lúc xe chờ vào bãi đậu của khách sạn. Và đây là những gì tôi viết vội và gửi lên đám mây (Cloud storage) từ điện thoại của mình.
Dưới mái hiên, chàng trai và cô gái ngồi hút thuốc. Mỗi người một điếu, họ yên lặng nhả khói, chốc chốc lại quay sang mi nhau. Chàng trai vẫn còn mang tạp giề, có lẽ là nhân viên phục vụ của khách sạn vừa tranh thủ trốn vài phút. Lát sau, họ hôn nhau lần nữa, rồi chàng trai vẫy tay tạm biệt. Chàng đi được vài bước thì cô gái nói gì đó khiến chàng trai lại quay lại. Họ lại đứng hôn nhau.
Sau khi hôn nàng, chàng cũng không quên gãi lưng cho con chó lông xù, từ nãy giờ vẫn ngồi yên canh gác. Lần này họ rời nhau thiệt. Đợi chàng trai mất khuất sau cánh cổng, cô gái dắt con chó đi về bến xe điện, vừa đi vừa mỉm cười. Cô có mái tóc bạch kim óng ánh, tết thành sợi quấn ngang qua trán, mớ tóc mai còn lại lõa xõa trên đôi má ửng hồng. Tôi nhìn theo cô gái, tiếc nuối như xem một vở diễn hay mà bức màn nhung hạ vội vàng trước khi các nhân vật kịp chào khán giả. Và nếu đây là một vở diễn, có lẽ tôi sẽ lồng nhạc nền bài “Mùa xuân bên cửa sổ”.
Và những di sản
Sáng hôm sau, Praha lạnh 13 độ và mờ khuất trong làn mưa phùn. Tôi bắt đầu hành trình khám phá vùng đất của người Bohemia từ Royal Route - con đường đăng quang truyền thống của các vị vua và hoàng hậu ngày trước - đến lâu đài Praha. Từ thế kỷ thứ IX, Prague Castle đã trở thành nơi ngự trị của các bậc đế vương và gần đây là nơi ở của các vị nguyên thủ. Khi tôi đến, lâu đài đang trong giai đoạn sửa chữa nên tôi chỉ tham quan khu vực xung quanh, nhà thờ có kiến trúc gothic St. Vitusvà Old Royal Palace. Từ đây tôi tiếp tục đi dọccon đường vàng Golden Lanevà dừng chân trên đỉnh Castle Hill để ngắm nhìn những mái ngói đỏ quyến rũ khu phố cổ.
Tôi đội mưa, đổ dốc, len lỏi qua những nhà hát, những quán cà phê, những cửa hàng bán quà lưu niệm bên dưới mái ngói đỏ tiến về phía cầu Charles Bridge. Cùng với đồng hồ thiên văn Prague, cây cầu bắcqua dòng Vltava với hai tháp ngắm cảnh ở hai đầu cầu được xem là một biểu tượng của thành phố. Dưới sông từng đàn thiên nga đang ung dung giỡn sóng còn trên cầu một nhóm tứ tấu gồm cello, viola và 2 violon cũng thong thả kéo đàn.
Quả thật, Praha mang một bản sắc riêng, khác biệt với phần còn lại của Đông Âu - nơi nó thuộc về. Qua nhiều cuộc bạo động và phá hoại ở châu Âu vào thế kỷ XX, các công trình kiến trúc, lịch sử quan trọng vẫn được giữ nguyên giúp Praha ghi danh vào Di sản thế giới. Thành phố này cũng tự hào có hơn mười bảo tàng lớn, cùng với rất nhiều nhà hát, phòng triển lãm, rạp chiếu phim phục vụ hơn 1,2 triệu người bản địa và gần 5 triệu khách du lịch mỗi năm. Tôi chỉ là một trong số hàng triệu lữ khách đi qua nơi này và nhặt về một mảnh ký ức từ thành phố yên bình, cổ kính.
Vài kinh nghiệm du lịch tại Praha: |
|