Cỏ mực - vị thuốc cầm máu hiệu quả

22/11/2007 15:16 GMT+7

Cỏ mực còn gọi là cỏ nhọ nồi (vì nước vắt cỏ mực màu đen). Đông y gọi là hạn liên thảo. Đây là loại cỏ hoang dại, mọc ở mọi nơi như: ven đường, bờ mương, bờ ruộng, bờ ao, trong vườn...

Tác dụng chính của cỏ mực là cầm máu. Chỉ định điều trị: rong kinh, rong huyết, băng kinh, băng huyết, trị chảy máu, chảy máu cam, thổ huyết... Cách sử dụng, có thể sử dụng dưới 2 dạng sau: cỏ mực tươi (cả thân và lá): lấy khoảng 50gr rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước uống 2-3 lần/ngày. Nếu bị trĩ chảy máu, chảy máu cam, vết thương chảy máu thì cũng dùng như trên và lấy 1 miếng gạc (hay miếng bông nhỏ) tẩm nước cỏ mực, dịt vào vết thương hay lỗ mũi. Cỏ mực khô: lấy chừng 50gr sắc với 150ml nước (còn lại 50ml) uống 1 lần, mỗi ngày 2-3 lần.

Theo lương y Trần Danh Tài - Chủ tịch Hội đông y tỉnh Lâm Đồng thì cây cỏ mực có tác dụng cầm máu rất nhanh, chỉ sau 10-15 phút đã có tác dụng, nhiều trường hợp không cần phải đưa đi bệnh viện. Ngoài tác dụng cầm máu, cỏ mực còn có tác dụng đối với các loại bệnh: lỵ chảy máu, viêm đường tiết niệu (cách sử dụng như trên). Người thợ nề còn dùng cỏ mực tươi để chà xát lên những vùng dính vôi, vữa... để tránh bị bỏng. Vì cỏ mực dễ kiếm cho nên ít người gieo trồng, nhưng mỗi gia đình có thể trồng một vài bụi để dùng khi cần (có thể trồng trong chậu nhỏ), vì cỏ mực rất dễ mọc, không cần chăm bón nhiều. Hơn nữa cỏ mực không gây độc hại, dễ dùng, an toàn. Đã có một số công trình nghiên cứu về tác dụng cầm máu của cỏ mực. So với sinh tố K, cỏ mực có tác dụng tại chỗ nhanh hơn (trong khi sinh tố K có tác dụng từ 12-14 tiếng đồng hồ thông qua vai trò của gan).

Bài, ảnh: Bảo Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.