Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quốc Trung, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nga đã đưa ra ý kiến của mình như sau:
Vừa qua tôi có đọc bài báo “Tết "hội nhập", tại sao không?” của giáo sư Võ Tòng Xuân trên Thanhnien Online, mặc dù rất tôn trọng kiến thức uyên thâm của giáo sư, nhưng với cương vị một trí thức, một Việt kiều và đơn giản là người yêu nước tôi cũng muốn bày tỏ một số quan điểm khác với cách nhìn của giáo sư.
Thứ nhất, Tết không phải là những ngày nghỉ lãng phí, đó là ngày lễ hội
Thứ hai, xét về giá trị kinh tế. Đọc bài viết của giáo sư tôi có cảm tưởng giáo sư quá coi trọng tính tiết kiệm số ngày nghỉ. Nhưng như mọi người chúng ta đều biết, ngày nghỉ chính là thời gian kích cầu tốt nhất, khi người dân mua sắm, chi tiêu và thúc đẩy kinh tế tốt nhất (ở các nước phát triển, số ngày lễ trong năm rất cao). Thử hỏi, ai sẽ đến Việt Nam đón Tết Dương Lịch khi cả thế giới cùng đón năm mới vào cùng một ngày (?!) Đây chính là điểm độc đáo của Tết cổ truyền mà chúng ta phải tận dụng triệt để, để phát triển du lịch.
Hẳn bạn đọc cũng đã biết đến những dòng tâm tình của người Việt Nam xa xứ trên các trang báo mạng và thấu hiểu Tết cổ truyền thiêng liêng với người Việt Nam xa xứ như thế nào.
Trong thâm tâm, tôi là người hướng ngoại và nhiệt liệt hoan nghênh những chủ trương đúng đắn của Nhà nước như cấm đốt pháo, mê tín dị đoan, nhậu nhẹt triền miên trong những ngày lễ, Tết, nhưng cũng rất tâm huyết trong việc biến những ngày Tết thành những ngày vui chung của dân tộc để đón nhận những niềm vui mới trong năm mới.
Đây chỉ là những suy nghĩ chủ quan, tuy nhiên cũng mong những suy nghĩ này nhận được sự ủng hộ của bạn đọc và hy vọng Giáo sư Võ Tòng Xuân đọc được để cùng chia sẻ những suy nghĩ về Tết Nguyên đán.
Chúc tất cả người Việt Nam một năm mới An Khang Thịnh Vượng!
Đồng ý kiến với Nguyễn Quốc Trung bạn Lê Dũng viết:
Kính thưa Giáo sư (GS) Võ Tòng Xuân, Ban Biên tập báo Thanh Niên.
Tôi là một độc giả trung thành của báo Thanh Niên từ rất lâu, sau Tết tôi có đọc nội dung bài báo của GS Võ Tòng Xuân về việc nên bỏ ngày Tết cổ truyền (mà theo GS là theo Trung Quốc) mà nên gộp vào Tết dương lịch như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á đã làm để hội nhập "sâu" hơn vào kinh tế thế giới.
Kính thưa GS, tôi thuộc thế hệ sau của GS, chắc tôi cũng chưa hiểu hết những suy nghĩ của GS, nhưng tôi tin chắc rằng nếu GS có điều kiện khảo sát hầu hết các tầng lớp thì tôi dám chắc rằng ít người sẽ có ý kiến như GS(?). Đây là một phạm trù văn hóa, mà mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa khác nhau, mà trong kinh doanh, người ta cũng không loại trừ món ăn tinh thần này. Trong mua bán nếu không hiểu phong tục tập quán của nước đối tác sẽ khó khăn trong giao dịch làm ăn, cho nên những khó khăn mà GS nêu, theo tôi nếu có chỉ trong một vài đơn vị nào đó thôi, chứ trong toàn xã hội theo tôi sẽ không như vậy...
* Về thời cơ và cơ hội kinh doanh: Chúng ta chỉ có nghỉ 4 ngày Tết, trong khi phương Tây thì nghỉ từ 24/12 đến 2/1 là bao nhiêu ngày, họ dư sức biết là trong thời gian này họ mất nhiều cơ hội kinh doanh hơn ta, nhưng họ vẫn nghỉ? Nhưng trước đó và sau đó họ làm gì? Đây là một thủ thuật trong kinh doanh.
* Nông dân sẽ bỏ ruộng lúa để ăn Tết: Cái này phải để người nông dân trả lời, theo tôi không lẽ mấy ngàn năm qua do ăn Tết mà vụ lúa Đông Xuân ở nước ta mất mùa? Nếu có được con số thống kê vụ lúa Đông Xuân hàng năm thì sẽ có câu trả lới xác đáng nhất.
* Gượng ép học sinh: Sau mỗi kỳ thi học kỳ ở các cấp lớp trong thời buổi học tập nặng nề như hiện nay thì có lẽ cũng phải thông cảm cho các cháu nghỉ xả hơi. Nguyên do là nghỉ Tết (một mặt sẽ giúp học sinh được nghỉ ngơi sau một kỳ thi, mặt khác các thầy cô cũng được thư giãn đôi chút trước khi vào học kỳ 2, mà nhất là ở những lớp cuối cấp.
* Nhậu nhẹt, bài bạc: Hiện nay đâu phải là ngày Tết mới nhậu nhẹt hoặc đánh bài, mà dân ta quanh năm nếu có điều kiện là nhậu. GS nếu đi từ Nam chí Bắc vào mỗi buổi chiều thì sẽ thấy.
* Lãng phí ngày làm việc: Theo tôi kinh doanh không phải lúc nào cũng xuất khẩu là ưu tiên, mà là phải bán được hàng với bất cứ đối tượng nào. Cho nên dù Tây có nghỉ, chúng tôi vẫn kinh doanh mà thậm chí kinh doanh nội địa có khi có hiệu quả hơn xuất khẩu là đằng khác.
Rất mong rằng những ý kiến của tôi tuy thô thiển, còn thiển cận nhưng mong GS và Ban Biên tập Báo Thanh Niên cho phép tôi được nêu, mong rằng qua đây tôi học tập nhiều hơn nữa những ý kiến khác hơn.
Trân trọng.
Trên đây là 2 trong số rất nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về cho Thanhnien Online chúng tôi. Bạn đọc nào quan tâm đến vấn đề này có thể bấm vào đây để đóng góp ý kiến của mình.
TNO
Bình luận (0)