|
Mục tiêu không rõ ràng
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), thẳng thắn: "Đây là một cách làm rất "phiêu lưu". Trước hết, chúng ta phải chỉ ra rằng dạy các môn bằng tiếng Anh để làm gì? Ở môn toán, tôi thấy không hợp lý chút nào. Mỗi một định nghĩa, khái niệm... tôi phải dạy đi dạy lại bằng tiếng Việt mà nhiều học sinh (HS) còn không hiểu, yêu cầu thầy giải thích rõ hơn, huống chi nói tiếng Anh”.
|
Đề cập đến mục tiêu, PGS Cương băn khoăn: “Tôi nghe nói đề án này để phục vụ các em trường chuyên đi thi HS giỏi quốc tế. Tôi e rằng nếu như vậy thì quá lãng phí, thi quốc tế đâu có sử dụng tiếng Anh để làm bài". Nói rõ về điều này, ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên (GV) Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết: “Thông thường tại các cuộc thi quốc tế, trưởng đoàn các nước dịch đề từ tiếng Anh ra tiếng nước mình. Đến giờ thi, thí sinh làm bài, suy luận và trình bày cách giải trong bài thi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Sau đó trưởng đoàn lại dịch bài giải của các em ra tiếng Anh. Như vậy, việc cho rằng HS nước ta do yếu ngoại ngữ nên đi thi quốc tế gặp khó khăn chưa hoàn toàn đúng”.
Ông Kim Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), cho biết: “Tiêu chí của chương trình chưa được xác định rõ ràng. Việc dạy những môn này để HS có thể đọc, hiểu, viết bài bằng tiếng Anh nhằm hỗ trợ công việc học tập nghiên cứu sau này hay để HS có thể tham gia các kỳ thi, chương trình quốc tế? Chế độ thi cử áp dụng cho những HS theo học chương trình này như thế nào, các em làm bài thi bằng tiếng Anh hay tiếng Việt cũng là điều mà các trường đang băn khoăn”.
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Cam, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: “Mục tiêu của chương trình hoàn toàn mơ hồ, không rõ ràng. Nếu để phục vụ việc du học của HS thì không cần thiết, bởi tôi thấy các trường ĐH nước ngoài chỉ kiểm tra, phỏng vấn trình độ tiếng Anh chứ không đòi hỏi HS phải học qua chương trình này”.
Ở một khía cạnh khác, ông Lịch cho rằng chủ trương dạy - học các môn khoa học bằng tiếng Anh thì tuyển HS đầu vào phải ưu tiên tiêu chí ngoại ngữ. Điều đó có thể gây ra nguy cơ chỉ tuyển được HS có khiếu ngoại ngữ mà bỏ sót HS mạnh về nghiên cứu khoa học. Việc giảng dạy bằng ngoại ngữ chắc chắn làm HS căng thẳng hơn, vậy thì làm sao phù hợp với tiêu chí “giảm tải” cũng của ngành GD-ĐT?
“Tìm giáo viên như mò kim đáy biển”
|
Khi áp dụng đề án này, các trường đều có chung một khó khăn là thiếu GV vừa giỏi tiếng Anh vừa giỏi các môn chuyên. Trình độ ngoại ngữ của HS cũng không đồng đều, dẫn tới khả năng tiếp thu môn học bằng tiếng Anh rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng GD trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận: “GV dạy tốt chương trình này chưa nhiều trong khi nguyện vọng của HS ngày càng tăng”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nêu thực trạng: “GV tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng mà không hề có lớp đào tạo chính quy, chuyên biệt về phương pháp giảng dạy các môn bằng tiếng Anh nên sẽ khó đảm bảo truyền tải hết kiến thức cho HS”. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng xác nhận: “Vấn đề khó khăn nằm ở khâu GV. Không thể lấy GV chuyên Anh qua dạy, còn tìm GV những bộ môn này đáp ứng được ngoại ngữ như mò kim đáy biển”.
Nhìn nhận vấn đề, tiến sĩ Nguyễn Cam quả quyết: “Đội ngũ GV là quan trọng nhất. Hai trường sư phạm được coi là trọng điểm của Việt Nam cũng không đào tạo GV kiểu này. Đã không có thầy thì làm sao có trò nên đưa chương trình này vào chỉ mất thời gian và gây khó mà thôi. Người trong nghề phải sáng suốt để biết cái nào cần thiết cho HS”.
Ông Cam nhấn mạnh việc dạy ở đây không đơn giản là đọc tài liệu nước ngoài mà phải nói được nhiều chuyện liên quan đến khoa học và phản biện những vấn đề liên quan. Do vậy, đòi hỏi trình độ GV khá cao và chắc chắn chẳng mấy người đáp ứng được yêu cầu trên.
Tuệ Nguyễn - Bích Thanh
Bình luận (0)