Tôi có biết thông tin: đứt dây chằng chéo sau rất ít khi được chỉ định mổ, nó có thể tự lành lại sau một thời gian; và người già có thể không mổ. Tôi năm nay 54 tuổi, ít hoạt động nặng, vậy có cần mổ để nối dây chằng chéo sau, chéo trước hay không? nguyenminhson@...
- Một chấn thương khớp gối nặng như của anh thường có nhiều tổn thương phối hợp như dập xương, đứt dây chằng, rách sụn chêm... Nhưng các tổn thương này không có chỉ định mổ cấp cứu mà thường được bất động bằng nẹp tư thế duỗi gối và tập phục hồi 4-6 tuần. Sau đó, tùy theo sự vững chắc của các dây chằng và tổn thương chưa lành của các cấu trúc mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị bảo tồn tiếp hay phẫu thuật tái tạo dây chằng.
Trước đây dây chằng chéo sau được cho là không quan trọng trong sự vững khớp gối, nhưng vai trò của dây chằng này ngày càng được chú trọng phục hồi bằng phẫu thuật hoặc không phẫu thuật, đặc biệt khi phối hợp với những tổn thương dây chằng sau ngoài hoặc dây chằng chéo trước.
Trong trường hợp của anh, theo tôi, nên đến khám tại bác sĩ chuyên khoa xương khớp kinh nghiệm để đánh giá lại tình trạng của dây chằng, không nên chỉ dựa trên MRI để chẩn đoán vì độ chính xác của phương tiện này phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật chụp, kinh nghiệm bác sĩ đọc phim. Nếu dây chằng chéo trước mất chức năng sẽ cần phải phẫu thuật tái tạo dù đứt không hoàn toàn. Còn dây chằng chéo sau có thể không cần phẫu thuật nếu bác sĩ thấy không cần thiết.
Các tổn thương sụn chêm và xương mâm chày cũng cần đánh giá lại và điều trị triệt để nhằm làm giảm đau, vững khớp và hạn chế diễn tiến thoái hóa khớp sớm.
Theo BS Nguyễn Trọng Anh / Tuổi Trẻ
(Bệnh viện Nhân dân 115)
Bình luận (0)