Có nghề vẫn học thêm nghề

31/07/2012 10:51 GMT+7

Hiện nay nhiều người đang làm việc hoặc đã có một nghề rồi vẫn tìm cách học thêm nghề mới hoặc nâng cao tay nghề để kiếm thêm thu nhập trong thời buổi khó khăn.

 Có nghề vẫn học thêm nghề
Thợ sửa xe máy Nguyễn Mộng Trường (thứ hai từ phải qua) tiếp tục
học nghề sửa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề Q.10, TP.HCM - Ảnh:
Ngọc Trường

Anh Nguyễn An Toàn (40 tuổi) - một người làm nghề lắp đặt và sửa chữa đồ điện gia dụng như quạt máy, nồi cơm điện, tivi - hiện đang theo học nghề điện xí nghiệp tại Trường trung cấp Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (Q.5, TP.HCM). "Hiện nay người tiêu dùng có xu hướng mua mới nhiều vật dụng nên ít ai cần thợ sửa chữa. Công việc cũ vì thế khó sống nên tôi học thêm một nghề khác phòng thân" - anh Toàn nói. Ban ngày đi làm, học ba buổi tối/tuần, anh chia sẻ: "Cũng cực nhưng phải cố thôi".

Còn Nguyễn Mộng Trường (28 tuổi), quê Vũng Tàu, chọn cách nâng cao tay nghề. Trường làm thợ sửa xe máy hơn một năm nay hiện vẫn đăng ký lớp học sửa chữa xe gắn máy tại Trung tâm Dạy nghề quận 10, TP.HCM. Trường tâm sự: "Tôi từng làm khá nhiều việc như công nhân, phụ việc tại quán, nhưng tiện tặn lắm mỗi tháng chỉ dư vài trăm ngàn đồng. Nếu chỉ dùng sức, sau này già yếu lấy sức đâu nữa mà nuôi gia đình. Vậy nên phải học nghề bài bản mới được".

Anh Lê Hồ Khải Minh (30 tuổi) đang làm trưởng bộ phận phụ trách hệ thống điện nước tại một công ty địa ốc khá lớn. Anh đang theo học một khóa về lắp đặt tủ điện công nghiệp vì lĩnh vực này liên quan đến nghề của anh. "Học để biết đường nói chuyện với nhân viên và cũng vì càng biết nhiều, có kỹ năng ở nhiều lĩnh vực càng tốt" - Minh chia sẻ. Trước đó, Minh xuất thân từ thợ điện công nghiệp bậc 3/7. Trong quá trình làm việc, Minh luôn trau dồi tay nghề và đăng ký học thêm các khóa nâng cao. Nhờ vậy, dù xuất thân là thợ nhưng ở bộ phận do anh quản lý nhiều người có bằng đại học.

Ông Trương Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trung tâm Dạy nghề quận 11 (TP.HCM), cho biết điều kiện cho người học nghề hiện nay rất thuận lợi, lớp đêm hay ngày đều có. Mặt khác, cấu trúc bài giảng thiết kế theo các phần riêng biệt, có thể học tách rời nhau. Điều này giúp người học có thể chủ động cả về thời gian và tài chính. Theo ông Tuấn, hiện trung tâm có khoảng 20% học viên đang theo học là người đã có nghề

Theo Ngọc Trường / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.