Dòng nhạc tình tứ, nồng nàn lấp lánh tính chất trữ tình của những thập niên 60, ca từ chắt lọc, không bừa bãi tùy tiện, chuyển điệu lôi cuốn người nghe cộng với lối hòa âm sang trọng qua thể hiện của những giọng ca hàng đầu Việt Nam đã cho thấy rõ sự trân trọng của tác giả với album này.
Mười nhạc phẩm là sự đầu tư, chăm chút trong từng câu hát, từng chuyển đoạn mang lại những hình ảnh, những sắc thái khác nhau trong dòng cảm xúc của tác giả, đã rất lôi cuốn sự chú ý của tôi. Tôi đã được biết NS Hoàng Song Nhy như một tác giả phổ thơ khá thành công trong Về từ vô vọng, Điệp khúc nửa đêm (Thơ Ai Cơ)… Lần này tôi được nghe thêm bốn tác phẩm phổ thơ rất đặc sắc của ông trong số 10 tình khúc của Album “Có nhau trong đời”. Hẳn là còn nhiều tác phẩm mà tôi chưa được biết đến.
Tuy đây mới chỉ là 10 ca khúc tiêu biểu trong số tác phẩm đã viết trong một thời gian khá dài nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy nhạc của Hoàng Song Nhy có một nét rất riêng.
Những giai điệu, ca từ vừa ấm áp vừa thiết tha, xao xuyến, thêm một chút trăn trở và thấp thoáng đâu đó cái chất ưu tư, một chút triết lý nhẹ nhàng (với Tàn phai, Có nhau trong đời) nhưng có lúc lại thổn thức, trẻ trung hơn (với Em ở đâu, Mưa tháng chin, Mây u hoài…), khi chỉ là chút lãng mạn bâng quơ với sự giao cảm cùng ngoại cảnh (Bâng khuâng, Mưa đêm). Nhưng ở đâu đó vẫn toát lên tình yêu thương con người, yêu cuộc sống. Ông đã có những thao thức về cái hữu hạn trong cái vô hạn của tình đời, tình người và trên hết là tình yêu:” bờ mi khép kín nghe trong hồn tim giá lạnh, đời mong manh tình mong manh…” như tác giả tâm sự trong bài hát cuối “Tàn phai”.
Hoàng Công Luận, cậu con trai út tài hoa trong gia đình âm nhạc này đã đích thân hòa âm phối khí cho CD của Bố. Tôi được biết một số bài trong đây do chính Luận đệm Piano, cùng với vợ anh là Hoàng Anh Tú đệm Violin.
Có lẽ nhờ cảm nhận một cách tinh tế được ý nhạc của Bố – người thầy âm nhạc đầu tiên của anh, từ đó với kỹ thuật hòa âm phối khí điêu luyện, Luận đã cho cảm xúc mình bay bổng qua từng giai điệu, từng tiết tấu, đưa dòng nhạc sâu lắng hơn, thắm thiết hơn vào lòng người (Tình em như sông dài, Mưa tháng chin, Vì sao em buồn, Có nhau trong đời…).
Trong “Tìm anh”, hình ảnh âm u của núi rừng nơi biên giới, đã được tiếng Khèn nhẹ nhàng tô điểm thêm sự cô đơn, u uẩn để nỗi nhớ càng thêm sâu. Hay trong bài “Tàn phai”, Luận đã sử dụng nhiều nhạc cụ đan xen vào nhau một cách rất tài tình, đưa cao trào bài hát lên một mức độ thẩm mỹ rất mới lạ, ray rứt, khắc khỏai mà vẫn rất dễ thương, rất xao xuyến . Về mặt hòa âm, phối khí, album này theo tôi, xứng đáng là một tác phẩm công phu, đầy sáng tạo.
Tôi quý mến gia đình bác Hoàng Song Nhy đã nhiều năm rồi, vì vậy khi nghe tôi có ý định viết một bài cảm nhận về Album này, Bác đã ngần ngại nhắn tôi nên tập trung vào âm nhạc thôi, đừng viết nhiều về gia đình Bác. Sự khiêm tốn, e ngại rất hợp lý vào cái thời buổi “kinh tế thị trường” và những hỗn độn trong âm nhạc ngày nay. Tôi rất tôn trọng ý kiến Bác nên chỉ xin viết về một kỷ niệm nhỏ của riêng mình với Bác trong dịp đi chu du khắp Châu u cùng nhau vào mùa thu năm 2003.
Đó là một đêm thu tuyệt đẹp, khi chúng tôi đưa gia đình bác và NS Hoàng Việt Khanh (anh của Luận) đến thăm Ông bà Fulvio Albano và Sandra Scagliotti - hai người bạn “Văn hóa Việt Nam” của chúng tôi ở Nhà Việt Nam tại một nhà nghỉ hè của hai ông bà trên một sườn đồi trong dãy núi Alpe gần TP Torino nước Ý. Đêm đó thật vui khi bác Hoàng Song Nhy và những người bạn Ý hội ngộ cùng nhau. Họ vượt qua những bất đồng ngôn ngữ để đến với nhau bằng âm nhạc.
Bác hát cho họ nghe những bài hát đã viết tặng người vợ hiền khi phải chia xa, và những bài hát viết về tình yêu và tình người. Khanh đàn guitar, tôi gõ nhịp, Fulvio thổi Saxo phụ họa, Bác Hoàng Song Nhy cầm tay bác gái hát “Tình em như sông dài” (Thơ của Hồ Ngọc Sơn, HSN phổ nhạc) tặng những người bạn Ý thật say sưa bằng tiếng Việt (?). Vậy mà tôi tin chắc rằng họ hiểu và cảm được.
Bà cụ già 80 tuổi mẹ của cô Sandra rưng rưng nước mắt, mang một bó hoa dại mới hái sau sườn núi lúc ban chiều đến tặng cho vợ chồng NS Hoàng Song Nhy, hai người khách Việt Nam đã vượt hơn mười ngàn cây số để đến thăm Torino, để kể cho cụ nghe những câu chuyện bằng âm nhạc về một người phụ nữ Việt Nam đã chờ chồng như thế trong chia cách của chiến tranh. Đêm đó chúng tôi có một đêm quá vui với âm nhạc “không biên giới”. Giờ đây khi nghe lại “Tình em như sông dài” qua giọng ca thật truyền cảm của NSND Quang Lý, lòng tôi như dừng lại với bài hát của một đêm xưa, có hai mái đầu bạc cùng hát về những kỷ niệm xưa trong một đại gia đình.
Vâng, có một gia đình âm nhạc như thế giữa lòng Sài Gòn, và dù cuộc sống cùng dòng đời có đưa đẩy, thăng trầm bao nhiêu lâu đi nữa, thì những kỷ niệm thân yêu dưới một mái ấm gia đình, với một người cha nghệ sĩ vẫn sẽ đọng lại mãi trong những thế hệ tiếp theo trong gia đình văn nghệ ấy. Tôi như vui lây cho bác khi nhận thư email bác gởi về trong chuyến đi Mỹ vừa qua: “...Lần đầu tiên sau 14 năm, anh chi em gặp nhau, Vinh cầm violon chơi lại, Khanh thổi Melodica, Luận đệm Piano, Triết chơi guitar để Quyên và Hằng cùng hát Hoa rụng ven sông … Nếu có thêm Thái Hòa qua đây nữa thì vui quá…”
Nghe hết trọn đĩa nhạc “Có nhau trong đời” của Bác Hoàng Song Nhy, (do Bến thành Audio vừa phát hành) dòng nhạc đã dứt, nhưng lòng tôi vẫn còn âm vang mãi giai điệu mượt mà của những lời ca đầy tình người “… Anh đi xa càng xa, tình em như cỏ hoa… Anh đi biệt tháng ngày, tình em như sông dài…”.
Xin được lần nữa cám ơn NS Hoàng Song Nhy và những tình khúc xa xưa của bác.
Thái Hòa
Tháng 11, 2006
Bình luận (0)