Trà đen được dùng rất phổ biến, từ pha với nước nóng để uống đến làm nguyên liệu trong nhiều loại thức uống khác nhau. Nếu uống trà đen thường xuyên, cơ thể sẽ xuất hiện những thay đổi sau:
Trà đen mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhờ hàm lượng chất chống ô xy hóa cao |
SHUTTERSTOCK |
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Bệnh tim là một trong những căn bệnh giết người nhiều nhất thế giới. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 655.000 người chết vì bệnh tim, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) cho biết.
Nồng độ cholesterol cao và bệnh tiểu đường là những yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, trà đen lại có thể làm giảm tác động của những vấn đề này với tim, theo Healthline.
Môt nghiên cứu đăng trên chuyên san Preventive Medicine cho thấy uống 3 ly trà đen, khoảng 600 ml, mỗi ngày trong suốt 12 tuần có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở những người tham gia thí nghiệm.
Lợi ích này có được là nhờ trà đen đã giảm 35,8% chất béo trung tính triglyceride, giảm 18,4% mức đường huyết lúc đói và cải thiện 16,5% nồng độ cholesterol tốt HDL trên những người tham gia thí nghiệm. Chính những chất chống ô xy hóa mạnh trong trà đã mang lại những tác động tích cực này với sức khỏe.
Có thể làm dạ dày khó chịu
Với một số người, uống trà đen khi bụng đói, đặc biệt là vào buổi sáng, có thể khiến dạ dày cảm thấy khó chịu và gây buồn nôn. Tình trạng này đặc biệt dễ xảy ra với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Nguyên nhân là do tannin, nhóm chất tạo ra vị chát trong trà gây ra.
Để giảm tác động tiêu cực này của tannin, nếu uống khi đói thì người uống có thể ăn một ít gì đó hoặc uống sữa chung với trà đen. Carbohydrate trong thức ăn và protein trong sữa sẽ làm giảm cảm giác buồn nôn của tannin.
Trong trà có nhiều loại tannin khác nhau, trong đó có 2 loại là theaflavins và thearubigin có đặc tính chống ô xy hóa mạnh. Chính 2 chất này làm trà đen có màu sẫm. Ngoài ra, một số chất tannin trong trà còn có tác dụng chống ung thư.
Kích thích lợi khuẩn phát triển
Chất tannin trong trà có thể khiến dạ dày khó chịu nhưng lại rất có lợi cho vi khuẩn đường ruột. Tannnin có thể thúc đẩy lợi khuẩn phát triển mạnh và tác động tích cực đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là ruột già.
Các lợi khuẩn trong ruột giữ những chức năng quan trọng như phân hủy thức ăn, sản xuất một số loại vitamin và chống lại một số mầm bệnh từ thực phẩm. Đường ruột khỏe mạnh góp phần duy trì sức khỏe ở trạng thái tối ưu, theo Healthline.
Bình luận (0)