Có thể tăng gấp đôi phí bán trú

30/08/2012 03:20 GMT+7

UBND TP.HCM đã đồng ý cho các quận, huyện tự quyết định mức thu phí phục vụ và quản lý bán trú, vệ sinh phí. Phụ huynh học sinh đang hồi hộp không biết khoản tiền này sẽ tăng như thế nào ở các trường.

>> Tỷ lệ trường bán trú ngày càng giảm
>> Hỗ trợ học sinh bán trú
>> Thiếu tiền ăn, trường tiểu học dừng bán trú

Để tránh lạm thu

Từ năm 1998, cùng với học phí các bậc học, UBND TP.HCM quy định luôn mức thu các khoản khác của mô hình bán trú trong trường học. Cụ thể phí phục vụ và quản lý bán trú bậc mầm non là 50.000 đồng/học sinh (HS)/tháng, các bậc học còn lại là 30.000 đồng/HS/tháng, phí vệ sinh là 5.000 đồng/HS/tháng. Theo lý giải của lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng như hiệu trưởng các trường thì sau 14 năm, mức thu trên đã rất lạc hậu vì nhà nước đã có 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu; trong khi đội ngũ bảo mẫu chăm lo công tác bán trú không thuộc biên chế nhà nước nên chỉ trông chờ vào khoản phí phục vụ bán trú. Tính ra mỗi ngày phụ huynh chỉ trả khoảng 1.000 đồng cho việc ăn uống, ngủ nghỉ ở trường buổi trưa của con em mình. Như vậy, trung bình mỗi lớp có 45 HS thì lương bảo mẫu chưa đến 1,5 triệu đồng/tháng.

 HS bán trú
Mức thu phí phục vụ bán trú cho HS sẽ đồng loạt tăng trong năm học mới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo đánh giá của Sở, do mức thu nhập thấp nên khó tuyển được bảo mẫu vào làm việc. Không ít trường thực hiện các khoản thu khác thiếu minh bạch trong cơ cấu tài chính. Trên thực tế, vài năm trở lại đây, các trường đều kêu gọi sự hỗ trợ của cha mẹ HS cho hoạt động chăm sóc bán trú từ 20.000 - 50.000 đồng/tháng/HS.

Do đó, năm học này, UBND TP đã đồng ý đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM cho các quận, huyện tự quyết định mức thu phí dịch vụ bán trú dưới dạng thỏa thuận với phụ huynh HS nhằm xóa bỏ tình trạng lạm thu và thu hút lực lượng bảo mẫu.

 

Sau khi đạt được thỏa thuận với phụ huynh, không có cớ gì các trường kêu gọi hỗ trợ thêm. Sở sẽ giám sát và kiểm tra mạnh vấn đề này để đảm bảo tính minh bạch của chủ trương

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Sở GD-ĐT cùng với Sở Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn liên sở về các khoản thu này”. Phòng GD có nhiệm vụ tham mưu đề xuất mức thu cụ thể để UBND các quận huyện ban hành quy định. Theo văn bản hướng dẫn liên sở ngày 27.8 vừa qua, các khoản thu theo thỏa thuận phải công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi. Ông Nam nói thêm: “Mỗi quận huyện có đặc thù riêng, đời sống dân cư cũng khác nhau nên để các địa phương thỏa thuận với phụ huynh về loại dịch vụ này và đưa ra mức thu cụ thể là hợp lý nhất. Sau khi đạt được thỏa thuận với phụ huynh và với nguyên tắc thu chi như trên, không có cớ gì các trường kêu gọi hỗ trợ thêm. Sở sẽ giám sát và kiểm tra mạnh vấn đề này để đảm bảo tính minh bạch của chủ trương”.

Như vậy, cùng với tiền ăn, 2 khoản thu nói trên sẽ chính thức tăng vào năm học này. Mức thu cụ thể như thế nào đang được các quận huyện tính toán. Ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng GD Q.4, cho biết: “Các trường đang thăm dò ý kiến phụ huynh, tính toán qua thực tế trường mình và chắc chắn 2 khoản thu này sẽ tăng so với những năm trước”.

Những người đứng đầu ngành GD của các quận đều cho rằng tăng phí bán trú sẽ phù hợp để đảm bảo trả lương cho đội ngũ chăm sóc HS và cũng để những người làm giáo dục không phải đứng ra xin tiền phụ huynh HS vào mỗi đầu năm học.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD, cũng khẳng định: “Đến lúc danh chính ngôn thuận rồi thì các trường hay ban đại diện cha mẹ HS không được phép kêu gọi phụ huynh hỗ trợ những khoản thu này nữa”.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD Q.11, cho biết: “Quận quy định tiền ăn từ 23.000 - 25.000 đồng/ngày/HS, năm học trước là 20.000 đồng/ngày/HS”. Ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GD Q.Phú Nhuận, thông tin: “Tiền ăn sẽ tăng lên chút đỉnh, phòng sẽ quy định mức sàn và trần, các trường có thể dao động trong khoảng đó. Riêng phí bán trú, quận dự kiến sẽ quy định một mức chung cho các trường trên cơ sở tính toán, cân đối làm sao để bảo mẫu có thể thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng”. Được biết năm học trước, tiền ăn thấp nhất ở quận này là 25.000 đồng/ngày. Một lãnh đạo Phòng GD Q.9 cho hay: “Năm học này tiền ăn có thể sẽ tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/ngày”. Riêng khoản phí bán trú phòng GD tham mưu với UBND quận quy định 46 trường bao gồm mầm non, tiểu học và THCS thành 2 khu vực là đô thị và vùng sâu với mức phí khác nhau.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng GD Q.Tân Bình, chia sẻ: “Các trường đề xuất trên cơ sở tính toán cụ thể sau đó phòng GD sẽ thống kê để tính ra mức thu trung bình. Năm trước, tiền ăn là khoảng 20.000 đồng/ngày thì năm nay chắc chắn sẽ tăng hơn vài ngàn vì vật giá biến động. Tương tự phí bán trú, quận sẽ quy định giới hạn và các trường có mức thu cụ thể phù hợp”.

Đừng “té nước theo mưa”

“Giá cả biến động như vậy nên việc tăng phí bán trú để thu hút và chăm lo đời sống bảo mẫu trường học là phù hợp. Tuy nhiên, không phải nghĩ xấu về ngành giáo dục, nhưng trong hơn ngàn trường học, không phải trường nào, quận nào cũng sòng phẳng về tiền bạc. Do đó, chúng tôi chỉ mong các quận huyện, các trường có sự tính toán chính xác, cụ thể, hợp lý. Đừng “tát nước theo mưa”, có cơ hội là tăng một cách triệt để, vô tội vạ mà không nghĩ đến phụ huynh còn phải lo nhiều khoản khác cho con em”.

Nguyễn Hoàng Thảo Trang - phụ huynh HS tại Q.Bình Thạnh

Phải sòng phẳng

“Trước đây, thu giá cũ thì trả lương thấp cho bảo mẫu nên trường nào cũng kêu gọi phụ huynh hỗ trợ thêm để chăm lo. Năm nay, thay đổi mức thu thì các trường phải thực hiện việc này một cách sòng phẳng. Tuy không được huy động nữa nhưng phụ huynh rất khó xử bởi phản đối thì sợ ảnh hưởng đến con mình còn tiếp tục đóng thì rất khó chịu”.

Trịnh Hồng Vân - phụ huynh học sinh mầm non tại Q.5

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.