(TNO) Là người luôn có mặt ở vị trí tiên phong trong các bước ngoặt về đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam từ những năm 60 cho đến nay, cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ luôn thể hiện tinh thần một lòng vì Tổ quốc, ông cũng là người từ rất sớm thể hiện tư tưởng nhất quán về đường lối độc lập, tự chủ, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ cùng đoàn Việt Nam đến Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Paris (Pháp) để đàm phán về việc bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1977) - Ảnh: Sách ảnh 65 năm ngoại giao Việt Nam (1945-2010), Nhà xuất bản Thông tấn 2010
|
Theo Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật và Mỹ, ký ức lớn nhất không chỉ của ông mà còn của nhiều thế hệ cán bộ ngành Ngoại giao về cố Thứ trưởng Trần Quang Cơ là một con người người hết mực trong sáng, toàn tâm, toàn ý với đất nước.
|
|
|
Trong lĩnh vực nghiên cứu, Thứ trưởng Trần Quang Cơ được coi là một “cây đa, cây đề” của ngành ngoại giao. Từ rất sớm, ông đã tổ chức các nhóm nghiên cứu chiến lược về những vấn đề liên quan trực tiếp đến Việt Nam cũng như các vấn đề về xu thế của chung thế giới, nghiên cứu các nước lớn...
Ông là người luôn mong muốn đất nước phát triển, một lòng vì Tổ quốc. Tham gia giải quyết các vấn đề đối ngoại lớn của Việt Nam, ông luôn nhất quán tinh thần, quan điểm độc lập, tự chủ để xử lý phù hợp, đem lại lợi ích lớn nhất cho đất nước...
Rất nhiều bài học, suy nghĩ, đánh giá của ông trong đó có những điều được ông thể hiện trong cuốn hồi ký của mình cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị
|
|
|
Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến
|
|
|
“Điều có thể nhận thấy rõ là ông luôn đặt cái chung lên trên hết, không hề có ham muốn chức vụ hay lợi ích riêng cho riêng mình. Như nhiều người cũng đã biết, chuyện ông từng từ chối không nhận chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng như chủ động xin rút lui khỏi Ban Chấp hành T.Ư là minh chứng rõ nhất cho điều ấy”, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến nói.
Điều mà ông Tâm Chiến “không thể quên được” về cố Thứ trưởng Trần Quang Cơ còn là sự khảng khái, khách quan, trung thực, kiên cường mà ông từng có nhiều dịp được thấy tận mắt chứng kiến, trong thời kỳ làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp cũng như gián tiếp của cố thứ trưởng Trần Quang Cơ trong suốt 8 năm (1984-1992) tại Vụ Tổng hợp (Bộ Ngoại giao).
“Tôi từng nhiều lần được chứng kiến những pha tranh luận thẳng thắn, thậm chí rất “dữ dội” giữa ông Trần Quang Cơ với Bộ trưởng và thậm chí với cả những đồng chí lãnh đạo cấp cao hơn để bảo vệ chính kiến của mình. Thẳng thắn, quyết liệt, không ngại va chạm như vậy nhưng ông cũng được cấp trên hết sức tin tưởng, đánh giá cao vì ông luôn vì công việc, vì đất nước”, Đại sứ Tâm Chiến nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, nguyên thư ký của Thứ trưởng Trần Quang Cơ, giai đoạn ông Trần Quang Cơ làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (1986-1997) cũng gắn với thời kỳ đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn Đổi mới. “Năm 1997 khi ông nghỉ hưu cũng là thời điểm Việt Nam cơ bản hoàn thành việc
thiết lập quan hệ với nhiều quốc gia, giải quyết xong vấn đề Campuchia, gia nhập ASEAN, bình thường hoá quan hệ với Mỹ, Trung Quốc”, ông Nam nói.
“Trong toàn bộ giai đoạn hoàn thành thành công chính sách Đổi mới đó thì ông là người có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là thời kỳ ông là Thứ trưởng thứ nhất phụ trách mảng nghiên cứu chiến lược. Cùng với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, ông đã tham mưu và trực tiếp thực hiện thành công chính sách đổi mới trong đối ngoại, tạo dựng được một môi trường hoàn toàn hội nhập của Việt Nam với cộng đồng thế giới”, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nhận định.
Theo ông Vũ Hồng Nam, trong việc xử lý các vấn đề như phá thế bao vây, cô lập Việt Nam, bị đối đầu ngay với các nước Đông Nam Á, rồi hàng loạt công việc trong quan hệ đối ngoại lúc đó phải xử lý thì vai trò của cố Thứ trưởng Trần Quang Cơ là rất quan trọng.
“Trong suốt 12 năm kể từ 1979, khi tham gia đàm phán giải quyết vấn đề Campuchia, ông cũng có vai trò nổi bật. Ông được coi là cánh tay phải của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong việc xử lý, tạo nên giải pháp cho Campuchia vào đầu những năm 90. Chính ông đã là người tham mưu và trực tiếp tham gia thực hiện các cuộc đàm phán để bảo vệ quyền lợi của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trước những tác động từ nhiều phía”, ông Nam cho biết.
Toàn cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 - Ảnh: Sách ảnh 65 năm ngoại giao Việt Nam (1945-2010), Nhà xuất bản Thông tấn 2010
|
Thành công lớn nhất của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, theo đánh giá của Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, là đã giữ lợi ích tối đa cho Campuchia, hạn chế sự can thiệp của các nước lớn.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, trong giai đoạn làm Đại sứ tại Thái Lan (1982-1986) ông Trần Quang Cơ cũng đã có vai trò lớn, trong việc xây dựng quan hệ với Thái Lan, tạo nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa ASEAN và Việt Nam sau này mà Thái Lan đóng vai trò tiên phong.
Nhận định khái quát về vai trò của cố Thứ trưởng Trần Quang Cơ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Hà Huy Thông khẳng định ông Trần Quang Cơ là người luôn có mặt ở vị trí tiên phong trong các bước ngoặt về đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam từ những năm 60 cho đến nay. Ông Thông nguyên cán bộ Vụ châu Mỹ Bộ Ngoại giao và có nhiều năm làm việc cùng ông Trần Quang Cơ.
“Ông là người đã tham gia hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam trong hầu hết những giai đoạn lịch sự quan trọng, từ đàm phán Hiệp định Paris (1973), đàm phán Việt - Mỹ thời kỳ 1977-1978, xử lý vấn đề Campuchia (1979-1991) đến giai đoạn đa phương hóa, đa dạng hoá kể từ sau Đại hội Đảng 6 như bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (1991), Hoa Kỳ (1995), gia nhập ASEAN (1995),.. Ông cũng là tấm gương sáng về đạo đức, không màng danh lợi, luôn vì công việc chung đặt lợi ích cá nhân mình xuống dưới…”, ông Hà Huy Thông nói.
Theo ông Hà Huy Thông, trong suốt thời kỳ được làm việc dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Quang Cơ cũng như những dịp tiếp xúc sau này có thể thấy “tư tưởng lớn và nhất quán của Thứ trưởng Trần Quang Cơ là độc lập, tự chủ,
đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết”.
Theo ông Thông, những tư tưởng này đã được ông Trần Quang Cơ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và một số lãnh đạo khác của Bộ Ngoại giao đưa ra trao đổi, thảo luận khá nhiều trong nội bộ ngành ngoại giao từ rất sớm.
“Có thể nói đó là những tư tưởng tiền đề thúc đẩy tạo nên những bước ngoặt lớn về tư duy đối , nhận thức về các vấn đề quốc tế và đối ngoại của đất nước từ sau Đại hội Đảng 6 (12.1986)”, ông Hà Huy Thông nhận định.
Theo ông Hà Huy Thông, trong giai đoạn đàm phán bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Thứ trưởng Trần Quang Cơ cùng thứ trưởng Lê Mai là những người đã chỉ đạo trực tiếp. “Giai đoạn Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu nối lại quan hệ, việc mở cửa cơ quan liên lạc tại Mỹ, cử các đoàn tiền trạm...ông cũng chính là người sát sao, đôn đốc”.
Thứ trưởng Trần Quang Cơ và các thành viên phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế về Campuchia tại Paris (Pháp) năm 1991 - Ảnh: Sách ảnh 65 năm ngoại giao Việt Nam (1945-2010),
Nhà xuất bản Thông tấn 2010
|
Theo ông Thông, tại một hội thảo gần đây về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, nguyên Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Bàng cũng đã đề nghị việc ghi nhận công lao của của một số cá nhân trong việc thúc đẩy, đàm phán bình thường hoá quan hệ với Mỹ mà trước nay chưa được nhắc đến nhiều trong đó có Thứ trưởng Trần Quang Cơ, Thứ trưởng Lê Mai...
Đồng tình với quan điểm này ông Vũ Hồng Nam cho rằng, ông Trần Quang Cơ có vai trò rất lớn của ông trong việc thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với Mỹ nhưng chưa được nhiều người biết đến. “Thứ trưởng Trần Quang Cơ là người đầu tiên được cử đi tiếp xúc, trao đổi với phía Hoa Kỳ ở cấp trung tại Bangkok (Thái Lan) nhưng một sự cố về sức khoẻ ông đã không tham gia được chuyến đi đó và Thứ trưởng Lê Mai đã thay thế”, ông Vũ Hồng Nam kể lại.
Liên quan đến việc giải quyết vấn đề Campuchia, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Hà Huy Thông cho rằng ông Trần Quang Cơ là người đã có những quan điểm rất quan trọng để xử lý vấn đề này. “Đó là quan điểm chúng ta độc lập, tự chủ nhưng đồng thời cũng phải rất tôn trọng độc lập, tự chủ của bạn. Đó là một tư tưởng rất lớn vào thời điểm đó”, ông Thông nói.
Theo ông Hà Huy Thông, Thứ trưởng Trần Quang Cơ cũng là người có quan điểm trong quan hệ đối ngoại vấn đề lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên vấn đề ý thức hệ theo đúng phương châm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… “Cho đến khi câu chuyện biển Đông trở nên nóng bỏng trở lại với những thách thức đe doạ an ninh chủ quyền của Việt Nam thì chúng ta có thể thấy những suy nghĩ, tầm nhìn, dự báo của ông đúng đắn như thế nào…”, ông Thông cho biết.
Bình luận (0)