|
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, vẫn còn nhớ như in cây đèn gốm niên hiệu Diên Thành 5 (1582) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. “Đấy là một cây đèn đẹp, quý hiếm. Chưa kể, nó lại có minh văn (chữ khắc) rõ ràng. Làm nghiên cứu lịch sử văn hóa, có được một hiện vật có minh văn như thế quý lắm”, ông Tín nói. Đây là cây đèn gốm thời Mạc còn nguyên vẹn. Chỉ riêng điều đó đã rất khó. Theo ông Tín, do chiến tranh và nhiều yếu tố khách quan, hiện vật gốm Mạc còn lại không nhiều.
PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết đèn có chiều cao 74,5 cm, gồm 2 phần rời lắp khớp lại. Hoa văn trang trí nổi ở phần thân và phần dưới chân đèn gồm hình rồng, vạch đứng song song, răng cưa, cánh sen, xen kẽ hình bông hoa 8 cánh nhọn, hình yên ngựa. Ngoài phần để mộc, phần còn lại được phủ men lam xám sẫm, có độ trong bóng và dày. Vai và thân trên của đèn phình ra, thân dưới eo.
Phần minh văn mà ông Tín nói khá dài. Khi dịch nghĩa, có đoạn văn sau: “Hoàng đế muôn tuổi, thiên hạ thái bình, chúng sinh đều được nhận phúc thọ dài lâu. Thôn My Xuyên, chùa Thanh Lan, xã Lai Khê, huyện Thanh Lâm 5 người cung tiến: Nguyễn Khắc Cán, Phạm Thị Duy, Bùi Thị Đoạt, Nguyễn Thị Tòng, Đặng Thị Đường. Xã Văn Phạm 7 người cung tiến: Hoàng Khắc Tuân, Hoàng Khắc Miễn, Phạm Đạo Cộng, Phạm Chất, Phạm Khắc Hải, Đặng Văn Can, Phạm Thị Quyết. Các cụ già họ Phạm ở Mai Động, Xuân Sơn, Lương Tuần. Xã Phạm Sơn: Hội chủ là nhà sư Tỳ Khưu Nguyễn Đức Long tự Tuệ Tín. Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm tạo tác vào niên hiệu Diên Thành 5”.
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, trên chân đèn có rất nhiều thông tin quan trọng về thời gian ra đời của tác phẩm, người đặt hàng tác phẩm cùng quê quán, tên người chế tác. “Chúng bổ sung tài liệu cho việc nghiên cứu về các ngôi chùa nói riêng và đạo Phật nói chung”, ông Chiến phân tích. Cùng với nhiều minh văn khác, những minh văn này cho thấy một thời kỳ nhiều tầng lớp từ quý tộc như hoàng thân, công chúa đến bình dân đều muốn đặt chân đèn và lư hương để cung tiến cho các ngôi chùa ở nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc bộ.
Phát hiện đèn quý từ một vụ buôn bán đồ cổ
Ông Chiến nói chân đèn này mang những hoa văn tiêu biểu mà tác giả Đặng Huyền Thông (sống vào thế kỷ 16) thường sáng tác. Qua so sánh nhiều tác phẩm đồ gốm, Đặng Huyền Thông được các nhà nghiên cứu đánh giá là người tiêu biểu, đỉnh cao của nghệ thuật gốm thời Mạc. Tạo hình tác phẩm của ông mang phong cách cá nhân rõ nét. “Trang trí hoa văn trên các tác phẩm gồm nhiều đề tài như hoa sen, hoa cúc, hoa dây, hình rồng, hình học... với rất nhiều bố cục khác nhau. Ông không sử dụng đề tài tứ linh mà chỉ có hình rồng, với 15 kiểu khác nhau. Đặc biệt, các hoa văn hình học như băng răng cưa, vạch thẳng song song... được coi là nối tiếp phong cách truyền thống văn hóa Đông Sơn”, ông Chiến phân tích.
PGS-TS Trịnh Sinh, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khảo cổ học, đưa ý kiến cây đèn này tiêu biểu cho thú chơi đèn gốm thời Lê - Mạc. Trong thời kỳ này, người thợ gốm đua tài bằng cách làm ra nhiều cây đèn chân cao, trang trí phức tạp. Chẳng hạn, có những cây đèn gốm trang trí hình rồng nổi đang nhả ngọc, có vảy, móng, râu. Xen với hình rồng là hoa văn mây lá, hoa, cây cỏ. Nhiều đèn còn có các dòng chữ Hán. Ông Sinh cũng cho rằng trong lịch sử các loại đèn ở nước ta, đèn gốm chiếm nhiều nhất.
PGS-TS Tống Trung Tín thì đặc biệt nhấn mạnh về tác giả cây đèn: “Nếu thời đó mà có danh hiệu nghệ nhân nhân dân, chắc tác giả Đặng Huyền Thông cũng sẽ được trao. Đó là một tác giả gốm xuất sắc”.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, tiết lộ cây đèn quý được Công an tỉnh Hà Tây (cũ) thu giữ trong một vụ buôn bán cổ vật, sau đó chuyển lại cho Bảo tàng Hà Tây năm 1993. Năm 2008, Bảo tàng Hà Tây sáp nhập Bảo tàng Hà Nội và cây đèn hiện diện ở bảo tàng từ đó đến nay. TS Phạm Quốc Quân cho biết hiện nay rất nhiều hiện vật gốm của Đặng Huyền Thông có mặt trong các bộ sưu tập nước ngoài.
Bình luận (0)