Những công trình khai quật ở châu Á đã làm hiển lộ một số đồ gốm hoa lam có xuất xứ từ Việt Nam như tại Mindanao (Philippines) và một số đã trở thành những món đồ cổ hiếm quý được giới sưu tập tìm mua tại đây.
Đơn lẻ tại vùng Tây Á có một đĩa hoa lam với đường kính 44 cm chế tác từ Việt Nam trở nên nổi tiếng trong thế giới của những nhà sưu tập Hồi giáo, là vì đĩa hoa lam này do một nhân vật lừng lẫy trong thế giới Hồi giáo là Shah Abbas làm lễ hiến dâng lên đền thờ Ardebit từ đầu thế kỷ 17.
Chúng có thể được chuyển đi bằng con đường gốm sứ của biển Đông và được nhắc đến trong nhiều tài liệu. Tất cả điều đó nói lên sự hiện hữu của huyết mạch giao thương có từ bao đời trên hải phận Việt Nam. Mà trên đường ấy, có một con tàu xấu số đã chìm dưới vùng biển Cù lao Chàm thuộc phố cổ Hội An. Vậy, ai là những người đầu tiên đã phát hiện ra nó?
Không ai khác hơn là những ngư dân vô danh cư ngụ tại cù lao ấy, dù họ đã gây ra sự xáo trộn bề mặt di tích bởi những cào xới, tìm lặn dưới đáy nước. Họ sống những ngày phập phồng vì sự đe dọa của bão biển. Chẳng hạn, vào những thập niên giữa thế kỷ 20,
Cù lao Chàm thường rơi vào tình trạng biệt lập với đất liền hàng tuần, có khi kéo dài gần cả tháng trong những ngày biển động cấp 7 cấp 8 trở lên. Những ngày đó, Cù lao Chàm chỉ liên lạc được bằng đường điện thoại. Sau này, tàu cao tốc vận chuyển hành khách từ phố cổ Hội An ra đó cũng đành phải neo đậu tại cửa Đại chứ không vượt sóng đến cù lao trong những cơn bão dữ.
240.000 hiện vật Về phía Nhà nước, các thông báo chính thức sau này cho biết tàu đắm cổ Cù lao Chàm được phát hiện vào khoảng những năm đầu thập niên 1990 của thế kỷ 20, đến năm 1997 thực hiện Quyết định số 653 VH/QĐ ngày 27.3.1997 của Bộ VH-TT, Ban khai quật tàu đắm cổ Cù lao Chàm đã khảo sát và khai quật con tàu cổ này trong 3 năm 1997 - 1999. Kết quả đã vớt được trên 240.000 hiện vật còn nguyên vẹn và hàng vạn mảnh vỡ gốm sứ, hầu hết có xuất xứ từ vùng Chu Đậu (Hải Dương), niên đại khoảng thế kỷ 15 - 16. |
Có khi phải dùng đến tàu công suất lớn 350 CV để vượt 15 km đường biển sóng gió để chở gạo, dầu và chất đốt ứng cứu dân trên xã đảo. Đầu thế kỷ 21, chính quyền mở nhiều đợt hỗ trợ miễn phí cho ngư dân nghèo trong những thời điểm thời tiết bất lợi. Nếu thời tiết thuận lợi, ngư dân trên Cù lao Chàm sẽ có được mùa cá trích hằng năm.
Cách đây vào khoảng 20 năm trước, khi mùa lưới cá trích của họ bị thất bát vì biển động kéo dài, lương thực cạn kiệt, một số ngư dân đã rời đảo vào bờ tìm đến bà con thân thuộc để vay mượn chút ít, hoặc làm thuê, gánh mướn kiếm gạo. Một số người đã mang theo những chồng bát dĩa vớt lên từ những chuyến rà lặn dưới đáy nước sâu. Số khác ghé vào nhà bà con cũng là ngư dân sinh sống ở các xã ven biển Hội An để ở tạm và trong cơn túng quẫn họ cũng được những người bà con tốt bụng ấy cấp cho những chồng bát đĩa tương tự đem ra chợ bán.
Đó là những chồng bát đĩa mà dưới mắt họ “đã cũ mèm” và có giá bán “rẻ rề”, chỉ 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng một chiếc giá lẻ, còn giá bán sỉ thấp hơn nhiều. Có thể nói, trong 5 năm, từ 1990 đến 1995, thậm chí trước đó vài năm nữa, từng chồng bát đĩa lẫn lộn với nhiều cổ vật do ngư dân vớt lên từ vùng biển Cù lao Chàm đã được bày bán la liệt, từ “thượng chùa Cầu đến hạ m Bổn” của phố cổ Hội An, mà sau này số cổ vật ấy ước tính lên tới con số ngót hàng vạn.
Điều đó đã được các nhà khảo cổ học, sử học như TS Đặng Văn Thắng đến từ TP.HCM và nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành ở Hà Nội ghi nhận. TS Thắng đến Hội An để tham gia khai quật tàu đắm Cù lao Chàm đợt đầu cho chúng tôi biết: “Khi đi dạo phố với các chuyên gia nước ngoài tham gia đợt khai quật khảo cổ học đầu tiên ở Việt Nam nằm trong vùng Cù lao Chàm, chúng tôi thấy rất nhiều cổ vật bày bán trong các tiệm ở đường Trần Phú”.
Ông Tăng Bá Hoành cũng nói rõ đã sưu tầm được một số cổ vật gốm xuất xứ từ tàu đắm Cù lao Chàm được ngư dân đem ra bán trước khi có cuộc khai quật, với sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và ngành văn hóa nước nhà. Khi đoàn khai quật đến và vùng di tích Cù lao Chàm được khoanh vùng vào năm 1997 thì các cổ vật trong tàu đắm do ngư dân vớt lên đã không còn được bày bán nhiều như trước nữa. Và dĩ nhiên giá của các món cổ vật cũng tăng cao hơn. Cụ thể: “mỗi chiếc đĩa gốm hoa lam khoảng 2 tấc đã lên đến 1 triệu đồng hoặc hơn” - TS Thắng ghi nhận như thế.
(Còn tiếp)
Giao Hưởng
Bình luận (0)