Tiến sĩ (TS) Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (TTCĐ) Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết hằng năm trung tâm tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc đông dược, trong đó không ít bệnh nhân đã tử vong do độc chất từ vị thuốc gây nên.
Một trong những ca đáng nhớ nhất, theo TS Phạm Duệ là cháu bé 4 tuổi, nhập viện khi thể trạng rất yếu, ngồi không vững, mất ý thức. Trước khi vào TTCĐ, bệnh nhi đã phải điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi do thiếu máu nghiêm trọng (chỉ số hồng cầu chỉ còn 700 nghìn so với mức độ bình thường phải là 4 - 5 triệu). Sau điều trị cấp cứu, BV Nhi Trung ương chuyển bệnh nhân đến TTCĐ để tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu.
Điều trị ngộ độc đông dược đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền bạc. Nếu ở mức độ nặng, suy gan, thì chỉ riêng chi trả cho lọc máu (gan nhân tạo) đã lên đến 10 triệu đồng/lần lọc. Chi phí có thể lên đến cả trăm triệu đồng/đợt điều trị nhưng bệnh nhân vẫn có thể phải chịu những tác hại lâu dài do độc chất gây nên. (TS Phạm Duệ, Giám đốc TTCĐ BV Bạch Mai) |
"Khi đó, các xét nghiệm đã xác định cháu bé bị ngộ độc kim loại với mức độ rất nặng. Đó chính là nguyên nhân gây thiếu máu, dẫn đến suy kiệt", TS Duệ nhớ lại. Qua tìm hiểu, gia đình bệnh nhân cho biết 2 tháng trước nhập viện, cháu bé đã 1 lần lâm vào tình trạng này sau gần 3 tháng uống thuốc đông y điều trị động kinh của thầy lang. Trước khi uống thuốc, cháu bé có thể trạng bình thường, biết nói, biết hát như các trẻ cùng trang lứa. Đem vị thuốc chữa động kinh của thầy lang đi xét nghiệm, kết quả cho thấy trong đó có chứa đến 3 kim loại nặng asen, thủy ngân, chì. "Bệnh nhi đã phải điều trị giải độc kim loại suốt một năm sau đó. Mặc dù bình phục, nhưng cháu đã bị di chứng nặng nề: giảm sút trí tuệ, không thể đi học được", TS Phạm Duệ nói.
Đông dược chứa tân dược
TS Phạm Duệ cho biết đông dược cũng có nhiều vị thuốc chứa độc tố. Ví dụ, một số bài thuốc đông dược, đặc biệt là các viên thuốc "tễ" có thể chứa vị thuốc là kim loại nặng gây độc như: asen, thạch tín, thủy ngân, chì. Một số vị thuốc từ cây cỏ cũng rất độc như mã tiền, củ ấu tàu... Thực tế, rất nhiều người dùng ấu tàu nấu cháo, ngâm rượu để uống bồi bổ. Trong khi đó, theo nghiên cứu của TTCĐ, củ ấu tàu rất độc. Ngay cả đông y, trước khi sử dụng, ấu tàu phải qua bào chế rất công phu: luộc nhiều lần, rồi sao tẩm cho giảm độc.
Bác sĩ Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý y dược học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo: "Hiện có một số mặt hàng đông dược xuất xứ từ Trung Quốc, chưa được cấp phép, không rõ nguồn gốc, nhưng vì truyền miệng nhau nên nhiều người sử dụng. Người dân không được sử dụng những loại thuốc này. Khi sử dụng đông dược, cũng cần phải có hướng dẫn của người có chuyên môn giống như mua và sử dụng thuốc tây; mua thuốc thành phẩm hay dược liệu phải mua ở những cơ sở, phòng chẩn trị đàng hoàng, được cấp phép, không được mua thuốc theo quảng cáo, rao trên mạng; đặc biệt không nghe một số người rao bán dạo là thuốc gia truyền". |
Trong Đông y còn có bài thuốc "trục thủy", được thầy lang lý giải là bài thuốc giúp thải độc cho bệnh nhân. "Nếu dùng không đúng, không được theo dõi thì trục thủy gây tiêu chảy, tiểu nhiều dẫn đến mất nước, mất điện giải. Bệnh nhân được dùng bài thuốc này có thể vô niệu dẫn đến suy thận", TS Phạm Duệ lưu ý. TTCĐ từng tiếp nhận một bệnh nhân nam thanh niên, quê Bắc Giang, trong tình trạng hôn mê, vàng da. Trước nhập viện khoảng 5 ngày, bệnh nhân bị sốt, sau đó mua thuốc lá của thầy lang về sắc uống. Thế nhưng, chưa hết số thuốc đó thì đã lâm tình trạng nặng. Dù được cấp cứu tại TTCĐ nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi do nhiễm độc nặng.
Đáng lưu ý, không ít bệnh nhân phải cấp cứu sau khi sử dụng thuốc tễ điều trị thấp khớp. Các bác sĩ điều trị đã phát hiện đó là các ca ngộ độc do sử dụng quá liều tân dược. Tân dược đã bị bỏ lén vào thuốc "đông dược" để tăng thêm tác dụng cho bệnh nhân viêm khớp. Do nghĩ rằng thuốc đông dược là "lành tính", vả lại uống lại thấy hiệu nghiệm nên có bệnh nhân uống kéo dài triền miên. Bệnh nhân đâu biết rằng trong bài thuốc đó có kèm gói thuốc bột hoặc viên thuốc tễ có chứa corticoid - loại thuốc có tác dụng chống viêm mạnh nhưng cũng có rất nhiều tác dụng phụ, dùng lâu dài dẫn đến nhiều biến chứng gây chết người như hội chứng "cushing"; bệnh nhân teo cơ, phù mặt, béo bụng, sạm da, rạn da, loãng xương, suy giảm miễn dịch dẫn đến nhiễm trùng nặng, tiểu đường...
Chỉ sử dụng đông dược có nguồn gốc
Một điểm khá trùng hợp là hầu hết những ca ngộ độc đông dược đều sử dụng thuốc của các "lang băm" hoặc tự ý sử dụng mà không biết công dụng rõ ràng... "Trong Đông y, có những bài thuốc hay chữa trị bệnh hiểm nghèo, nhưng đó phải là bài thuốc thực sự gia truyền, được đúc kết qua nhiều đời. Đặc biệt, bài thuốc đó phải được kê đơn minh bạch bởi những người có kinh nghiệm. Để trị bệnh bằng đông dược, bệnh nhân cần đến những cơ sở y tế có địa chỉ rõ ràng, các bệnh viện, các khoa y học cổ truyền, các cơ sở hoạt động hợp pháp", TS Phạm Duệ đưa ra lời khuyên.
Về kiểm soát thị trường đông dược, bác sĩ Trần Hữu Vinh - Trưởng phòng Quản lý y dược học cổ truyền sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn TP.HCM có 1.004 phòng chẩn trị y học cổ truyền và khoảng 386 cơ sở bán dược liệu. Để mở phòng chẩn trị, hay cơ sở bán dược liệu phải được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề. Với những loại thuốc được gọi là "thuốc gia truyền", thầy thuốc đông y phải đăng ký với cơ quan quản lý và chỉ được phép sử dụng thuốc gia truyền ở cơ sở mình khám chữa bệnh, không được phép bán ra ngoài thị trường. Với những cơ sở bán dược liệu, quy định tất cả các dược liệu phải có nguồn gốc rõ ràng...
Những vị thuốc phản nhau T.T |
Đình chỉ lưu hành thuốc hà thủ ô đen tóc Thúy Anh |
Liên Châu - Thanh Tùng
Bình luận (0)