Hầu hết các trường hợp ngộ độc ở trẻ em là do nhầm lẫn. Từ 1-6 tuổi trẻ rất tò mò, ham khám phá và hay bắt chước nên rất dễ bị ngộ độc. Tại TP.HCM, các ca ngộ độc ở trẻ trong những năm qua thường là do uống nhầm các loại dung dịch như chất tẩy rửa, dầu hôi, xăng, thậm chí cả thuốc trừ sâu. Thực tế còn cho thấy trẻ thường uống nhầm các loại thuốc viên ngừa thai hay các loại thuốc an thần của người lớn do bắt chước.
Một dạng nhầm lẫn khác từ cha mẹ là cho con uống nhầm thuốc hoặc do nhà thuốc bán nhầm vì thuốc có tên gần giống hay có bao bì tương tự. Bên cạnh đó, sự nhầm lẫn dẫn đến ngộ độc cho trẻ còn do nhận thức chưa đúng của phụ huynh. Nhiều người thường nghĩ rằng cho bé dưới 1 tuổi uống nước nấu từ rau củ có màu đỏ (như nước củ dền) có thể "bổ máu". Đây là quan niệm sai lầm, vì trong các loại củ hay rau quả vào một số mùa trong năm có thể chứa hàm lượng nitrate và nitrite cao, gây tím tái khó thở và có thể làm trẻ tử vong.
Phụ huynh phải xử trí như thế nào khi phát hiện trẻ bị ngộ độc? Một trong các sai lầm rất hay gặp là móc họng cho bé ói ra. Nói chung, không được tìm cách làm cho trẻ ói ra trong các trường hợp trẻ lơ mơ, đang co giật, uống phải dầu hôi hay các chất tẩy rửa có tính ăn mòn vì làm như vậy sẽ gây sặc dầu hôi vào phổi, gây viêm phổi. Cần đưa trẻ đến bệnh viện hay các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và cấp cứu kịp thời. Nhớ mang theo chai lọ đựng hóa chất hay vỉ thuốc mà trẻ có thể đã uống để các bác sĩ có thể xác định tác nhân gây ngộ độc.
Cha mẹ phải làm gì để phòng ngừa ngộ độc xảy ra cho trẻ?
+ Nhớ để các thuốc và hóa chất trong tủ có khóa và ngoài tầm với của trẻ em. + Bất cứ khi nào con bạn được kê toa thuốc, hãy chắc chắn là bé uống đúng và đủ liều, nếu là chai thuốc thì phải có nắp an toàn. + Luôn luôn đọc kỹ toa thuốc và thông tin về thuốc đi kèm. + Đừng tự ý mua thuốc cho con bạn uống. Hãy đưa bé đi khám bệnh để được chẩn đoán và cho thuốc đúng. Có nhiều bệnh không nhất thiết phải uống thuốc. + Đừng bao giờ dụ trẻ uống thuốc bằng cách nói với trẻ rằng thuốc là kẹo. + Không nên uống thuốc trước mặt trẻ. + Phải rửa sạch tay trước khi chuẩn bị thức ăn. + Không để bất cứ hóa chất nào (đặc biệt là xăng dầu hay thuốc trừ sâu rầy) trong các chai nước uống hay hộp chứa thức ăn. + Nên nhớ rằng trẻ con thường dễ bị ngộ độc chỉ vì tò mò, cha mẹ phải luôn giám sát trẻ xem trẻ ở đâu và đang làm gì ngoài việc khuyên răn con trẻ đừng tự ý bỏ đồ ăn vào miệng. |
BS Nguyễn Trí Đoàn
(Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare )
Bình luận (0)