Cơm Sài Gòn luôn phân ra hai "trường phái" riêng biệt là cơm phần và cơm dĩa. Cơm phần - hiển nhiên là ăn chung (ít nhất là hai người trở lên), cơm dọn ra trong tô, đồ ăn dọn ra theo từng dĩa riêng cùng một tô canh to rồi cứ thế mà ăn. Ăn kiểu này chắc chắn phải dùng đũa đúng theo cách ăn của người Nam. Cơm dĩa thì có vẻ sang hơn, ăn riêng theo kiểu Âu, lại dùng muỗng nĩa (có chỗ còn cần thận để thêm dao tiện cho việc cắt sườn như quán cơm Mê Kông góc Tôn Thất Tùng - Sương Nguyệt Ánh ở quận 01). Tuy có vẻ sang hơn cơm phần, nhưng lịch sử của cơm dĩa lại nghiêng về một chiều hướng khác. Vào khoảng năm 1945, nhà văn Sơn Nam đã thuật lại việc ra đời của cơm dĩa như sau: "Món ăn tự chọn phổ biến nhất là cơm dĩa, dùng muỗng nĩa, ăn với thịt sườn heo nướng, hoặc vài con tép, trứng chiên, thịt heo quay, trứng vịt kho. Cơm lúc ban đầu là sáng kiến của người Hải Nam, làm đầu bếp cho người Âu, áp dụng cho giới bình dân. Chợ Bến Thành từ xưa nổi danh nơi bán cơm ngon, sạch và rẻ nhất, hoặc ăn bì bún, nem nướng, bánh xèo thay cơm"... Sự kết hợp độc đáo của ẩm thực Đông Tây, qua bàn tay khéo léo của người Hải Nam vốn có nhiều kinh nghiệm đứng bếp cho người Âu, đã mang đến cho Sài Gòn một phong cách ẩm thực hoàn toàn mới. Tuy có sang hơn, có "Tây" hơn, nhưng cũng giản dị, gần gũi hơn bao giờ hết. Vì làm gì có món khai vị, xà lách, hay tráng miệng như một menu đầy đủ theo kiểu Âu bao giờ. Mà chỉ duy nhất một món chính cho cơm dĩa, sang hơn nữa thì kèm thêm chút rau hay xà lách, cà chua... Từ những món Hoa, cơm dĩa Sài Gòn "du nhập" thêm cơm tấm - cũng là một món bình dân của người miền Nam, rồi thêm vào những món ăn kèm "rặt" kiểu Nam bộ như tép rang, thịt kho trứng, rau cải xào....