Một vài năm gần đây, dọc trên các tuyến đường TP.Đồng Hới (Quảng Bình) xuất hiện các o, các chị bán cơm gà với tiếng rao quen thuộc “Cơm gà Lạc Sơn đây...”. Họ là những người hàng ngày mang cơm gà quê vào phố.
“Đội” cơm gà vào phố
Lạc Sơn là tên một ngôi làng thuộc xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) nổi tiếng với nghề bán cơm gà. Lâu lắm rồi từ nơi đây, mấy o, mấy chị ngược xuôi trên các chuyến tàu chợ với thúng cơm gà để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Khi được hỏi nghề bán cơm gà ở Lạc Sơn có từ bao giờ, họ đều lắc đầu, có người bảo nghe các cụ nói có thể bắt đầu từ khi tàu chợ chạy ngang qua ga, cũng được gọi là ga Lạc Sơn.
|
|
Cơm gà Lạc Sơn ngon vì gà nơi đây được thả tự do trên núi nên đùi thăn, thịt chắc, ngọt. Một thứ không thể thiếu đó là măng tre và môn được trồng ở quê cùng gia vị là nghệ tươi, ớt quả, ớt màu, hành lá…
Gọi là thúng cơm gà, bởi lẽ hành trang chỉ là dăm ba con gà đã được thịt và kho sẵn trong một nồi, cùng với nồi cơm, ít măng tre và môn. Tất cả được ủ vào một cái thúng cho cơm và thịt gà được nóng. Mấy chị còn đem thêm các hộp giấy để đựng cơm cho khách, hành trang chỉ có vậy.
Từ Lạc Sơn về thành phố hơn 70 km, thế nhưng ngày nào cũng vậy, mặc cho trời nắng chói chang hay mùa đông giá rét, mưa ngập trời, cứ khoảng 4 giờ sáng là thức giấc để thịt gà, chuẩn bị các vật dụng cần thiết để lên xe đò vào thành phố bán cơm gà.
Chị Lê Thị Bảy (trú tại xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa) - chuyên bán cơm gà trước Bưu điện tỉnh cho biết: “Hàng ngày bọn tui bắt xe đò ở quê lúc 7 giờ sáng, vào đến thành phố khoảng hơn 9 giờ là bắt đầu đội thúng cơm đi bán. Nhưng mấy chị em thường tập kết ở đây vì đây là trung tâm, nhiều cơ quan và người qua lại. Bình thường hôm nào khách đông thì khoảng 1 giờ chiều hết cơm là bắt xe ra ngay, còn hôm nào ế thì phải bán tiếp và đón chuyến xe cuối cùng của buổi chiều để về lại quê lúc 5 giờ 30…”
Và vì thế, vào mỗi buổi sáng dọc TP.Đồng Hới, hình ảnh hàng chục phụ nữ trên đầu đội thúng cơm đi dọc đường về các khu vực đông dân cư để bán cơm gà đã dần trở nên quen thuộc.
Đẫm mồ hôi trong mỗi chuyến đi
Sau khi đi xe ô tô từ quê vào thành phố, các chị lại đội thúng cơm đi dọc các tuyến phố để bán. Chị Bảy cho biết: “Mỗi ngày bọn tui đi bộ vài chục km, tính từ ngoài quê vô đây, đi bán rồi quay ra lại, mỗi ngày phải di chuyển gần 200 km chứ không ít đâu chú à, vậy mà gần 4 năm nay ngày nào tui cũng vậy, bán đến chiều 30 tết mới nghỉ”.
Biết là vất vả, thế nhưng nghề cơm gà thu nhập vẫn ổn định hơn, bởi lẽ “Làng chủ yếu làm ruộng, nhưng đất ít, lại cằn cỗi, mỗi năm một sào ruộng nên đời sống bấp bênh” - chị Nguyễn Thị Chung, ngồi bán bên cạnh chị Bảy cho biết thêm.
Có người chịu không nổi cảnh hàng ngày di chuyển hàng trăm km để bán cơm gà đành chọn phương án thuê trọ tại thành phố để bán cho tiện.
|
|
Chị Lê Thị Hồng Phước (xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa), chuyên bán cơm gà tại khu vực cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho biết: “Tui bán cơm gà từ năm mới 16 tuổi, tính đến nay đã được 30 năm. Rong ruổi với nghề bán cơm gà, sức khỏe giảm sút, giờ vào thành phố thuê trọ ở lại để bán. Cứ vài ngày chồng tui lại đem gà và rau dưa vào, sáng sớm tui dậy thịt rồi nấu và đem đi bán”.
Điều đặc biệt khi mua cơm gà Lạc Sơn là mua với giá bao nhiêu cũng được, 10 ngàn, 20 ngàn, nhiều hay ít các chị đều vui vẻ. Các chị cho biết: “Từ xa vào đây bán, miễn có người mua, tiêu thụ được là bọn tui vui rồi…”
Những hôm trời mưa to, khách không ra mua cơm được thì họ lại đội thúng, đội mưa đi vào tận các cơ quan, gõ cửa từng nhà để bán, không ít lần quá ế ẩm, các chị phải đành lòng mang về nhà ăn, ăn không hết thì cất bữa khác… ăn tiếp chứ cũng không thể đem đi bán lại cho ngày hôm sau vì như vậy gà sẽ mất độ tươi ngon.
Vất vả là vậy, thế nhưng thu nhập cũng không được là bao. Chi phí cho mỗi chuyến đi 2 chiều cũng đã hết 50 ngàn đồng, “đó là do ngày nào cũng đi, bác tài lấy giá rẻ rồi đó” - chị Bảy cho biết. “Mỗi ngày đi bán chừng được 3 con gà, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí chỉ được khoảng 70-80 ngàn đồng” - chị Chung trải lòng.
“Từng đó không nhiều nhưng đủ để trang trải cuộc sống ở quê, nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học, chứ ở quê làm chi kiếm ra được số tiền đó mỗi ngày…” - chị Bảy vừa bán cơm cho khách vừa tâm sự.
Theo Lao Động
Bình luận (0)