|
Lách qua những ngõ nhỏ san sát hàng quán và nhà trọ, ông Hùng, Trưởng thôn Mễ Trì Hạ đưa chúng tôi đến nhà anh chị Nguyễn Thanh Khiêm, 45 tuổi, Nguyễn Thị Hạnh, 43 tuổi, làm cốm từ đời ông bà nội.
Gian bếp nhà anh Khiêm là một tổ hợp lò rang thóc, máy xát, máy giã cốm. Máy móc đã khiến thời gian làm ra cốm nhanh hơn so với thời thóc rang bằng tay trên bếp củi, giã bằng chày thậm thình suốt ngày đêm. Thóc nếp được rang trong chảo gang trên bếp, đảo bằng thiết bị có gắn động cơ điện trong 2 giờ rồi mang ra xát vỏ cũng bằng máy. Tiếp theo, cốm được cho vào cối, một chiếc chày lại cũng chạy bằng điện lập tức giã bình bịch sau đó được chị Hạnh mang ra sảy sạch vỏ và làm cho cốm tơi ra.
Cuối cùng, cô con gái chủ nhà xúc cốm vào những chiếc lá ráy, lá sen rồi buộc lại bằng một sợi rơm xanh. Gói cốm được đặt vào một chiếc túi xách in tên chủ cơ sở sản xuất, địa chỉ nhà, có sẵn cả một tấm card hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản cốm. “Chị ăn không hết thì cho vào hộp nhựa trong ngăn đá. Nếu muốn đổi vị thì có thể cho thêm thịt, trứng vào mà làm chả cốm”, cô nói thêm.
Thanh niên Mễ Trì biết nghề cốm như cô gái con nhà Khiêm - Hạnh chẳng còn nhiều. Theo trưởng thôn Hùng, cả 5 hộ gia đình làm cốm quy mô lớn nhất ở Mễ Trì đều không có con cái ở nhà giúp cha mẹ làm nghề truyền thống. Người dân làng này cũng hoang mang không biết sẽ theo được nghề đến bao giờ vì đất trồng lúa ngày càng thu hẹp khiến người làng cốm phải đi tận các huyện xa như Sóc Sơn, Mê Linh, sang tận Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mua thóc nếp bằng xe máy từ 4 giờ sáng. Nhưng giá thóc ngày càng lên. Năm nay, giá mỗi tạ thóc là 1,7 triệu đồng, làm được khoảng trên dưới 10 kg cốm, trong khi giá cốm từ năm ngoái đến nay vẫn chỉ dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó chủ tịch UBND xã Mễ Trì cho hay cả Mễ Trì giờ còn 67 hộ gia đình làm cốm (con số này năm 1999 là 230), trong đó thôn Mễ Trì Hạ là 44 hộ, Mễ Trì Thượng 23. Số người sống bằng nghề đi buôn cốm rong cũng giảm từ 800 xuống còn 150 người ở cả hai thôn. Việc làm cốm mang tính thời vụ, tính theo âm lịch thì từ tháng 3 đến rằm tháng 5 và từ tháng 8 đến rằm tháng 10 nên người Mễ Trì muốn có thu nhập ổn định phải vào nội thành đi bán rau, làm phụ hồ, nhà nào nhiều đất thì xây nhà trọ, bán tạp hóa...
Ngày trước, cốm làm xong đặt trong thúng, đàn bà làng cốm cắp nách hoặc gánh đi bán dạo khắp phố phường. Giờ thì đàn ông cũng có thể là người giao cốm, họ đi xe máy hoặc xe buýt, có thể đưa tận nhà cho người đặt sẵn. Món ăn chơi thanh cảnh đất kinh kỳ chẳng mấy chốc đã thành thứ hàng “ship” (giao) tận tay như một thức đồ ăn nhanh thời hiện đại.
Không còn cảnh tấp nập của chợ cốm bán từ cái lá sen, bó rơm xanh của hàng trăm người Mễ Trì lúc rạng sáng, chợ cốm (xây dựng năm 1999 trên đất xã Mễ Trì) 5 năm nay được chuyển đổi thành bãi trông xe. Đến làng cốm bây giờ cũng khó xem được công việc làm cốm vì người làng sợ bị săm soi về an toàn, vệ sinh thực phẩm sau việc một số gia đình dùng phẩm màu nhuộm cốm và bị phê phán cách đây vài năm…
Nguyễn Thúy Hằng
Bình luận (0)